“Dư nợ ngân hàng hiện khoảng 2 triệu tỷ thì “nằm” ở bất động sản 1 triệu tỷ. Bao nhiêu tiền của chôn vào đó. Đây là kho hàng tồn lớn nhất, không thấy thì không giải phóng được nợ ngân hàng” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
2 nút thắt cơ bản “hàng tồn kho và nợ xấu” được đưa ra mổ xẻ, phân tích trong phiên thảo luận về báo cáo kinh tế xã hội năm 2012 tại UB Thường vụ QH hôm 16/10.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi, tồn kho hàng hóa đến thời điểm này bao nhiêu, hướng giải pháp tháo gỡ tình trạng?
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh không nêu con số thống kê tuyệt đối. Ông cung cấp thông tin, tính đến 1/9, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ lệ tồn kho 20,4%. Một số ngành, tỷ lệ tồn kho tăng cao như nhựa 52,6%; xi măng 52%, sắt thép gang 46%, may mặc 39%, ô tô xe máy 37%... Tín hiệu mừng là một số ngành chỉ số tồn kho vừa qua đã giảm mạnh (giày dép còn 13,7%, dược liệu 10%...).
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: "Bất động sản đang là kho hàng tồn lớn nhất".
Theo ông Vinh, tình hình nói chung đã có cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là tháo gỡ khó khăn để tăng mức tiêu thụ, sau nữa xử lý nợ xấu để giải nút thắt, đưa nền kinh tế lưu thông.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp lời: “Đó là chưa tính tới tồn kho do đóng băng bất động sản và công trình dở dang đắp chiếu”.
Yêu cầu về số liệu thống kê mức độ tồn kho trong lĩnh vực này cũng không được Bộ trưởng KH-ĐT đáp ứng. “Tôi cũng không nắm được việc từ xưa đến nay có thống kê chỉ số bất động sản hay không vì trong các báo cáo của Tổng cục Thống kê chưa bao giờ thấy con số tỷ lệ tồn kho trong bất động sản. Nhưng chắc tồn kho bất động sản rất lớn” - ông Vinh phán đoán.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gạt ngang, nêu nhận định: “Thứ tốn tiền nhất hiện nay là bất động sản. Bao nhiêu xi măng, sắt thép đã chôn hết vào bất động sản. Bao nhiêu công trình dang dở, bao nhiêu căn hộ đã hoàn thiện thành hang hóa cũng không bán được.Đây là kho hàng tồn lớn nhất.
Ông Hùng cho biết thông tin ông nắm được, đến nay, dư nợ ngân hàng khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó “nằm” ở bất động sản khoảng 1 triệu tỷ. Nếu không giải phóng được chỗ này thì nợ ngân hàng giải quyết thế nào?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tham gia trả lời câu hỏi này. Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến thanh minh, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 5% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, thị trường này đang ảm đạm, chưa kể sự trầm lắng trong các ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm, thời ông còn làm Thống đốc thì dư nợ bất động sản cao nhất là 11%, con số khoảng 5% hiện nay là chính xác. Tuy nhiên, con số này không tính số tài sản thế chấp bằng bất động sản. Nếu tính cả thế chấp vào số dư nợ, con số có khi lên đến 3-4 triệu tỷ đồng nằm trong thị trường này.
“Vậy nợ xấu ngân hàng rơi vào khu vực nào? Nếu các dự án khu đô thị, cao ốc mà chủ đầu tư lấy chính diện tích đất dự án được giao thế chấp ngân hàng để vay tiền thực hiện dự án thì sao có thể không tính số tài sản thế chấp này vào được?” - Phó chủ tịch Kim Ngân truy tiếp.
Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng trấn an, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì trong các phần nợ xấu đều có tài sản bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị các khoản nợ.
Ông Tiến phân trần thêm, việc xử lý nợ chắc chắn phải có nhiều giải pháp. Ngân hàng Nhà nước đang báo cáo Chính phủ, một trong số các phương án là thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng.