Đất nền dự án ở khu vực Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ giảm giá khá sâu, giao dịch chậm.
Một trong những nguyên nhân chính được nhận định là do các nhà đầu tư "lướt sóng" ở phía Bắc đã rút lui, sau khi "ôm" một khoản lời lớn.
Giá giảm, giao dịch chậm
Đất khu đô thị Phước Lý (quận Cẩm Lệ) được đánh giá là một trong những khu vực tăng trưởng ổn định của TP Đà Nẵng. Thế nhưng tại đây, hiện đất nền đã giảm từ 200 - 300 triệu đồng/lô, giá đất dao động từ 21 - 35 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí. Cá biệt, có lô 105m2 đường mặt tiền 7,5m nhưng gia chủ chỉ rao bán với giá hơn 2,75 tỷ đồng, chưa thương lượng. Những dự án thuộc khu vực phía Nam TP.Đà Nẵng như Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn), giá cũng giảm sâu và giao dịch gần như đứng im.
Theo tìm hiểu của PV, đất nền tại những khu vực này có nơi xuống 600 - 700 triệu đồng/lô, chứ không phải là đang có dấu hiệu "sốt" trở lại như thông tin quảng cáo của những nhà môi giới và "cò đất".
Cụ thể, giá đất nền khu vực phía Nam đường Mai Đăng Chơn khoảng 2,7 tỷ đồng/lô; khu Hòa Xuân mở rộng dao động từ 3,1 - 3,25 tỷ đồng/lô. Trong khi đó, tại thời điểm "sốt giá", đất Hòa Xuân có khu vực leo lên đến 3,8 - 3,9 tỷ đồng/lô.
Trên các trang rao bán bất động sản (BĐS) Đà Nẵng, không khó để tìm ra nhiều chủ đất rao bán đất nền dự án ở Hòa Xuân thời gian dài nhưng không ai mua. Đất dự án Golden Hills (quận Liên Chiểu) từng tạo nên "cơn sốt" bất thường sau Tết Nguyên đán 2019, nay đồng loạt giảm sâu ở các trục đường.
Trong đó có lô đất 120m2 đường 5,5m đã có sổ đỏ, gia chủ chỉ rao bán với giá 2,2 tỷ đồng, thế nhưng cách đây tầm 3 tháng giá của lô đất này không dưới 2,6 tỷ đồng, so với thời điểm sốt giá sau Tết Nguyên đán 2019, lô đất này giảm gần cả tỷ đồng.
Vẫn phải bán cắt lỗ
Có nghề tay trái là buôn đất, anh Nguyễn Văn Minh (trú tại khu đô thị Phước Lý) chia sẻ, đã kiếm được một khoản lời không nhỏ trong giai đoạn Đà Nẵng "sốt" đất. Tuy nhiên hiện nay, anh Minh cũng như nhóm bạn cùng làm đang bị thất nghiệp với nghề tay trái do giá đất nền Đà Nẵng giảm sâu.
"Thời điểm sau Tết Nguyên đán 2019, tôi và bà chị chung nhau mua hai lô đất mặt tiền đường 7,5m, mỗi lô 100m2, với giá 3,5 tỷ đồng/lô, không lâu sau đó do giá đất nền giảm sâu nên buộc phải bán cắt lỗ với giá 3,25 tỷ đồng/lô. Dù lỗ đến 250 triệu đồng/lô nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận vì nếu không giá còn giảm nữa và lãi suất ngân hàng sẽ đội lên rất lớn" - anh Minh chia sẻ.
Về nguyên nhân giá đất nền Đà Nẵng giảm sâu, bà Đoàn Thị Cẩm Hồng – Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Phúc Hoàng Ngọc cho rằng, trước hết do các nhà đầu tư "lướt sóng" ở phía Bắc đã rút lui sau khi họ "ôm" một khoản lời lớn. "Đa phần những đợt sốt giá đất nền ở Đà Nẵng đều do đội ngũ "cò đất" từ các địa phương khác đến tạo nên. Họ hoạt động từng nhóm, hùn vốn gom đất rồi sử dụng những chiêu thức để tạo "cơn sốt" nội bộ. Khi thông tin "sốt" đất xuất hiện trên các trang mạng xã hội, nhiều người quan tâm xuống tiền mua hàng.
Thậm chí có người cầm cố tài sản, bỏ nghề để đi làm "cò đất". Sau khi bán hết số đất đã gom với khoản chênh lệch lớn, nhóm người này rút quân, để lại hậu quả cho các nhà đầu tư địa phương. Trong số đó, những nhà đầu tư nhỏ sử dụng vốn vay ngân hàng, thời điểm này buộc phải chấp nhận lỗ mà "xả hàng", vì không gánh nổi tiền lãi" - bà Hồng cho biết.
Một nguyên nhân chính khác, theo bà Hồng là xuất phát từ những động thái quyết liệt từ chính quyền TP.Đà Nẵng nhằm chấn chỉnh thị trường BĐS. Đó là cùng với việc tiến hành tháo dỡ hàng trăm ki ốt giao dịch BĐS trái phép, UBND Đà Nẵng đã lệnh xử lý chiêu trò ký gửi BĐS trốn thuế.