Bất động sản công nghiệp tăng giá bất chấp dịch Covid-19

Thứ ba, 21/04/2020, 16:20
Trong khi các phân khúc đều chịu tác động lớn từ dịch bệnh, bất động sản công nghiệp lại có chỉ số tăng trưởng tích cực.

Theo báo cáo của JLL Việt Nam, khu vực miền Bắc đang thu hút một lượng lớn các tập đoàn muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất tại châu Á. Theo ghi nhận, giá đất trung bình năm 2020 đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4-5 USD/m2/tháng và đều có tỷ lệ lấp đầy cao.

Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường ghi nhận nhu cầu thuê tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê. Giá đất trung bình đến nay đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn có giá thuê dao động 3,5-5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh thành khác.

Bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng lạc quan bất chấp dịch bệnh. Ảnh: Thế Anh.

Nguyên nhân bởi Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn trước làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Bất chấp dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với hoạt động di dời, chủ đầu tư tự tin tăng giá đất trong quý khảo sát do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.

Tuy nhiên giới phân tích cũng đánh giá việc phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện không tương ứng với mức tăng giá đất này do quá trình phát triển về hạ tầng vẫn diễn ra khá chậm chạp. Chính vì vậy các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác.

Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% của lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dự báo trong năm 2020, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, tuy nhiên xu hướng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh có thể là chất xúc tác thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn sau những căng thẳng của chiến tranh thương mại từ 2019.

Mặc dù đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định không phải tất cả ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam.

"Lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc", ông Stephen nhấn mạnh.

Theo ZingNews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích