|
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2019 là 840 doanh nghiệp, chiếm 5,3% trong tổng số doanh nghiệp được thành lập mới. |
Đến thời điểm này, thị truờng bất động sản các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM đã phát triển rất mạnh mẽ. Bằng chứng là các tòa nhà chung cư cao tầng mọc lên, các khu đô thị mới hiển hiện. Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh cũng là để đáp ứng nhu cầu ở và hoạt động kinh doanh của nền kinh tế.
Hệ lụy khi thị trường quá nóng
Khi thị trường phát triển thì lực lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên cả nước, ở lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2019 là 840 doanh nghiệp, chiếm 5,3% trong tổng số doanh nghiệp được thành lập mới. Riêng tại Tp.HCM hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Nếu như doanh nghiệp ngoại phần lớn tham gia vào thị trường bằng việc mua lại các dự án đã đưa vào hoạt động, nhằm có thể đạt được lợi tức ngay, thì các doanh nghiệp trong nước lại đẩy mạnh tham gia mua bán và sáp nhập để phát triển dự án nhà ở, khu đô thị mới. Đến nay, thị trường đã phát triển mạnh về mọi phân khúc từ ở, phục vụ hoạt động sản xuất đến đầu tư. bất động sản đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào phát triển dự án.
Bên cạnh các doanh nghiệp có thâm niên phát triển dự án bất động sản, một lực lượng không nhỏ doanh nghiệp các ngành nghề khác cũng nhảy vào thị trường này, bởi lợi tức mà ngành này mang lại.
Chính vì thế, thị trường rơi vào thế hỗn độn, dự án xin phép nhiều nhưng tỷ lệ xây dựng được không lớn, bởi vấp phải vấn đề về năng lực tài chính yếu kém, khả năng quản trị yếu. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường và đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết hết. Thậm chí, có những đối tượng lợi dụng độ nóng của thị trường và nhu cầu kiếm lợi nhuận của người dân, sẵn sàng thực hiện các chiêu trò lừa đảo, bán khống.
Nguy hiểm hơn là giá đất cũng tăng vọt và gây ra sốt. Hiện nay, quỹ đất tại Tp.HCM gần như đã cạn nên các doanh nghiệp phát triển dự án đang tỏa ra các tỉnh, thành để phát triển các dự án mới. Hiện, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh ven biển như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đang thu hút nhiều dự án tập trung về khu đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng.
Thực tế, phần lớn người đầu tư là khách mua trên thị trường bất động sản theo kiểu lướt sóng, đang gây ra nhiều hệ lụy. Tại vùng ven, nhiều khu đất bỏ hoang, không ít căn nhà trơ trọi mặc cho rêu bám cỏ lấp. Trong khi ấy, người sản xuất lại thiếu đất canh tác. Trong khu vực trung tâm, hàng loạt căn hộ để trống trong khi người dân vẫn không thể mua được nhà để an cư, lạc nghiệp.
Bất động sản tiếp tục hút vốn mạnh
Nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản cũng rất ấn tượng. Năm 2018, cả nước có hơn 6,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào thị thường bất động sản, chiếm 21,3%, đưa bất động sản lên hàng thứ hai trong danh sách ngành nghề thu hút vốn FDI.
Nguồn vốn tập trung nhiều từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, tiếp theo là Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông. Riêng tại Tp.HCM, nguồn vốn FDI thu hút đạt 6,22 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn FDI vào bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh, với hơn 1 tỷ USD, đứng thứ ba, chiếm 17% tổng nguồn vốn FDI của thành phố. Trong 2 tháng đầu năm 2019, theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 478 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký.
Trước sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, theo đánh giá của Công ty Savills Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thăm dò và tìm kiếm cơ hội tham gia vào thị trường. Trong quý 4/2018, các chủ đầu tư phân khúc nhà ở tiếp tục hoạt động tích cực. Hoạt động chuyển nhượng và mua bán giữa các nhà đầu tư ngoại vẫn diễn ra sôi động.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: "Thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng ngày Savills vẫn luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đầu tư bày tỏ mối quan tâm. Rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu. Năm 2019, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các giao dịch đầu tư mới ở nhiều cấp độ từ tài sản, danh mục, và đầu tư doanh nghiệp".
Theo VnEconemy