|
Nhân viên môi giới Công ty Asian Holding viết các bảng rao bán đất để đi treo ở nhiều khu vực với kỳ vọng tìm được khách mua. |
Cuộc sàng lọc bắt đầu
Oanh, một nhân viên môi giới tại sàn Nguyễn Chí Thanh, quận 5 (TP.HCM) của Công ty Hưng Thịnh Corp từ cuối tháng 3 tới nay khá lo lắng, vì cô có thể là trong số các nhân viên phải nghỉ việc trong thời gian tới khi nghe Công ty thông báo sẽ tinh giản bộ máy sale vào tháng 6 này.
Oanh cho biết, doanh số định mức được giao 1 tháng phải bán được ít nhất là 2 sản phẩm, thế nhưng do dịch bệnh, từ tháng 3 tới nay, cô không bán được một sản phẩm nào.
“Cách tốt nhất có thể giữ được công việc là phải bán được sản phẩm trong thời gian này, bởi Công ty chỉ giữ lại những nhân viên bán được sản phẩm”, Oanh nói.
Vừa bị cho thôi việc, Lê Văn Hoàng, nhân viên môi giới của Novaland cho biết, Công ty đang giảm nhân sự môi giới, do 2 tháng liên tiếp cậu không bán được sản phẩm, nên buộc phải nghỉ việc.
Theo Hoàng, thường trong hợp đồng lao động, nếu nhân viên môi giới 2 tháng không bán được sản phẩm sẽ cho nghỉ việc, mà mùa dịch như hiện nay, việc bán được sản phẩm là rất khó, nên Công ty cho nghỉ việc lượng lớn nhân viên môi giới là điều dễ hiểu.
Thúy, nhân viên môi giới Công ty Thịnh Phát tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, công ty cô đã tạm dừng hoạt động từ tháng 2 do dịch bệnh. Các nhân viên được thông báo là nghỉ không lương, chứ không thông báo cho nghỉ việc hẳn. Lý do mà Công ty đưa ra là, hiện đã có sản phẩm mới, nhưng dịch bệnh khéo dài nên chưa thể bán hàng.
Tuy nhiên, Thúy cho biết, thực tế Công ty làm vậy là để nhân viên tự nghỉ tìm việc mới, vì 3 tháng mà không có thu nhập, thì nhân viên sẽ phải bỏ đi kiếm việc khác.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp môi giới, nhất là các doanh nghiệp nhỏ đã tạm dừng hoạt động nhiều tháng nay, khiến hàng ngàn nhân viên môi giới mất việc.
Nếu tình hình kéo dài, nhân sự ngành này sẽ phải chuyển sang các ngành khác để có nguồn tài chính sinh sống. Điều này dẫn tới nhân sự ngành môi giới bất động sản sẽ bị thiếu hụt mạnh khi thị trường tăng trưởng trở lại.
Tìm cách vượt khó
Tuyến đường 9A Khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh (TP.HCM) là thủ phủ của nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM. Thế nhưng, 10 trụ sở doanh nghiệp thì hiện đã có 9 trụ sở thông báo dừng hoạt động.
Tại Công ty Asian Holding, một doanh nghiệp môi giới hiếm hoi còn hoạt động tại tuyến đường này, 5 nhân viên Công ty ngồi viết sơn lên tấm tôn với nội dung bán đất, kèm số điện thoại nhân viên để người có nhu cầu liên hệ.
Ý, nhân viên đang viết tấm bảng bán đất này cho biết, Công ty hiện đang bán dự án đất nền, nên nhân viên không phải nghỉ việc. Tuy nhiên, vì tình hình khó khăn, nên cũng bị giảm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty Asian Holding cho biết, hiện nay, thị trường bất động sản vô cùng khó khăn, doanh nghiệp của ông may mắn không phải dừng hoạt động là vì có sản phẩm để bán. Tuy nhiên, vì tình hình bán hàng khó khăn, doanh thu không đủ để trả lương cứng cho nhân viên và chi trả các khoản chi phí hàng tháng, khiến nguồn tiền dự trữ cũng cạn dần. Để vượt qua thời điểm này, doanh nghiệp phải cắt giảm các khoản chi, trong đó có cả các khoản chi phí trợ cấp cho nhân viên. Trước khi cắt giảm, lãnh đạo doanh nghiệp đã nói chuyện với nhân viên và nhận được đồng thuận, chia sẻ của người lao động để cùng Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Còn ông Đỗ Văn Trung, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại đường Cộng Hòa, TP.HCM cho biết, từ đầu tháng 3, doanh nghiệp dừng mọi hoạt động buôn bán tại sàn giao dịch. Công ty cho nhân viên làm việc tại nhà, đồng thời cắt giảm trợ cấp hàng tháng. Thay vào đó, doanh nghiệp đưa ra chính sách, nhân viên nào bán được hàng sẽ tăng hoa hồng lên, chính sách này bước đầu thành công khi lượng hàng bán ra khá tốt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, để vượt qua thời điểm hết sức khó khăn này, các doanh nghiệp bất động sản nên triệt để tuân thủ quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tăng cường các biện pháp phòng dịch (đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, sử dụng dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt…), nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho cán bộ, nhân viên và khách hàng, bảo vệ bản thân, gia đình và có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, nhất trong trường hợp phải thực hiện cách ly.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường hiện nay, các doanh nghiệp không tổ chức các sự kiện đông người (tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ…), hạn chế các cuộc họp không cần thiết, sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch.
“Doanh nghiệp nên điều chỉnh lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, như lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin… Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng”, ông Châu nói.
Đối với các tập đoàn lớn, theo ông Châu, có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.