Bất động sản: Nợ chồng nợ

Thứ hai, 03/12/2012, 07:15
Thị trường đóng băng kéo dài, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đạt doanh thu thấp nên thiếu tiền trả nợ ngân hàng và nợ thuế
Thông thường, thị trường bất động sản (BĐS)  khởi động vào tháng 9 nhưng càng về cuối năm nay thị trường càng ảm đạm.
 
Ngân hàng xiết
 
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống tín dụng Việt Nam đến cuối tháng 10/2012 ở mức 8,8%-10%/tổng dư nợ. Dựa trên các số liệu được công bố gần đây của Ngân hàng Nhà nước có thể ước tính nợ xấu của toàn hệ thống sẽ vào khoảng từ 257.000 - 292.350 tỉ đồng.
 
Trong cơ cấu tín dụng phi sản xuất, cho vay tiêu dùng phục vụ du học, mua sắm tiện nghi cá nhân… không đáng kể, mà nguồn vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào kinh doanh BĐS. Do thị trường đóng băng kéo dài, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đạt doanh thu cực thấp nên thiếu tiền trả nợ ngân hàng, làm cho nợ xấu ngày càng tăng cao.
 
Thị trường nhà đất đóng băng, doanh nghiệp bất động sản chịu cảnh nợ chồng nợ.
 
Vì vòng quay vốn thấp nên hiện tượng thiếu thanh khoản thường xảy ra ở những ngân hàng yếu kém. Để có chênh lệch bù đắp rủi ro vì nợ xấu, các ngân hàng buộc phải đẩy mặt bằng lãi suất cho vay lên cao và việc thu nợ càng trở nên cấp thiết.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS gần như điêu đứng khi bị ngân hàng xiết nợ, giảm cho vay. Phần lớn tài sản của các doanh nghiệp đã đem thế chấp vay vốn trước đó, do vậy, việc vay vốn với mục đích đảo nợ của giới kinh doanh BĐS trong thời điểm này xem ra không khả thi.

 
Ngành thuế đòi nợ
 
Cuối năm cũng là thời điểm doanh nghiệp BĐS phải lo nợ thuế. Theo thống kê sơ bộ tại Cục Thuế TPHCM (chưa tính các chi cục quận, huyện), doanh nghiệp BĐS đang nợ thuế khoảng 200 tỉ đồng, các doanh nghiệp liên quan đến BĐS (chủ yếu là xây dựng) nợ thuế 575 tỉ đồng.

Tình hình thị trường BĐS trầm lắng không những tác động lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mà còn ảnh hưởng đến những ngành nghề khác như: xi măng, sắt thép, trang trí nội thất, dịch vụ xây dựng... 

 
Theo ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, vừa qua, Cục Thuế đã triển khai thực hiện chính sách gia hạn tiền sử dụng đất (SDĐ) chứ không gia hạn các loại thuế khác đối với doanh nghiệp BĐS theo Nghị quyết 13/NQ-CP.

Các tổ chức kinh tế là các chủ đầu tư dự án có nghĩa vụ phải nộp tiền SDĐ theo thông báo của cơ quan thuế hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền nhưng đến ngày 10-5 chưa nộp hoặc chưa nộp đủ thì thời gian được gia hạn nộp tiền SDĐ tối đa là 12 tháng.
 
Theo hướng dẫn, các chủ đầu tư có tình hình tài chính khó khăn mới được gia hạn. Trong 67 đơn vị đang nợ tiền SDĐ với số tiền 1.980 tỉ đồng, có 45 đơn vị dù nợ tiền SDĐ nhưng tổng thể năm 2011 vẫn có lãi từ hoạt động kinh doanh khác nên không thuộc diện được gia hạn tiền SDĐ.

Trong số những đơn vị kinh doanh lỗ đã nộp hồ sơ xin gia hạn tiền SDĐ, cơ quan thuế đã có quyết định gia hạn đối với 2 hồ sơ với số tiền 166 tỉ đồng và 6 hồ sơ có số tiền SDĐ 322 tỉ đồng đang xem xét.

Để tránh thất thu  ngân sách, hiện cơ quan thuế đang thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ đọng thuế thông qua các biện pháp như: thông báo, cưỡng chế, ngăn chặn xuất cảnh với người nợ thuế.


 
Theo NLĐ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn