Văn phòng cho thuê bị “thất sủng” đến bao giờ?

Thứ tư, 22/04/2020, 10:17
Dịch Covid-19  khiến thị trường văn phòng cho thuê từ sôi động chuyển sang ảm đạm. Nhiều mặt bằng giá thuê cao, giờ phải chịu áp lực hạ giá trong bối cảnh nhiều văn phòng, nhà hàng chuyển sang làm việc online hoặc bán hàng qua mạng.

Giá văn phòng cho thuê đã hạ nhiệt, nhu cầu của khách thuê cũng giảm nhiều trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh chụp màn hình)

Anh Nguyễn Hùng - chủ một nhà hàng trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, SARS-CoV-2 khiến hoạt động kinh doanh của anh ế ẩm, trong khi chi phí thuê nhà ở các con phố trung tâm Hà Nội rất cao.

"Tôi trả mặt bằng để "cắt lỗ", chuyển sang hình thức bán hàng online để tiết kiệm chi phí - nhất là sau khi thực hiện giãn cách xã hội", anh Hùng nói.

Một chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, anh đã trả mặt bằng vào cuối tháng 3, mặc dù hợp đồng thuê nhà của anh đến tháng 5 mới hết hạn và anh chấp nhận mất một nửa tiền cọc.

Trao đổi với PV, ông Trần Minh Nam - Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Tam giác vàng nhận định, trong quý I/2020, các áp lực giảm giá thuê đã bắt đầu đè nặng thị trường này từ tháng 3. Chủ các tòa nhà lớn có nhiều diện tích trống, đặc biệt những tòa nhà mới hoàn thành, đang đứng trước chọn lựa cần xem xét điều chỉnh giá thuê và chính sách cho thuê ưu đãi hơn.

Tuy nhiên, ông Nam nhận định, mặc dù giá mặt bằng cho thuê đang trên đà giảm, song sẽ không giảm đột ngột, không chạm đáy những những năm trước.

Dự báo về việc dao động giá thuê mặt bằng trong quý II/2020, ông Nam cho hay, trong quý tới, thị trường quy hoạch giá mới theo chiều hướng giảm chung. Và ít nhất phải hết quý III/2020, thị trường nhà cho thuê mới ổn định lại theo sự cân bằng.

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL cho biết, hiện nay, số lượng người lao động làm việc tại nhà cao kỷ lục. Các toà nhà văn phòng đóng cửa, hoặc hạn chế số lượng người và ngày giờ làm việc. Điều này khiến thị trường văn phòng xuất hiện nhiều trường hợp giảm giá thuê hoặc giãn thời gian trả tiền thuê.

Theo bà Trang Bùi, dịch bệnh đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp thử nghiệm mô hình làm việc từ xa, chuyển từ tâm lý hạn chế sang cởi mở với khái niệm này. Ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, nhiều khả năng mô hình làm việc từ xa vẫn phát triển, dù vẫn còn một số thách thức nhất định.
"Trong tương lai, không gian văn phòng có thể dành cho các công việc cần có sự tương tác với đồng nghiệp, những công việc có thể làm một mình sẽ tiếp tục thực hiện từ xa. Và khi làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn nữa, công nghệ và các không gian linh hoạt sẽ là hạng mục đầu tư cố định của doanh nghiệp.
Điều này sẽ tác động đến nhu cầu của khách thuê và chủ tòa nhà", bà Trang Bùi nói và cho biết, nếu nhìn xa hơn, Covid-19 đã tạo động lực thúc đẩy đầu tư phát triển mô hình làm việc từ xa và công nghệ tương tác trực tuyến ở đại đa số các doanh nghiệp.

Theo Lao động

Các tin cũ hơn