Đất nên tăng giá chóng mặt
“Nóng” nhất và được khách hàng, cò đất quan tâm hiện nay là khu Tây Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trung bình đất khu vực này tăng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/lô, tùy vị trí, đường và dự án.
Cụ thể, khu A Golden Hills trước Tết giao dịch khoảng 2,5 - 2,7 tỷ đồng/lô 125m2 thì nay tăng lên mức 3,3 - 3,7 tỷ đồng. Cá biệt, các lô biệt thự 187m2 đường 7,5m có giá khoảng 5 tỷ đồng.
Giá đất nền tại Đà Nẵng liên tục tăng phi mã kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay. |
Cách đó không xa, khu Nam Nguyễn Tất Thành, Hòa Liên 5, Dragon City, Hòa Hiệp 3, Homeland Centre park, Hòa Hiệp mở rộng... giá đất cũng đang tăng hằng ngày và hiện trung bình khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2.
Những ngày qua, đất nền khu vực quanh Khu du lịch (KDL) Xuân Thiều cũng “nóng” không kém.
Trước Tết, giá đất khu vực này được chào mức 29 - 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện đã được nâng lên 40 triệu đồng/m2, mức tăng khủng khiếp.
Tại phía Nam thành phố, đất nền khu vực Điện Ngọc những ngày qua cũng đang là tâm điểm của các nhà đầu tư.
Tại các dự án Sentosa Riverside, Seaview, Khu đô thị số 6, số 7, 7B... cảnh người xem đất, khảo sát giá, đặt cọc giao dịch sôi nổi. Trước Tết, giá giao dịch các dự án khu vực này trung bình 15 - 18 triệu đồng/m2 nhưng hiện đã lên mức 22 - 27 triệu đồng/m2 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Khu vực biển Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng tăng mạnh. Qua khảo sát, giá đất nền tại đây tăng khoảng 10 triệu đồng/m2, giao động 35 - 50 triệu đồng/m2, tùy tuyến đường.
Ngoài các khu vực trên thì đất nền các khu Nam Hòa Xuân, Hòa Xuân mở rộng, Sinh thái Hòa Xuân... cũng “sốt” hầm hập.
Người mua đất xuống tiền tại sàn giao dịch. |
Người người buôn đất
Giá đất liên tục tăng, các quán cà phê, quán nhậu đâu đâu cũng thấy người dân Đà Nẵng bàn chuyện đất đai.
Anh Minh, một nhà đầu tư cho biết, trước Tết khoảng 10 ngày anh mua hơn 300m2 đất khu vực Xuân Thiều với giá 29 triệu đồng/m2. Mấy ngày qua, các trung tâm giao dịch bất động sản liên tục gọi điện trả giá hơn 40 triệu đồng/m2 nhưng anh chưa bán.
“Sở dĩ đất nền khu vực Xuân Thiều nóng là vì thông tin Đà Nẵng trao giấy phép cho nhà đầu tư của Nhật Bản mở rộng KDL Xuân Thiều, xây khách sạn, công viên nước, phố ẩm thực... với tổng vốn lên tới 100 triệu USD”, anh Minh nhìn nhận.
Anh Trần Anh Tuấn, nhà đầu tư “lướt sóng” cho biết, trước Tết anh “ôm” 3 lô đất khu vực Golden Hills, giờ lãi gần 3 tỷ đồng, số tiền mà trước đến giờ có nằm mơ anh cũng không nghĩ tới.
“Chỉ chưa đầy 3 tháng mình thu về gần 3 tỷ đồng. Từ sau Tết đến nay giá đất nền tăng ầm ầm nên mình quyết định nghỉ việc tại công ty để đầu tư vào đất. Nói thật, làm ở công ty lương tháng 8 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu”, anh Tuấn nói.
Cảnh người dân Đà Nẵng công chứng đất đai tại phòng công chứng. |
Hơn 1 tuần nay, anh Đường đã nghỉ việc tại công ty truyền thông để buôn đất. Anh Đường cho biết, năm 2017, vợ chồng anh bán ngôi nhà trong kiệt trên đường Nguyên Văn Thoại (Sơn Trà) được 700 triệu đồng để mua lô đất ở khu Hòa Xuân. Chỉ mấy tháng sau, người ta trả 1,3 tỷ đồng nên anh chuyển sang buôn đất.
“Mình chỉ lướt sóng, mua đi bán lại trong tuần, kiếm vài chục triệu tiền lời. Trước mình làm ở công ty truyền thông, giờ xin nghỉ để tập trung mua bán đất. Cũng chỉ mua đi bán lại liền tay nên không cần quá nhiều vốn”.
Cũng theo anh Đường, đầu tháng 3, anh đặt cọc mua 2 lô đất khu vực Hòa Liên 5 với giá 20 triệu đồng/m2, giờ có người trả 24 triệu đồng/m2 nên quyết định bán.
“Mình thuộc dạng cò con, lời là đẩy để xoay vòng chứ không dám ôm. Ăn ít cho nó bền”, anh Đường chia sẻ.
Anh T. đang là cán bộ hợp đồng ở phường cũng viết đơn xin nghỉ việc để đi “cò” đất. Bây giờ anh T. suốt ngày “rà” ở những dự án, khu đô thị để “săn” đất, dẫn mối.
“Chỉ cần trúng một lô là kiếm hàng chục triệu đồng, lại thoải mái thời gian nên mình xin nghỉ”, anh T. nói.
Theo anh Lê Hoàng Anh (chủ một chòi giao dịch BĐS) tại khu vực Điện Ngọc, giá đất liên tục tăng nên 2 tuần nay người tìm mua, khảo sát giá rất đông. “Hầu hết những người mua đất chỉ để bán lại kiếm lời chứ nhu cầu ở thực sự rất ít. Nhiều người có vốn đầu tư kiếm lãi nên giá đất tăng là tất yếu”, anh Anh nói.
Cảnh người dân Đà Nẵng công chứng đất đai tại phòng công chứng. |
Anh Linh (chủ sàn giao dịch đất khu vực Tân Trà, Điện Ngọc) cũng thừa nhận, người mua đất để ở không nhiều, chủ yếu là mua đi bán lại kiếm lời.
“Đất nền Đà Nẵng thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, người trong nghề như tôi cũng không thể nghĩ được là nó lại cao đến như vậy”, anh Linh chia sẻ.
Trước tình hình thị trường giao dịch đất tiềm ẩn nhiều phức tạp, đặc biệt là chiêu trò tung tin để thổi giá vừa qua, các cơ quan, sở, ngành chức năng Đà Nẵng phải liên tục ra văn bản cảnh báo đến người dân trong các giao dịch.
Theo VTC