Tiến sĩ Alan Phan: “Hãy để chúng chết đi”

Thứ sáu, 22/03/2013, 16:04
Trước những khó khăn của nền kinh tế, tiến sĩ Alan Phan chỉ ra một biện pháp đơn giản nhưng đầy gai góc “Hãy để chúng chết đi”.

Trao đổi nhanh với tiến sĩ Alan Phan trước thềm một buổi hội thảo. Vẫn là "ông già" Alan với những tư duy sắc bén ngày nào.

Thời gian qua ông thường tổ chức những buổi diễn thuyết, hội thảo tại các trường đại học. Ông có mong muốn gì khi hướng tới đối tượng là các bạn trẻ?

Thời gian qua, tôi đã bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc để đi diễn thuyết trước các bạn trẻ. Tôi muốn giới trẻ có những góc nhìn mới, thay đổi về tư duy mới. Trong quá khứ, không ít những bậc tiền bối, ông cha họ đã kiếm được tài sản, khấm khá nhờ làm quan. Nhưng trong một thị trường mới, kinh tế toàn cầu dựa trên kiến thức thì con đường duy nhất để làm giàu cho đất nước và bản thân đó là tạo ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và người dân.

Cá nhân tôi tin tưởng thế hệ trẻ chắc chắn sẽ hiểu ra và vượt qua được những người đi trước. Điều mà tôi muốn làm là thúc đẩy quá trình đó nhanh hơn.

Alan Phan


Những bài diễn thuyết của ông thường xoay quanh cuộc khủng hoảng hiện tại ở Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này là như thế nào? 

Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng độc nhất ở Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia duy nhất đang chìm vào vũng lầy khủng hoảng. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Philippine, Indonesia đang vụt sáng.

Thái Lan sau vụ tranh chấp giữa 2 phe áo đỏ và áo vàng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Campuchia và Lào cũng đang được Trung Quốc viện trợ mạnh, dù đó là vì lý do chính trị thì tương lai của họ cũng rất sáng. Cùng với đó là sự trỗi dậy của Myanmar. Chỉ có Việt Nam là ngày càng tụt hậu, ngày càng trì trệ.

Trong các bài viết của mình, ông có đề cập đến quan điểm "Hãy để nó chết đi" như những gì Mỹ đã từng làm. Ở Mỹ, họ đã thành công với quan điểm này, nhưng ở Việt Nam nhiều người cho rằng điều đấy là không thể, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?


Hôm qua tôi vừa xem một bộ phim về một trường học ở khu ổ chuột của Mỹ. Ngôi trường sa sút đến mức chỉ có 2% số học sinh trong trường là lên học tiếp đại học.

Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục được những người tạm gọi là “nhóm lợi ích” gồm giáo viên, hội đồng duy trì. Điều này đã dẫn đến một phong trào phản kháng. Một người nằm trong nhóm cải tố đã nói: "Trường này hiện đã thất bại quá thảm thương rồi, không thể đi xuống tiếp được nữa. Có thể, giải pháp mới sẽ không thành công, nhưng chúng ta đâu còn lựa chọn nào khác. Vì thế sao không thử xem, với hy vọng nó sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn".

Tôi nghĩ chúng ta cũng cần giải pháp đối với những vấn đề bất động sản, nợ xấu, ngân hàng, sở hữu chéo, những thứ đang đè nặng lên phí quản lý từ vàng cho đến ngoại hối,... đang đưa đến khủng hoảng của nước ta như hiện tại. Không phải là tìm cách cứu nữa mà đơn giản là "hãy để chúng chết đi". "Hãy để chúng chết đi" đối với các ngân hàng, thị trường bất động sản hay với các doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều người lo ngại nếu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng hay thị trường bất động sản sụp đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả nền kinh tế, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?


Nếu không có giải pháp quyết liệt mà cứ giật gấu vá vai, lấy băng gạc dán lên vết thương hay dùng thuốc giảm đau cho bệnh ung thư thì không thể nào giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng là chúng ta cần giải quyết nó tận gốc.

Giả sử với thị trường bất động sản. Nếu bất động sản sụp đổ và tạo ra nhà giá rẻ thì sẽ dần tạo ra thị trường trung lưu mới. Nó sẽ trở thành cơ hội vàng cho những người chưa phải là tầng lớp trung lưu trở thành trung lưu. Tức là cho họ đi mua những căn nhà rẻ. Một căn nhà trước có giá 3 tỉ nếu giờ họ có thể mua được với giá 1 tỉ, hay 8,900 triệu thì họ sẽ có niềm tin mới, từ đó bắt đầu chi tiêu, mua sắm nhiều hơn.

Việc hình thành nên tầng lớp trung lưu mới này sẽ tạo một cú hích để thay đổi. Những trì trệ hiện tại thực tình phần lớn là do bộ máy hành chính quá quan liêu và lỗi thời. Nếu chúng ta tạo được một tầng lớp trung lưu mới để họ giám sát thì tự khắc bộ máy này sẽ thay đổi. Họ cung cấp dịch vụ và người dân là khách hàng. Khi khách hàng khó tính hơn thì nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải nâng cấp mức độ phục vụ của họ lên.

Tóm lại, theo tôi để thị trường chết đi không phải là giải pháp hoang tưởng mà là rất tiềm năng.

Xin cảm ơn ông!
 
Theo TTVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn