Chiêu trò môi giới bất động sản

Thứ bảy, 20/07/2019, 09:41
Môi giới bất động sản (BĐS) là một nghề được pháp luật công nhận. Không thể phủ nhận, môi giới BĐS là một trong những tác nhân giúp thị trường BĐS nước ta vận hành linh hoạt hơn. Tuy nhiên, thời gian qua có không ít người mua nhà đất do không tìm hiểu kỹ thông tin đã sập bẫy của nhiều môi giới BĐS. 

Một buổi công bố, chào bán dự án bất động sản

Muôn kiểu chào mời

Mấy tháng gần đây, anh Nguyễn Dũng (ở phường 3 quận Gò Vấp, TP.HCM) liên tục nhận được điện thoại của nhân viên môi giới BĐS giới thiệu các dự án đất nền ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai và dự án chung cư ở các quận ven TP.HCM. Ngày ít thì vài cuộc gọi, ngày nhiều thì cả chục cuộc gọi, khiến anh Dũng rất bực bội.

Không chỉ anh Dũng, mà rất nhiều người cảm thấy phiền phức, khó chịu khi phải nhận những cuộc gọi, tin nhắn quấy rầy như vậy. Ngoài việc làm phiền khách hàng, nhiều môi giới BĐS còn góp phần đẩy giá đất ở một số nơi lên quá cao so với giá thực, tạo cơn sốt ảo khiến thị trường phát triển không lành mạnh.

Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của môi giới BĐS trên thị trường đạt khoảng 15%/năm. Hiện nay có nhiều công ty môi giới BĐS đã tạo dựng được uy tín, phát triển theo hệ thống, xây dựng thương hiệu, hoạt động chuyên nghiệp, bài bản.

Môi giới BĐS trở thành kênh phân phối, đối tác quan trọng không thể thiếu của các nhà phát triển BĐS trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, nghề môi giới BĐS vẫn còn không ít hạn chế xuất phát từ sự bất cập trong công tác quản lý hoạt động hành nghề. Một số lượng lớn các sản phẩm được môi giới BĐS chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện tượng thông tin ảo, đồn thổi, thổi phồng giá, giấu giếm, thậm chí đưa thông tin sai lệch về quy hoạch, pháp lý BĐS diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát

Nói về nguyên nhân tạo nên những lộn xộn trong hoạt động môi giới BĐS thời gian qua, ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, cho rằng: “Hiện đang thiếu cơ chế quản lý tốt hoạt động môi giới BĐS. Một môi giới chuyên nghiệp phải được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn sâu, định hướng rõ ràng về nghề nghiệp”. Thực tế đúng như vậy, chính sự lỏng lẻo trong quản lý đã khiến bùng phát mạnh mẽ những trường hợp làm môi giới BĐS tự phát, thiếu chuyên môn.

Nhiều môi giới nghiệp dư “nhào” vào nghề khi thấy thị trường nóng sốt, hết sốt thì nghỉ; môi giới hành nghề ở mọi lứa tuổi và xem đó là nghề nhanh làm giàu, mặc dù không rõ về pháp lý dự án để tư vấn cho khách hàng. Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như quy định không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ hành nghề. Chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm chưa đủ sức răn đe…

Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Cường chi nhánh quận Gò Vấp (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: Nhiều đơn vị môi giới kinh doanh BĐS cố tình cung cấp sai thông tin để thu hút khách hàng và bán nhiều sản phẩm. Đó là hành vi bị cấm, đã quy định rõ tại Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014.

Theo đó, người có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác, hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự hiện hành (tội quảng cáo gian dối) nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà tái phạm.

Cũng theo luật sư Trúng, thực trạng này cũng là vấn đề nhức nhối hiện nay trong kinh doanh BĐS. Để minh bạch môi trường kinh doanh BĐS, đưa về đúng bản chất và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thì các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các vi phạm hành chính để làm căn cứ cho cơ quan điều tra xử lý về hình sự các tội danh tương ứng hành vi phạm tội.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích