Bác sĩ Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An vừa cứu sống một đứa trẻ nhờ kết quả siêu âm chính xác. Thai phụ là chị Nguyễn Thị B (xã Quỳnh Lôi, Quỳnh Phụ, Nghệ An), đang có thai 4 tháng. Lúc mang thai 3 tháng, chị đã đi siêu âm tại trung tâm của một bác sĩ trẻ. Bác sĩ này "phán" con chị có độ mờ gáy lớn, có khả năng bị thiểu năng trí tuệ rất cao.
Chị B lấy chồng được 3 năm, chạy chữa mãi mới có thai, nghe tin đấy, không chỉ chị mà cả gia đình nhà chồng đều lo lắng. Chị đi siêu âm tại một trung tâm khác còn được chẩn đoán “thai nhi có một khối u bất thường trên đầu”.
Chị B đã định phá thai sớm vì để lâu càng khó phá. Nhưng một người bạn đã tỉnh táo, can ngăn và đưa chị lên Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Kết quả “bình thường” khiến vợ chồng chị mừng chảy nước mắt.
Bác sĩ Tân cho biết, năm 2011, trung tâm đã phát hiện 65 ca dị tật trên tổng số hơn 6.300 ca siêu âm thai. Các ca sàng lọc này chỉ chiếm hơn 35% các ca sinh nở trên địa bàn Nghệ An. Chủ yếu là các ca dị dạng nặng như vô sọ, dị dạng mạch bạch huyết dạng nang, thoát vị màng não... và đều cần phải đình chỉ thai nghén.
Trao đổi với phóng viên, nhiều bác sĩ chuyên khoa sản cho biết, nếu phát hiện thai có độ mờ da gáy lớn, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân đến theo dõi tiếp, đồng thời tiến hành chọc ối để xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc đồ để kiểm tra bất thường trong nhiễm sắc thể.
Nếu chưa rõ có thể chờ đến tuần 22 và 32 tiếp tục siêu âm để hình ảnh rõ nét hơn. Sau đó, khoa/trung tâm sẽ lập hội đồng chuyên môn, hội chẩn và đưa ra kết luận. Các bác sĩ cũng tư vấn kỹ càng cho thai phụ và người nhà để họ lựa chọn quyết định, nếu cần sẽ chuyển họ lên tuyến T.Ư để kiểm tra.
Không nên vội tin vào siêu âm
Theo tìm hiểu của chúng tôi hiện nay không chỉ Nghệ An mà tại nhiều tỉnh, thành phố, phòng siêu âm tư mọc lên như nấm. Đếm sơ sơ ở TP. Vinh (Nghệ An) cũng có đến vài chục trung tâm. Nhưng ngoài Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, chỉ có 1- 2 phòng siêu âm tư khác có thể chẩn đoán hình ảnh thai nhi có độ chính xác cao.
Không ít phòng siêu âm mà “bác sĩ” thực tế chỉ là các y tá đi học qua lớp chẩn đoán hình ảnh vài tháng và về ngồi máy... phán thoải mái. Trong khi đó, để kết luận một thai nhi có dị tật cần phải qua nhiều công đoạn.
Theo PGS - TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán, sàng lọc trước và sơ sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư: “Siêu âm thai 12 tuần tuổi có thể đo độ dày da gáy, 22 tuần thì đánh giá được bất thường cơ bản trừ dị tật não sâu hay tim sâu, còn 32 tuần có thể cho hình ảnh thai nhi hoàn hảo để chẩn đoán. Tuy nhiên, không phải dị tật nào cũng có thể chẩn đoán bằng hình ảnh siêu âm như rối loạn tâm thần, điếc...”.
Theo TS Tuấn, sau khi có kết quả toàn diện về chọc hút ối, sinh thiết nhau, chọc hút máu qua cuống rốn... bệnh viện tuyến tỉnh phải đưa ra hội đồng (bao gồm các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ tim mạch, chuyên khoa nội...) để hội chẩn rồi mới đưa ra quyết định đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên, quyết định vẫn nằm ở thai phụ và người nhà.
Các chuyên gia sản nhi cũng nhận định, không phải trường hợp dị tật nào bác sĩ cũng tư vấn đình chỉ thai kỳ. Những dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, sứt môi, tim, hẹp thực quản... có thể phục hồi được sau sinh nhờ phẫu thuật thì bác sĩ sẽ tư vấn để giữ bé lại.
Từ thực tế tại Nghệ An, bác sĩ Tân cho biết, việc siêu âm kiểm tra thai nhi rất cần thiết, tuy nhiên, các bà mẹ không nên dựa vào đó để quyết định số phận của đứa trẻ. Đặc biệt, các bà mẹ cần lựa chọn các cơ sở y tế tin cậy để siêu âm, tránh việc sai sót, ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.