Đang xét xử vụ côn đồ hành hung người dân Văn Giang

Thứ sáu, 30/11/2012, 11:07
Sau một lần tòa bị hoãn, sáng nay 30- 11, TAND huyện Văn Giang, Hưng Yên đang xét xử 2 bị cáo trong số 6 kẻ đánh trọng thương 3 người dân ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Hàng trăm người dân yêu cầu xử đúng người, đúng tội.

>> Hôm nay, côn đồ đánh dân Văn Giang hầu tòa 
>> Gia đình đối tượng hành hung nông dân ở Văn Giang nói gì?
>> Khởi tố thêm 2 đối tượng đánh dân ở Văn Giang
>> Tạm giam 2 đối tượng đánh dân ở Văn Giang

Từ hơn 7 giờ sáng nay 30-11, trước cổng TAND huyện Văn Giang, khá đông lực lượng an ninh đã có mặt để đảm bảo công tác an ninh trật tự cho phiên tòa. Dù trời sương mù, rét nhưng có rất nhiều người dân đến nơi xử án.
 

2 bị cáo Nguyễn Tuấn Dũng (trái) và Đinh Văn Huỳnh (phải) trước vành móng ngựa
 
Tuy nhiên, khi đến nơi thì người dân được Tòa thông báo chỉ những người liên quan tới vụ án, những người được triệu tập hoặc có giấy mời mới được qua cổng vào nơi xét xử.
 
7 giờ 40, 2 bị cáo Nguyễn Tuấn Dũng (35 tuổi, trú thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang) và Đinh Văn Huỳnh (28 tuổi, trú xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang) được xe dẫn giải đến rồi nhanh chóng đưa vào phòng đợi xử án.
 
7 giờ 50, các bị hại đã có mặt đầy đủ cùng với người thân của mình. Riêng ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi, ở thôn 1, xã Xuân Quan) phải đến toà với sự trợ giúp, dìu đi của vợ và con trai.
 

Ông Lê Thạch Bàn được vợ và con trai dìu tới toà
 
Trao đổi với Báo Người Lao động, ông Lê Thạch Bàn cho biết, các vết thương của ông mấy hôm nay đau nhức nhối, nhất là trong thời tiết lạnh lẽo của miền Bắc mùa đông này. “Tôi bị đau nặng từ đốt sống 2- 5, đầu thì cứ sờ lên là cảm giác nổi gai rợn hết người. Bên ngực bị mổ nội soi do đọng máu trong phổi nên giờ rất đau, khó thở” - ông Bàn than thở.
 
Ông Bàn yêu cầu cơ quan chức năng phải tiếp tục điều tra tìm ra kẻ tổ chức, chủ mưu trong vụ này. “Bọn chúng đánh chúng tôi với mục đích gì? Có bất bình thường hay không? Phải làm rõ các vấn đề này”, ông Bàn kiến nghị.
 
2 nạn nhân còn lại là 2 anh em ruột là ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi, ở thôn 10 xã Xuân Quan) và ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi, ở thôn 10 xã Xuân Quan) cũng cho biết mấy hôm nay bị hành hạ vì các vết thương do bị đánh trên đầu.

Ông Nghiệp thì cho rằng, có dấu hiệu “bỏ lọt” tội phạm vì số lượng người tham gia đánh dân rất đông, song cáo trạng nêu chỉ có 6 người.
 

Chỉ những người có giấy mời hoặc triệu tập mới được vào dự phiên toà
 
Còn ông Đồng cho biết, trước phiên tòa, bố bị cáo Dũng và vợ của bị cáo Huỳnh đã đến nhà xin bồi thường dân sự song ông không đồng ý. Ông Đồng khẳng định: “Phải truy tố các bị cáo tội Giết người mới đúng, tôi không đồng ý với tội danh Cố ý gây thương tích”.
 
8 giờ 15, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu làm việc, kiểm tra căn cước những người tham dự phiên tòa. Trong khi đó, phía ngoài cổng, có khoảng hơn 50 người dân la ó đòi dự phiên tòa song không được vào với lý do chỗ ngồi trong hội trường bị hạn chế. 
 
Như Báo Người Lao động đã đưa, theo cáo trạng truy tố, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 12-7-2012, tại khu vực thôn I, xã Xuân Quan có một nhóm thanh niên gồm Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1977, ở Văn Giang), Đinh Văn Huỳnh (SN 1984, ở Văn Giang).

Đinh Văn Hùng (SN 1984), Hoa Văn Bốn (SN 1984 ở huyện Yên Mỹ), Ngô Công Thái (SN 1989 ở huyện Yên Phú), Nguyễn Việt Cường (SN1987 ở huyện Văn Giang) đi câu cá tại cánh đồng thôn 1, xã Xuân Quan.
 

Hàng trăm người từ nhiều nơi kéo tới nơi xét xử côn đồ hành hung người dân
 
Lúc này, một nhóm nông dân huyện Văn Giang ra cánh đồng thôn 1 để thăm cây, cách chỗ nhóm này khoảng hơn 30 mét. Huỳnh nhìn thấy một số người dân chỉ vào chỗ cả bọn có ý đuổi vì cho rằng đây là đất của mình liền lên xe phóng đuổi theo nhóm nông dân.
 
