Hơn 100 dự án bất động sản TP.HCM "đóng băng", người mua nhà hoang mang

Thứ sáu, 29/03/2019, 10:17
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình hợp lý hơn 100 dự án đang bị 'đóng băng', làm thị trường bất động sản TP ảnh hưởng nặng nề.

Một trong số 100 dự án vướng thủ tục pháp lý ở Q.Tân Bình, TP.HCM

Không chỉ vậy, còn có nhiều dự án bị "vạ lây" do việc lo sợ trách nhiệm của cơ quan chức năng hoặc giải quyết thiếu quyết tâm dẫn đến đình trệ kéo dài, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Đồng thời, người mua nhà cũng hoang mang không rõ số phận dự án đã bỏ tiền mua sẽ ra sao.

"Dù nội dung thế nào cũng tuân thủ nguyên tắc trả lời rõ ràng trên cơ sở thông tin minh bạch, tiến độ, lý do, nguyên nhân chậm tiến độ của từng dự án".

Phó chủ tịch UBND TP.HCM TRẦN VĨNH TUYẾN

Người mua nhà hoang mang

UBND TP.HCM đã thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư dự án Charmington Iris tại 76 Tôn Thất Thuyết (Q.4) của Công ty TNHH Sabeco HP (do TTC Land phân phối phát triển dự án).

Là một trong những khách hàng nhiều lần đến trụ sở công ty phát triển dự án đòi lại tiền mua căn hộ ở dự án kể trên, bà Nguyễn Phương Liên cho hay hiện phía công ty vẫn chưa thể đưa ra văn bản cho thấy dự án vẫn còn tồn tại và tiếp tục triển khai. Do đó, nhiều khách hàng đã yêu cầu trả lại tiền cọc, hoặc ít nhất không phải đóng thêm tiền theo tiến độ của hợp đồng đã ký trước đó đến khi có thông tin chính thức.

"Đến nay, phía công ty đã đồng ý cho người mua nhà không phải đóng tiền theo tiến độ đến tháng 6-2019. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có những bằng chứng pháp lý cho thấy dự án tiếp tục được triển khai. Hiện tại, người mua nhà vẫn chờ đợi nhưng không biết sẽ như thế nào" - bà Liên lo lắng.

Cũng lo lắng về tình trạng pháp lý của dự án, ông Hoàng Mạnh Hiếu, người mua căn hộ tại dự án Botanica Premier của Công ty cổ phần kinh doanh nhà Nova, cho hay đã cùng các khách hàng đến doanh nghiệp hỏi thông tin nhưng bị từ chối. Đến nay, dự án đã trễ hẹn giao nhà và ký hợp đồng mua bán, dù nhiều khách hàng đóng trên 90% giá trị căn nhà.

"Hiện chủ đầu tư chỉ khắc phục bằng cách trả lãi suất phạt giao nhà chậm, trong khi mọi hồ sơ pháp lý vẫn không cung cấp cho khách hàng. Điều này làm người mua nhà hoang mang không biết có thể làm thủ tục đứng tên căn hộ được hay không và sẽ ảnh hưởng việc chuyển nhượng căn hộ cho người khác" - ông Hiếu cho biết.

Qua tìm hiểu, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Botanica Premier cũng như một số dự án khác của Novaland trên địa bàn Q.Phú Nhuận vẫn đang lo lắng không rõ căn hộ đã mua có được cấp sổ đỏ hay không. Bởi vào cuối năm 2018, UBND TP.HCM có văn bản tạm dừng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với 7 dự án khu chung cư cao tầng thuộc Tập đoàn Novaland trên địa bàn Q.Phú Nhuận.

Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai, UBND Q.Phú Nhuận đã tạm dừng các thủ tục cấp sổ đỏ, mua bán chuyển nhượng, thế chấp căn hộ tại những dự án này, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Các nhà đầu tư tham dự buổi mở bán một dự án ở vị trí đắc địa khu Q.1, TP.HCM vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, dự án này đang được rà soát lại 

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường và UBND Q.Phú Nhuận giải quyết bình thường các yêu cầu của người dân, nhưng đến nay Tập đoàn Novaland chưa nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM.

"Hiệp hội kiến nghị UBND TP sớm có văn bản xác nhận người mua nhà tại các dự án nêu trên được quyền thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ, mua bán chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp căn hộ theo quy định của pháp luật" - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HOREA, cho biết.

Charmington Iris hay Botanica Premier chỉ là hai dự án điển hình bị vướng mắc về hồ sơ pháp lý, nằm trong nhóm dự án phải rà soát lại hoặc rút giấy phép chủ trương đầu tư.

HOREA đưa ra con số 100 dự án bất động sản đang bị "đóng băng" do thanh tra, rà soát nhưng theo các doanh nghiệp, còn rất nhiều dự án ngoài danh sách này đang gặp khó.

"Người mua nhà đã giao kết hợp đồng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người mua tại các dự án đang bị rà soát, thanh tra là bên vô can, không có lỗi. Do đó, họ không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) của chủ đầu tư dự án và cần được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.".

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Doanh nghiệp khổ vì bị ngâm hồ sơ

Theo HOREA, qua ba tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản càng lo ngại hơn trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc hoặc không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời.

