Tổng Bí thư: 'Phê và tự phê đâu phải chỉ là kỷ luật'
Thứ bảy, 01/12/2012, 14:56
"Giống như nhóm 1 cái lò, có củi khô, củi tươi, vấn đề là nhóm 1 cái lò có hơi nóng lên thì rồi củi tươi và củi hơi ẩm sẽ phải cháy hết...", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Sáng 1/12, tổ Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng đoàn đã tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử số 1, quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình.
Cử tri: "Dân bức xúc về Nghị định 71"...
Bày tỏ ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Chiêu (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho rằng Quốc hội đã sâu sát, quyết định nhiều vấn đề. Nhưng dù Quốc hội đã tìm ra căn bệnh thì ông Chiêu vẫn băn khoăn rằng “bệnh nhân chưa uống đủ liều”.
Theo ông Chiêu, các Nghị định, Thông tư chưa đi vào cuộc sống, như trường hợp Nghị định 71/2012/NĐ-CP bị người dân phản đối, phải giải thích để áp dụng. Không chỉ có Nghị định 71/2012/NĐ-CP mà còn có nhiều Nghị định khác chưa đi vào cuộc sống.
Nguyên nhân là người soạn thảo làm việc hời hợt, không đầu tư thời gian thích đáng, quan liêu, trách nhiệm thấp, ông Chiêu nói.
Cử tri Trần Viết Hoàn ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình
Ông Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) đồng quan điểm: “Dân chúng rất bức xúc về Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Ở ta, cái xe khổ thế. Nó phải cõng quá nhiều thứ phí quá. Đúng là ngồi trong nhà máy lạnh nghĩ ra chính sách”!
Bày tỏ nỗi niềm khi một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, cán bộ suy thoái, ông Trần Viết Hoàn nói: "Cuộc vận động do Tổng Bí thư khởi xướng được người dân mong như trời hạn gặp mưa rào, như lời Bác Hồ hiệu triệu đồng bào chống ngoại xâm trước đây.
Chúng tôi gửi gắm nhiều kỳ vọng, nhưng cũng lo cho Luật Phòng chống tham nhũng vừa được thông qua nếu không được thực hiện nghiêm thì còn nguy hiểm hơn. Sau việc phê bình, tự phê bình, không thấy "bộ phận không nhỏ suy thoái" ở đâu cả”.
“Các vụ tày đình như Vinashin, Vianlines cùng hàng ngàn hecta rừng bị mất chẳng có ai đứng ra nhận lỗi. Và chẳng lẽ chỉ một lời xin lỗi là xong? Tôi kiến nghị lập Ủy ban kỷ luật do Tổng Bí thư làm Chủ tịch, sẵn sàng kỷ luật những kẻ tham nhũng”, ông Hoàn nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri
Ông Nguyễn San (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) thì cho rằng “phòng chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, phải làm thế nào để hạn chế. Đây là công việc của toàn Đảng, toàn dân, của toàn hệ thống chính trị mà trước nhất là các cơ quan công quyền. Đề nghị tăng cường giám sát các bộ phận dễ tham nhũng”.
Cùng ý kiến với ông Nguyễn San, ông Nguyễn Bính (phường Phúc Tân) nói: “Đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các đối tượng tham nhũng đồng thời tăng cường công tác tiếp dân, thường xuyên giữ mối liên hệ với dân”.
Lo ngại về việc chậm trễ triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) nói: “Các Nghị quyết của Quốc hội rất chậm được thực hiện. Vấn đề lỗ lớn của các Tổng công ty, Tập đoàn đã được Quốc hội bàn đến và thảo luận cách đây đúng 3 năm. Sau đó đã có Nghị quyết 42 về tăng cường quản lý các Tập đoàn, Tổng Công ty thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Quốc hội.
Rất tiếc, Nghị quyết đó chỉ nằm trên bàn giấy Quốc hội, vì không được triển khai ngay, không thực hiện nghiêm túc. Nếu Nghị quyết này được thực hiện ngay thì đã không có các vụ lỗ khủng ở Vinashin, Vinalines như vừa qua.
Như vậy, Nghị quyết đã có, rất đúng và rất trúng nhưng lại không đi vào cuộc sống. Vì vậy phải kiên quyết không để kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Chúng ta phải làm như trong thể thao, một thẻ vàng cảnh cáo, hai thẻ vàng phải đuổi ra sân”.
Ông Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông) thì lo ngại khi Nghị quyết bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện thì có thể sẽ có chuyện "chạy phiếu", "và nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại điệp khúc xin lỗi thì là không phù hợp".
TBT Nguyễn Phú Trọng: "Phê và tự phê bình để cùng tiến lên"
Trước các ý kiến của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phần phát biểu dài gần 1 giờ đồng hồ.
Tổng Bí thư nói: “Tôi nghĩ trong nhiều buổi tiếp xúc thì buổi hôm nay khá đặc biệt bởi số lượng tham gia rất đông. Nội dung đề cập tầm vĩ mô và các ý kiến rất sâu sắc, trình độ của các bác cử tri rất cao.
Đây là một sự đổi mới tốt. Kỳ họp thứ 4 vừa qua có nhiều đổi mới đạt được kết quả hết sức tốt đẹp: nội dung khối lượng công viêc rất lớn, các công việc mang tầm chiến lược phản ánh yêu cầu của cuộc sống.
Tôi có cảm giác rằng toàn dân đang bàn việc nước chứ không chỉ có Quốc hội. Quốc hội đã làm việc trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn. Đó là một bước tiến trong hoạt động của cơ quan dân cử và mong các cơ quan HĐND các cấp cũng đổi mới được như vậy.
Chúng tôi xin tiếp thu và gửi các ý kiến tới các cơ quan chức năng để xử lý. Chúng tôi hết sức trân trọng và xin tiếp thu đến mức cao nhất. Chúng ta cố gắng kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết vào cuộc sống, nhưng cụ thể hóa là khó. Do khảo sát không kỹ mà lại vội vàng muốn có quy định đi vào cuộc sống nên mới dẫn đến tình trạng Nghị định vừa ra thì đã bị dân phản ứng".
Tổng Bí thư nói tiếp: "Sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6, có nhiều ý kiến bức xúc. Nhưng Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ làm trong một nhiệm kỳ mà làm trong nhiều nhiệm kỳ sau. Phê bình và tự phê bình, để cùng tiến lên chứ không phải cứ kỷ luật nhiều là tốt.
Nghị quyết Trung ương 4 nhằm cảnh tỉnh những người đang không quan tâm nguy cơ đối với đất nước, sau đó là cảnh báo, răn đe, ngăn chặn... Giống như nhóm 1 cái lò, có củi khô, củi tươi, vấn đề là nhóm 1 cái lò có hơi nóng lên thì rồi củi tươi và củi hơi ấm sẽ phải cháy hết. Phê và tự phê đâu phải chỉ là kỷ luật.
Nói bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng đạo đức hoàn toàn không sai nhưng là bao nhiêu thì khó quá, trừu tượng. Vấn đề tách bạch đâu là bộ phận không nhỏ và bộ phận còn lại là không biện chứng, phải tìm ra chỗ trọng tâm, trọng điểm.
Trong mỗi con người có cả mặt tốt và mặt xấu. Có phải trong mỗi chúng ta chỉ toàn tốt hết cả đâu. Việc chỉ ra bộ phận không nhỏ là chỉ ra xu hướng để có biện pháp ngăn chặn...".