Dù nhóm nông dân đã bỏ chạy song nhóm thanh niên truy đuổi tới cùng, dùng gậy gỗ dài 1m, đường kính khoảng 3-4cm điên cuồng đánh đập những nông dân trên. 
 
Vụ truy sát để lại ký ức kinh hoàng cho người dân ở huyện Văn Giang. Người bị nặng nhất là ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi, ở thôn 1, xã Xuân Quan), với tỷ lệ thương tích là 13,6%.
 
Ông Lê Thạch Bàn bị Huỳnh cầm gậy gỗ vụt, đánh ngang lưng vào sườn. Ông Bàn chạy vào gian buồng nhà 1 người dân song Bốn vẫn lao tới kéo ông Bàn ra hiên nhà rồi cùng Huỳnh đánh liên tiếp vào lưng, tay. Ông Bàn dùng tay che đầu thì bị đánh vào đầu đến gục ngã.
 
Hai anh em ông Nghiệp và ông Đồng cũng bị truy sát đến tận nhà, liên tục bị đánh vào đầu và vào tay.
 
Sau khi vụ việc xảy ra, đối tượng Huỳnh và Dũng đã đến cơ quan công an đầu thú, còn Hoa Văn Bốn, Nguyễn Việt Cường, Ngô Công Thái, Đinh Văn Hùng đã bỏ trốn tại địa phương nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Giang đã ra quyết định truy nã và tách vụ án, khi bắt được sẽ điều tra xử lý sau.
 
Đến 8 giờ 50, sau phần đọc cáo trạng, HĐXX bước vào phần xét hỏi. Luật sư yêu cầu tách 2 bị cáo ra để tránh thông cung.

Lúc này thì phía ngoài, người dân đã kéo đến rất đông, ước tính khoảng hơn 200 người dân đã đứng kín trước cổng tòa, ngồi rải rác bên đường với khẩu hiệu trên tay nội dung: “Yêu cầu tòa xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
 

Người dân kéo tới ngày càng đông
 
Chủ tọa Nguyễn Nam Thắng bắt đầu hỏi Huỳnh: Chiều hôm gây án, các bị cáo làm gì ở khu vực đó? Bị cáo Huỳnh cho biết: đi trông máy móc, trong thời gian đó thì bị cáo cùng các đối tượng còn lại đi câu cá.
 
Dũng: Các bị cáo đều cùng làm bảo vệ máy móc. Ngoài ra không có ai ở đó. HĐXX: Bị cáo bảo vệ cho ai? Do anh Hà gọi đến, anh Hà là anh em chơi cùng. Anh Hà nói bị cáo lên bảo vệ máy, không có hợp đồng, thỏa thuận gì, chỉ nói miệng. Tiền nong cũng chưa nói, từ ngày 8- 7. HĐXX: Bị cáo có biết máy móc của ai không?- Không.
 
Đến lượt bị cáo Dũng: bị cáo chỉ là anh em chơi với những người cùng câu cá. Chủ tọa: Ngoài câu cá, bị cáo có mục đích gì khác? – Chỉ lên câu cá và bảo vệ máy móc. HĐXX: Bảo vệ máy móc cho ai? –Anh Hà nhờ đi bảo vệ máy móc ở khu vực cưỡng chế. Bị cáo cũng không biết số máy móc này của ai.
 
“Lúc xảy ra, có một số người dân ra quay phim chụp ảnh. Các bị cáo có trách nhiệm: nếu dân ra quay phim, chụp ảnh vùng đất bị cưỡng chế thì phải đuổi ra khỏi đất đó”, bị cáo Dũng khẳng định.
 
HĐXX: Có chứng cứ nào cho thấy người dân chửi bới không?. Bị cáo Dũng trả lời: Không có căn cứ nào xác nhận đã chửi hay xúc phạm bị cáo.
 
Khi được Chủ tọa hỏi, ông Đồng phản bác lại: chúng tôi chỉ vào đấy rồi đi về chứ không chửi bới. Khi đứng ở đó thì các bị cáo không phản ứng gì, chỉ đến khi trên đường về thì mới bị truy sát.
 
Ông Nghiệp cũng phủ nhận việc chửi bới, quay phim chụp ảnh lại. Vì khoảng cách khoảng 200 mét, có quay cũng không nhìn rõ. Chủ tọa gọi một số nhân chứng để xác nhận lại việc này, tất cả đều phủ nhận việc quay phim, chụp ảnh.
 
Tuy nhiên, tòa công bố biên bản lời khai của nhân chứng Phạm Quốc Long thì lại cho biết có việc người dân có một số lời nói không hay vào trong. Ngay sau đó thì Bốn lấy xe máy cùng đồng bọn phóng xe máy vào đánh người dân.  
 

 
Theo NLD 

Các tin cũ hơn