Nếu có đất sạch, tôi sẽ xây nhà 7 triệu đồng/m2 ở Hà Nội
Năm 2012, thị trường bất động sản chứng kiến sự giảm giá khá mạnh, từ 15 – 30% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, mức giảm giá này theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì vẫn còn rất cao.
Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc công ty XD Tư nhân số 1 Lai Châu, doanh nghiệp đi tiên phong trong việc giảm giá bán nhà ở thương mại xuống mức 10 triệu đồng/m2, mức giá từng được coi là “không tưởng” với bất động sản ở Hà Nội.
Ông Lê Thanh Thản |
Tuy nhiên, mới đây, vị giám đốc doanh nghiệp này còn khiến dư luận một lần nữa “sốc” khi khẳng định: “Với kinh nghiệm làm trong ngành xây dựng hơn 30 năm, chúng tôi cam kết, nếu được nhà nước giao đất sạch, doanh nghiệp sẵn sàng xây nhà cao tầng có thang máy, tầng hầm với giá 7 triệu đồng/m2...”.
Như vậy, có thể thấy “bong bóng” bất động sản ở Hà Nội thời gian vừa qua đã được đẩy lên quá cao. Bằng chứng là với mức giá 7 triệu đồng/m2 (nếu có đất sạch) thì doanh nghiệp vẫn làm được và vẫn có lãi.
Và vị doanh nhân này dẫn chứng, các yếu tố để dự án có được mức giá trên gồm: Thứ nhất, đó là nhờ có quỹ đất sạch. Thứ hai, doanh nghiệp không sử dụng vốn vay ngân hàng. Thứ ba, yếu tố quan trọng nhất, doanh nghiệp tạo ra được quy trình đầu tư khép kín và cắt giảm được tối đa những chi phí không đáng có. Toàn bộ tiền đầu tư là vốn tự có của doanh nghiệp và huy động trả trước từ khách hàng.
Với các công ty thành viên, chúng tôi chủ động làm tất cả các khâu, từ bê tông, thi công, thiết kế, giám sát, nhập khẩu nguyên vật liệu…
Trước kia, riêng chi phí lán trại cho công nhân xây dựng chiếm tới 10% phí xây dựng thì nay, doanh nghiệp tận dụng tầng hầm đã xây dựng xong để họ ở. Chúng tôi quản lý được trực tiếp đầu vào sản phẩm; những khâu trung gian trong một dự án như: Phòng vật tư, kế hoạch, tài chính... đều được cắt giảm. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng sẵn sàng cho công ty mua hàng trả chậm.
“Thực tế, tại Nghệ An, chúng tôi đã xây nhà 13 tầng, có thang máy, tầng hầm, bán công khai ra thị trường với giá 5,5 triệu đồng/m2. Khách hàng mua nhà không phải xếp hàng, bốc thăm”, ông Thản nhấn mạnh.
“Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2-4 triệu đồng/m2”
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở, theo Quyết định 167 được tổ chức hồi tháng 7/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Mỗi năm chúng ta thể trích một phần từ tiền sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội, lo cho người dân. Nếu nhà ở nông thôn là một triệu đồng một m2 thì nhà ở đô thị khoảng 2-3 triệu đồng mỗi m2 có làm được không? Thậm chí 4 triệu đồng mỗi m2, thì mỗi căn hộ rộng 50 m2 như vậy có giá khoảng 150-200 triệu đồng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Theo Thủ tướng, bên cạnh nhà cho người nghèo, nhà cho người có công với cách mạng, cần đặc biệt quan tâm tới nhà thu nhập thấp ở các đô thị. Thủ tướng yêu cầu đưa ra các cơ chế chính sách để người lao động mua được dưới hình thức trả góp, bởi thực tế những người thu nhập thấp không thể mua căn hộ với giá như hiện nay.
Dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên được mở bán tại Hà Nội vào tháng 9/2010, với mức giá gần 9 triệu đồng mỗi mét vuông, diện tích 60-80 m2. Nhiều nhà đầu tư sau đó đã tham gia phát triển loại nhà ở này, tuy nhiên gần đây phần lớn đều kêu khó vì thiếu vốn và khó thu lợi nhuận.
Trong khi đó, nhà thu nhập thấp từ chỗ chen nhau mua, nay đang vấp phải nỗi lo ế hàng vì giá cao. Hà Nội hiện có trên dưới 10 dự án nhà thu nhập thấp, giá dao động trên dưới 10 triệu mỗi mét vuông.