Điều này làm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, kéo theo việc tăng giá bất động sản. Cùng với đó là việc doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

Ông Ngô Quang Phúc, tổng giám đốc Phú Đông Group, cho biết doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực tìm dự án mới để có sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Việc xin dự án, làm thủ tục bị kéo dài ảnh hưởng rất lớn kế hoạch kinh doanh của công ty và là một trong những lý do có nhiều công ty phải đến các địa phương khác triển khai dự án thời gian qua.

Ông T., giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM, cho rằng thời gian qua các cơ quan, ban ngành TP chậm xử lý hồ sơ đầu tư đã khiến các dự án ra thị trường rất chậm, ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh, xoay dòng vốn của doanh nghiệp.

Vị giám đốc này mong muốn các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh, tập trung giải quyết hồ sơ, ổn định tâm lý. Thời gian gần đây, khách hàng thường có xu hướng kén chọn, e ngại khi đi xem nhà hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Tài - giám đốc Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Thái Bảo, chủ đầu tư dự án An Sinh (Asa Light) Q.8 - cho biết cuối năm 2016 công ty đầu tư dự án này. Đến nay, chủ đầu tư đã bán 530 căn hộ với số tiền nhận cọc hơn 200 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty Thái Bảo đã đầu tư vào dự án này khoảng 400 tỉ đồng.

Sau khi xây dựng xong phần ngầm, công trình bị tạm dừng thi công chờ bổ sung thủ tục pháp lý theo yêu cầu của UBND TP. Nhiều khách hàng bức xúc vì thời gian nhận nhà bị chậm và đòi lại tiền cọc, thậm chí kéo đến công ty căng băngrôn phản đối. Riêng chi phí duy trì dự án dù không hoạt động đã tốn của công ty hơn 300 triệu đồng mỗi tháng.

Dự án Asa Light tại Q.8, TP.HCM

Đáng chú ý là theo xác minh từ Sở Xây dựng TP.HCM, khu đất dự án Asa Light có nguồn gốc do thực hiện bồi thường, không phải là đất công do Nhà nước quản lý. Nguồn vốn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng từ các nguồn huy động ngoài ngân sách và do các đơn vị hợp tác chi trả, chứ không phải vốn ngân sách nhà nước.

Sở Xây dựng đã có tờ trình UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư dự án cho Công ty Thái Bảo để sớm triển khai dự án trở lại.

Ngoài ra, việc hơn 100 dự án "đóng băng", thủ tục hồ sơ các dự án khác đang chậm triển khai, vướng mắc thủ tục pháp lý nhiều khâu giúp các dự án có sẵn thao túng giá mua, làm thị trường lệch đi theo hướng tiêu cực, bất lợi cho khách hàng.

Theo HOREA, hiện nay gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn TP bị ngưng trệ, nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa được giải quyết xong.

Sở Tài nguyên - môi trường gần như không nhận hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp. Đối với hồ sơ đã nhận thì bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất, UBND TP.

Trường hợp điển hình là một dự án lớn tại Q.5 đã "bị" xác định tiền sử dụng đất đến 3 lần, với mức giá lần sau đều cao hơn lần trước, kéo dài đã hơn hai năm nay. Cả 3 lần chủ đầu tư đều đã đồng ý nộp tiền, nhưng đến nay vẫn chưa được nộp để triển khai dự án. Nguyên nhân trực tiếp là cán bộ, công chức có thái độ thụ động, sợ trách nhiệm, không dám đề xuất chính kiến.

Đồng thời TP chưa xây dựng được "khung cơ chế" về công thức tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP.HCM để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và an toàn.

"Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng giảm 63%. Trong đó các dự án được chủ đầu tư thực hiện thủ tục để được công nhận là chủ đầu tư giảm mạnh, các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm mạnh. Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ, tình hình sẽ khó khăn nhiều hơn nữa".

Ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Cần sớm khai thông thị trường bất động sản thành phố

Theo chủ tịch HOREA Lê Hoàng Châu, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm mạnh, bất lợi cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thực tế nguồn thu ngân sách TP đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5%, hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong hai tháng đầu năm 2019 trên địa bàn TP lên đến 10.110 tỉ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31-12-2018, trong đó các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỉ đồng, chiếm 14%, và đã có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế tổng số tiền sử dụng đất gần 800 tỉ đồng.

Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm mạnh, do các chủ đầu tư thiếu nguồn dự án mới.

Chủ tịch HOREA Lê Hoàng Châu

Ngày 28-3, ông Châu cho biết trong cuộc họp giữa hiệp hội và lãnh đạo TP.HCM quý 1, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo các sở, ngành tích cực tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp.

Với các kiến nghị của HOREA, ông Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát lại hồ sơ, thủ tục các dự án mà UBND TP đã có chủ trương tháo gỡ.

"Nguyên tắc là cần trả lời cụ thể tiến độ giải quyết hồ sơ dự án, liên quan đến sở, ngành nào thì các đơn vị phải trả lời thông tin, nguyên nhân chậm thực hiện cho doanh nghiệp" - ông Tuyến nhấn mạnh.

Vài ngày nữa, chủ tịch UBND TP sẽ đề nghị quy trình phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện. Quy định trao đổi nghiệp vụ lẫn nhau, hồ sơ chỉ giải quyết trong vòng 10 ngày làm việc, nếu hồ sơ tắc nghẽn ở đơn vị nào sẽ quy trách nhiệm ở đơn vị đó. Không để tình trạng hồ sơ chuyển lên nhưng sở, ngành không trả lời.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích