Một trong những nội dung được mổ xẻ tại phiên họp là thời gian mỗi kỳ họp thì có hạn, năm 2021 lại bắt đầu nhiệm kỳ mới, yêu cầu của thực tiễn thì phong phú, vậy Quốc hội sẽ ưu tiên những vấn đề gì cho chương trình xây dựng luật năm nay và cả của năm sau.
Năm 2020, chương trình xây dựng luật của Quốc hội đã khá nặng với việc thông qua hàng chục dự án luật và cho ý kiến nhiều dự án luật. Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 9 Dự án Luật Cư trú sửa đổi, các nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP.Đà Nẵng, về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cũng nằm trong danh sách đề nghị bổ sung từ Chính phủ.
Kỳ họp thứ 10, Chính phủ đề nghị bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Dù còn có những vấn đề cần tiếp tục xem xét, song những đề xuất của Chính phủ cơ bản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội, trừ nghị quyết liên quan đến Luật Đất đai.
Sở dĩ có nghị quyết này là vì Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình năm 2020 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (trước đó Quốc hội đã quyết định xem xét tại kỳ họp tháng 5/2020). Vì, nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn.
Chính phủ cũng nhận định, việc sửa đổi, bổ sung dự án luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ tác động lớn đến ổn định chính trị - xã hội và không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội.
Do vậy, trước mắt, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng ngay Nghị quyết của Quốc hội để để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm, gây ách tắc trong thời gian qua, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội theo quy trình một kỳ họp.
Tuy nhiên, có ý kiến tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết trên ngay tại kỳ họp thứ 9 về bản chất cũng là việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Do đó, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện luật này tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), mà không cần thiết ban hành Nghị quyết.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị cân nhắc việc ban hành nghị quyết này, bởi theo ông, có rất nhiều vấn đề nên để nhiệm kỳ sau, từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc để có đánh giá đầy đủ.
"Bây giờ nếu chúng ta cứ ào ào như thế này, nói thật với các đồng chí, tôi thấy cũng băn khoăn. Quan điểm của tôi là cái gì làm tốt được thì làm tốt đã, còn cái gì mới thì phải hết sức cân nhắc, phải ‘gác cổng’ rất chặt chẽ", ông Hiển bày tỏ quan điểm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, nếu tới đây, Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì cũng gỡ được một phần bất cập liên quan đến Luật Đất đai, như khi nào thì đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai, khi nào thì đấu thầu dự án có sử dụng đất và khi nào thì chấp thuận chủ trương. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 25/NĐ-CP về đấu thầu quyền sử dụng đất đối với các dự án có sử dụng đất, cùng với Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đã gỡ được một phần bất cập trong lĩnh vực này.
Ông Thanh cũng cho rằng, không thể ban hành một nghị quyết về xử lý các vướng mắc của Luật Đất đai.
“Nhiệm kỳ sau tiến hành sửa Luật Đất đai một cách tổng thể, không đặt vấn đề ra nghị quyết hay sửa luật trong khóa XIV”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Trước phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng về nhiều vấn đề cần sửa tại Luật Đất đai, liên quan đến khung giá đất, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài… Đây cũng là những vấn đề Chính phủ đang nghiên cứu để sửa Luật Đất đai một cách toàn diện.
Theo Báo Đầu tư