Một lần tham dự cuộc trò chuyện tại nhà GS.TS Trần Văn Khê, chị Song Anh bất ngờ khi nghe giáo sư nhắc lại một giọng hát ru mà ông từng được nghe qua đĩa Tiếng hát Việt Nam cách đây 55 năm (1957). Bởi người phụ nữ có giọng hát làm người ta nhớ mãi đó chính là mẹ chị: nghệ nhân Kim Nhuỵ. Buổi gặp gỡ đã làm thức dậy trong lòng những người có mặt bao tiềm thức được dưỡng nuôi bằng lời ru của mẹ.
Trong một cuộc trò chuyện về âm nhạc dân tộc, GS.TS Trần Văn Khê tâm sự: “Sau khi tôi trở về nước vào năm 1976, tôi thực hiện một cuộc khảo sát từ Bắc chí Nam về âm nhạc dân gian, và giật mình vì đi đến đâu cũng thấy tiếng hát ru đã dần tắt trên môi các bà mẹ. Có lẽ vì hoàn cảnh, vì nếp sống mới, và vừa trải qua chiến tranh nên nhiều bà mẹ đã giảm dần thói quen hát ru cho con”.
Ngay khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể cảm thụ về thế giới xung quanh. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, giọng hát ru của người mẹ trong chín tháng thai kỳ chính là chất liệu hình thành nhân cách cũng như suy nghĩ, năng khiếu của đứa trẻ sau này. Khi trẻ chào đời, được mẹ hát ru sẽ giúp trẻ ngủ ngon và tình mẫu tử thêm khăng khít.
Người mẹ ngày nay có đủ điều kiện để chăm sóc con mình thật tốt ngay từ khi phôi thai mới hình thành. Từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương tiện mới cũng phát sinh. Thay vì hát ru con ngủ, nhiều bà mẹ dùng những đĩa nhạc cổ điển phương Tây như Beethoven, Mozart... với suy nghĩ rằng âm nhạc sẽ làm trẻ thông minh hơn.
Một lý do khác: những nhu cầu kinh tế đã choán hết thời gian của mẹ, phải lấy băng đĩa thay lời ru. Có những bà mẹ còn vô tư cho con thưởng thức đủ các luồng âm nhạc từ Hàn sang Âu, Mỹ.
Băng đĩa nước ngoài thay lời ru mẹ?
Chẳng ai phản bác lợi ích của âm nhạc cổ điển, nhưng sao lại phải mượn nhạc Tây trong khi ở Việt Nam, trẻ em có riêng cho mình một tài sản âm nhạc quý báu, đó là hát ru? Hơn nữa, việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với nhiều thể loại nhạc mạnh như rock, dance sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ, nhất là giai đoạn thai nhi.
Mẹ cất tiếng ru, trẻ nâng tâm hồn
Nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ yêu tiếng hát ru đã thực hiện những cuộc tìm kiếm, sưu tầm hàng ngàn câu hát từ ba miền đất nước. Nhưng kết quả sưu tầm chỉ dừng ở việc lưu trữ tại các bảo tàng, thư viện, chưa được mở rộng vào công chúng.
Trong nhiều buổi trò chuyện, GS.TS Trần Văn Khê đã nhấn mạnh: bài hát ru là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên mà người mẹ truyền sang cho đứa con của họ. “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” – cùng lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể trẻ, điệu thi ca dân gian sẽ được rót vào tiềm thức giúp hình thành tình yêu thương, tự hào về quê hương đất nước.
Sự tiếp cận này còn xây dựng cấu trúc âm thanh trong đầu đứa trẻ, để sau này dù đứa trẻ đó có tiếp nhận các nguồn âm nhạc nước ngoài, thì vẫn giữ được sự tôn trọng bản sắc của âm nhạc dân tộc mình.
Cũng có những bà mẹ ngại hát vì hát không hay, nên cho con nghe hát ru qua băng đĩa. Nhưng vấn đề cốt lõi là âm điệu mộc mạc từ chính lời ru của mẹ mới là mối tương giao yêu thương với đứa con. Theo GS Khê, đứa trẻ được mẹ hát ru tận nôi chính là đứa trẻ giàu tâm hồn và hạnh phúc nhất. Từ lời ru của mẹ, trẻ sẽ tự nâng tâm hồn mà hình thành nhân cách.