|
Đường Nguyễn Văn Linh tại khu Nam TP.HCM. |
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm thành lập Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Nam (Ban quản lý Khu Nam) Thành phố.
Theo đó, lãnh đạo Thành phố giao Sở Nội vụ tham mưu UBND Thành phố báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục áp dụng mô hình cơ quan hành chính trực thuộc UBND Thành phố, quản lý nhà nước theo cơ chế “một cửa” về đầu tư và xây dựng tại ban quản lý khu Nam nói riêng cũng như ban quản lý phát triển đô thị Thành phố sắp tới sẽ thành lập theo kết luận của ban thường vụ Thành ủy.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị chức năng liên quan nghiên cứu những khó khăn và kiến nghị của Ban quản lý khu Nam và các Ban quản lý khu đô thị nói chung về việc mời gọi đầu tư, giải quyết điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài).
Đặc biệt, xây dựng quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính giữa các đơn vị; công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng; công tác quản lý trật tự xây dựng;... để kịp thời tham mưu UBND Thành phố xem xét giải quyết nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố cũng chỉ đạo Ban quản lý khu Nam kịp thời khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xây dựng, hoàn thiện hệ thống hướng dẫn; thống nhất về thủ tục, quy trình cụ thể trên các lĩnh vực quy hoạch đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến khai thác sử dụng, làm cơ sở xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư vào khu đô thị mới Nam Thành phố.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đạt được trong hơn 20 năm hoạt động của Ban quản lý khu Nam.
Trong đó, việc thực hiện hoạt động quản lý nhà nước theo cơ chế “một cửa” về đầu tư, xây dựng tại Ban quản lý khu Nam đã tạo nên đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thống nhất về một đầu mối giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục nhanh, gọn, thuận tiện, hiệu quả.
Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để triển khai nhanh dự án; đảm bảo kết nối hạ tầng, phù hợp quy hoạch, thiết kế được duyệt; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, phát triển hoàn chỉnh các khu đô thị mới; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.
Đồng thời giảm tải khối lượng công việc các sở, ngành chuyên môn; lợi ích cho người dân và doanh nghiệp nói riêng và Thành phố nói chung; góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đem lại một diện mạo mới cho đô thị ở Việt Nam.
Theo Báo Đầu tư