Chưa trả lời hết thắc mắc của các đại biểu trong chiều 12/11, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn ngày 13/11, trong đó nổi bật về tình hình tồn kho và giải pháp cứu thị trường bất động sản.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng 30 năm trở lại đây tất cả cuộc khủng hoảng thị trường tài chính đều xuất phát từ thị trường bất động sản và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ như vậy. Hiện nay, quản lý bất động sản đang là điển hình yếu kém, cung cầu méo mó và đầu cơ thái quá. "Tôi xin thưa rằng nếu không giải quyết được thì chúng ta không hy vọng gì giải quyết bài toán nợ xấu, đó là vấn đề", ông Lịch lo ngại.
Hiện thị trường bất động sản còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn vay, đầu ra, hàng tồn kho lớn. Khối lượng căn hộ và biệt thự tồn đọng ở Hà Nội, TPHCM được ví như "cục máu đông" làm đình trệ, ách tắc nền kinh tế. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết dư nợ bất động sản có thể đã lên tới 1 triệu tỷ đồng bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội. "Sản phẩm cao cấp hạ giá 30 - 40% nhưng chẳng ai mua và vẫn trầm lắng. Như vậy chúng ta bán được cho ai, nếu như chúng ta giải cứu?", đại biểu Phùng Văn Hùng, (Cao Bằng) đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Xây dựng: "Bất động sản còn nhiều khó khăn". Ảnh: Hoàng Lan |
Theo ông Hùng, nếu chuyển từ nhà ở cao cấp sang sang nhà ở xã hội, hạ giá bán 20 - 30 triệu đồng mỗi m2 xuống còn 5-7 triệu mỗi m2 thì khoảng chênh lệch ấy ai bù vào. Để xảy ra tình trạng tồn kho bất động sản thì trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu. "Trong vòng 1,2 năm tới Bộ trưởng có dám chắc vấn đề xử lý giải cứu tình trạng bất động sản tồn đọng có được xử lý toàn diện, kịp thời không", ông Hùng hỏi.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, căn hộ chung cư tồn tổng cộng là 16.469 căn. Nhà ở thấp tầng là hơn 5.000 căn. Đất nền, tổng cộng là hơn 1,6 triệu m2. Về văn phòng, văn phòng trung tâm thương mại là hơn 25.800 m2. Trong đó Hà Nội là 5.400 m2 , TP HCM hơn 19.700 m2. Tổng giá trị tồn kho ước tính khoảng 40.750 tỷ đồng.
Về việc khắc phục thị trường bất động sản, theo ông Dũng, cần có một giải pháp đồng bộ, tổng thể trách nhiệm của các bộ, ngành cùng quan tâm tháo gỡ và nhất là vai trò của các địa phương. Vấn đề này, người đứng đầu Bộ xây dựng khẳng định sẽ làm "quyết liệt". Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, hiện không thể khẳng định được là sẽ tháo gỡ khó khăn tuyệt đối cho thị trường bất động sản vì để tháo gỡ thị trường phải cân đối cung cầu. Cung có nhưng cầu là phải có tiền. "Nền kinh tế của chúng ta đang khó khăn, đang nghèo thì việc để giải quyết một cách triệt để rất khó khăn, cho nên phải từng bước tháo gỡ", ông Dũng khẳng định.
Một số ý kiến cho rằng, vấn đề cấp bách là phải kiểm soát được các chính sách tránh tình trạng lợi ích nhóm tác động. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhớ lại, thực tế, người đi mua nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp đi ôtô đến mua. Nhà mua xong lại bỏ trống. "Tôi đề nghị trong quá trình làm phải hết sức chặt chẽ tránh việc lợi dụng chính sách. Quan trọng ở đây là giải cứu bất động sản thì lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích nhà nước cũng phải tính đến, không phải nhà đầu tư cứ trông chờ và yêu cầu nhà nước hỗ trợ", ông Tâm thẳng thắn.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản hiện là những giai đoạn khó khăn nhất, và sẽ còn khó khăn. "Nếu để càng khó khăn thì nợ xấu càng tăng thêm, cho nên cần phải quyết tâm rất cao và chắc chắn nó sẽ ấm lên cùng với sự hồi phục của nền kinh tế", ông Dũng lạc quan.
Bộ trưởng Dũng cho rằng cần giải quyết được nguồn vốn đầu tư đưa vào các dự án nhất giải ngân đầu tư công. Ngoài ra cần dỡ bỏ những rào cản như thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng để thực hiện nhanh các dự án ODA, FDI, những dự án của các doanh nghiệp đầu tư. Thêm vào đó là phải tập trung để sử dụng vật liệu trong nước, hạn chế nhập khẩu để giảm nhập siêu. "Tập trung làm những nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người nghèo và nhà ở có thu nhập thấp thì sẽ dùng nhiều vật liệu trong nước", ông Dũng nhấn mạnh.
Kết phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, Chính phủ đánh giá quản lý thị trường bất động sản là "một vấn đề lớn". Tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản có tác động xấu tới nền kinh tế, gây ra sự đình trệ, ách tắc tới sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và cả một số lĩnh vực khác, tạo ra sự tồn đọng đối với các loại vật liệu xây dựng và một số loại vật liệu của các ngành công nghiệp. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần có giải pháp quyết liệt để cân đối cung cầu, đồng thời rà soát lại tất cả các dự án bất động sản đang tồn đọng... "Cần gắn kết các bộ, ngành với địa phương. Gắn kết thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, tài chính để chúng ta giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể việc làm ấm lên thị trường này", ông Hùng nói.
Hoàng Lan