Thủ tướng nhấn mạnh, không có cách nào khác ngoài việc nhà nước can thiệp thông qua chính sách tạo ra nhà để người thu nhập thấp có thể mua được.
Phạt doanh nghiệp phá giá bất động sản?
Một trong những câu chuyện được coi là “nực cười” nhất đối với giới đầu tư địa ốc năm 2012 là việc đề xuất chống bán phá giá bất động sản.
Tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành bất động sản khu vực Hà Nội tổ chức ngày 25/10, Phó tổng giám đốc Vinaconex Đoàn Châu Phong cho hay, doanh nghiệp địa ốc đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Nhiều đơn vị không đủ kiên trì chờ thị trường khởi sắc đã tìm mọi cách thoát khỏi cuộc chơi bằng cách phá giá thị trường bất động sản. Điều này đã khiến thị trường tiếp tục trầm lắng, tâm lý người mua ở trạng thái chờ đợi.
Ông Đoàn Châu Phong |
"Người dân cho rằng, một đơn vị bán phá giá sẽ có 2-3 ông hạ giá theo. Việc phá giá sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án, nhất là phân khúc nhà ở cho người nghèo", ông Phong nói.
Bởi vậy, theo ông Phong, vấn đề cấp bách là Bộ Xây dựng phải đưa ra chính sách chống bán phá giá. "Giá thành thế nào, bán ra bao nhiêu Bộ phải kiểm soát chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến doanh nghệp khác. Giá công bố bao nhiêu, tạo sao lại bán thấp như vậy, cần kiểm tra kỹ", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đồng tình: "Thành phố sẽ kiểm tra những dự án phá giá đó có bán thật như vậy không hay chỉ đưa thông tin gây xáo trộn thị trường. Chúng tôi sẽ xem giá cả như vậy có hợp lý không và họ đã nộp đủ tiền sử dụng đất chưa".
Sau những phát ngôn này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội vì đại đa số người dân và chuyên gia đều cho rằng, xưa nay giá bất động sản đã bị đẩy lên quá cao, giờ thị trường “xấu đi”, việc hạ giá là tất yếu và chỉ có hạ giá thì giấc mơ sở hữu một căn nhà nhỏ giữa Thủ đô của người dân mới có thể thành hiện thực.
Chia nhỏ căn hộ để phù hợp “túi tiền” người dân
Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp ngành xây dựng – bất động sản diễn ra chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, người có nhu cầu mua nhà vẫn rất lớn, nhưng họ không đủ tiền để mua một căn hộ thương mại diện tích lớn. Vì vậy, có thể chia nhỏ căn hộ để phù hợp với túi tiền của người dân hơn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng |
“Ở những nước giàu người ta vẫn có căn hộ diện tích 20m2 nhưng căn hộ thu nhập thấp của ta lên tới 40m2 thì cần phải xem xét lại để có chính sách phù hợp và tạo điều kiện cho người dân có nhà”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc chia nhỏ căn hộ này có thể làm phá vỡ quy hoạch, tăng mật độ dân số và gia tăng áp lực về hạ tầng.
Thực tế hiện nay, đã có một số dự án buộc phải điều chỉnh diện tích, cơ cấu lại căn hộ cho phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Điều đáng nói là các căn hộ này đều được bán khá “chạy” và được thị trường đón nhận một cách tích cực.
Lập “Đội cứu hỏa” bất động sản
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi bản đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về việc hình thành các “Đội cứu hỏa” từ trung ương đến địa phương để nhanh chóng cứu thị trường bất động sản.
Chính phủ, một vài bộ ngành và địa phương quyết tâm phá băng thị trường bất động sản trong năm 2013. Tuy nhiên để hoạch định chính sách cụ thể, nhanh chóng triển khai rất cần sự phối hợp chặt chẽ, khẩn trương từ các bộ ngành, sở ban ngành trong một địa phương.
Cụ thể là Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Các bộ hàng tuần họp bàn để nhanh chóng ra quyết sách trình Chính phủ.
VAFI cho rằng, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần nắm chắc tình hình cụ thể từng dự án bất động sản. Trong bất kỳ thời điểm nào các cấp lãnh đạo quận, huyện hay tỉnh cũng phải nắm rõ tiến độ từng dự án cần ưu tiên giải quyết.
“Giải pháp này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, địa phương. Khẩn trương giải quyết công việc sẽ là một giải pháp vô cùng quan trọng để vực dậy thị trường bất động sản”, VAFI nhấn mạnh.
Theo VTC News