M&A bất động sản tăng nhiệt

Chủ nhật, 14/07/2013, 09:12
Sài Gòn ồn ào các thương vụ thâu tóm khu phức hợp, văn phòng trong khi Hà Nội rục rịch chào bán một phần hoặc cả khách sạn. Xu hướng này dự báo tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm.

Trong quý II, TP HCM chứng kiến nhiều chuyển động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản, dẫn đầu là các thương vụ đình đám của Tập đoàn Vingroup.

Cụ thể, đầu tháng 6, Vingroup công bố đã hoàn tất việc chuyển nhượng và bàn giao Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A TP HCM. Trị giá thương vụ này là 470 triệu USD, tức hơn 9.800 tỷ đồng. Bên mua là Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD).

Thương vụ được tiến hành theo hình thức Vingroup chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ thương mại và Đầu tư Tương Lai (Công ty Tương Lai) cho VIPD. Công ty Tương lai chính là doanh nghiệp thành viên của Vingroup, sở hữu toàn bộ quyền sử dụng đất và công trình trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn và bãi đậu xe ngầm Vincom Center A.

BDS

M&A tại TP HCM nhộn nhịp với các thương vụ mua bán khu phức hợp, văn phòng. Ảnh: Vũ Lê

Trước đó, trong tháng 5, Vingroup đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 20% cổ phần của Vincom Retail cho Warburg Pincus, một quỹ đầu tư toàn cầu. Trị giá thương vụ này là 200 triệu USD. Theo hợp đồng ký kết, phía Warburg Pincus sẽ chỉ định một công ty tài chính của quỹ là Warburg Pincus Consortium đứng ra thực hiện thương vụ này. Bên cạnh khoản đầu tư trên, Quỹ này còn cam kết sẽ đầu tư 25 triệu USD trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của Vingroup để niêm yết tại thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Ở lĩnh vực văn phòng, Mapletree Investments thuộc Temasek Holding (Singapore) đã mua lại tòa tháp Centre Point tại quận Phú Nhuận với tổng diện tích sàn hơn 38.600 m2. 

Giữa quý II, TP HCM chứng kiến nhiều dự án bất động sản công bố tìm nhà đầu tư mới. Điển hình là chủ đầu tư khu đất hai mặt tiền đường Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận đã mời gọi nhà đầu tư tham gia vào dự án phức hợp thương mại và căn hộ Saigon Link.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI) cũng công bố tìm kiếm nhà đầu tư hợp tác phát triển hai dự án phức hợp và căn hộ tại quận Thủ Đức, TP HCM. PPI từng có kế hoạch phát triển 2 dự án này song thị trường bất động sản khó khăn khiến công ty không thể triển khai và đẩy mạnh tìm kiếm đối tác.

BDS

Hà Nội rục rịch các thương vụ mua bán khách sạn. Ảnh: Hoàng Lan

Ở khu vực phía Bắc, diễn biến các thương vụ M&A lại tập trung vào phân khúc khách sạn. Phó giám đốc mảng thẩm định giá bất động sản tại Hà Nội tiết lộ, một số ông chủ khách sạn 4,5 sao đang muốn bán toàn bộ hoặc một phần khách sạn. "Xu hướng thoái vốn khỏi lĩnh vực này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới", ông nhận định.
 
Phó giám đốc Savills Hà Nội, Trần Như Trung cho hay cũng đang tư vấn M&A cho 3-4 khách sạn tại thủ đô tuy nhiên việc thương thảo vẫn chưa có hồi kết. Ông Trung giải thích, nhiều khách sạn đã hết vòng kinh doanh và đang cần vốn để nâng cấp, cải tạo.
 
Theo chuyên gia này, xu hướng M&A khách sạn không phải là mới mà thời gian trước cũng đã diễn ra, tuy nhiên, gần đây số lượng có nhiều hơn. "Tôi cho rằng, xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn trong năm nay", ông Trung nói.

Tổng Giám đốc Điều hành CBRE, Marc Townsend nhận xét: "M&A bất động sản đang trở nên sôi động nhất 3 năm qua với tốc độ nhanh hơn so với cách đây 5 năm và mức độ minh bạch cũng cao hơn".

Ông Marc phân tích, cách đây 5-8 năm, nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các dự án bất động sản bằng cách thông qua đơn vị trung gian. Thời điểm đó, hàng trăm triệu USD đã đổ vào các quỹ đầu tư rồi từ kênh này, dòng tiền được điều phối thành nhiều nhánh chảy vào bất động sản. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khối ngoại gần như bỏ quan các kênh trung gian và tiếp cận tài sản tực tiếp hơn.

Chuyên gia này dự báo trong 6 tháng tới, các thương vụ mua bán sáp nhập sẽ tăng nhiệt vì có nhiều hàng để chọn lựa và việc đàm phán, tiếp cận dễ hàng. Hiện nay xu hướng chung của giới chuyên săn tài sản là rót toàn bộ vốn vào một dự án chứ không rải đều theo hình thức chia nhỏ từng phần như trước đây.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích