Bức ảnh được hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố hôm qua cho thấy tên lửa Unha-3 (Ngân Hà-3) mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh-3) đang được điều khiển từ một màn hình lớn đặt tại trung tâm kiểm soát vệ tinh ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Mặc dù đang phải đối mặt với không ít thách thức và khó khăn liên quan tới vấn đề kỹ thuật, từ khâu chế tạo, lắp ráp cho tới lập trình đường bay chính xác cho vệ tinh, nhưng vụ phóng tên lửa hôm 12/12/12 đã góp phần khiến Triều Tiên tiến một bước xa trên hành trình trở thành cường quốc quân sự.
“Động thái này là một lời khẳng định chắc chắn cho tuyên bố Triều Tiên đang sở hữu những tên lửa có khả năng tấn công nước Mỹ”, James Schoff, viện sĩ cấp cao của Carnegie Endowment, thuộc tổ chức Hòa bình Quốc tế, nhận định.
“Thật khó để (Triều Tiên) từ bỏ sau một thử nghiệm thành công như thế này”, Schoff, vốn là một quan chức của Lầu Năm Góc, nói thêm.
Hồi tháng 10, Bình Nhưỡng từng khẳng định, nước này có đủ khả năng để tiến hành một cuộc không kích nhằm vào Mỹ. Vào thời điểm đó, tuyên bố này bị cho là một lời đe dọa mang tính khoa trương.
Tuy nhiên, theo Masao Okonogi, giáo sư chính trị học Triều Tiên tại đại học Keio của Nhật Bản, sau những gì đã xảy ra hôm qua, Triều Tiên đang ngày một tiến gần hơn tới vị trí cao nhất trong chương trình an ninh quốc gia của Mỹ.
“Việc đưa một vệ tinh vào không gian đồng nghĩa với khả năng sở hữu những công nghệ để chế tạo đầu đạn hạt nhân và nhằm vào những mục tiêu xác định. Hiện tại, Triều Tiên không chỉ trở thành một mối đe dọa với các quốc gia láng giềng, mà còn là một hiểm họa thực sự với nước Mỹ”, ông Okonogi nói.
“Câu hỏi được đặt ra là liệu vệ tinh đó đã được đưa vào quỹ đạo theo một hành trình được định sẵn hay có khả năng đổi hướng”, ông nói thêm.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết sẽ mất một thời gian để phân tích đầy đủ về vụ phóng tên lửa hôm qua, động thái đã được Bình Nhưỡng miêu tả như một sứ mệnh nghiên cứu không gian thuần túy, nhưng lại bị phương Tây cáo buộc là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Thậm chí nếu Bình Nhưỡng đã đạt được mục tiêu đề ra về việc đặt một vệ tinh trong không gian, một số nhà phân tích vẫn cảnh báo về khả năng quân sự mới của nước này.
"Việc gắn vũ khí hạt nhân vào một đầu đạn, rồi chế tạo để nó phù hợp với tên lửa đạn đạo là một thách thức kỹ thuật rất lớn. Hơn nữa, vẫn còn rất nhiều câu hỏi về khả năng xác định mục tiêu của các tên lửa Triều Tiên”, các chuyên gia phân tích cho hay.
Với những gì đã đạt được, thì “Triều Tiên có đủ điều kiện thuận lợi để tấn công Thái Bình Dương. Tuy nhiên, họ không đủ khả năng để nhắm tới một mục tiêu chính xác, hay thậm chí là một hòn đảo”, Ralph Cossa, giám đốc trụ sở Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nhận định, nói thêm rằng, “nếu muốn làm được điều đó, họ phải “có một tên lửa có đủ khả năng để vươn tới Hawaii, và một chiếc khác đủ chính xác để tấn công đúng mục tiêu”.
“Tuy nhiên, họ đang ngày càng tiến bộ và chúng tôi cần phải nhìn nhận điều đó một cách nghiêm túc”, Cossa, cựu đại tá không quân Mỹ, nói.
Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng hiện vẫn trong vòng bí mật. Tuy nhiên, kho dự trữ plutonium của nước này ước tính đã đủ cho 6 tới 8 quả bom nguyên tử.
Ham Hyeong-Pil, thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết Bình Nhưỡng có thể sẽ nhanh chóng đạt tới độ chính xác trong việc chế tạo tên lửa và hoàn thiện các kỹ thuật thu nhỏ đầu đạn hạt nhân một cách hoàn hảo.
“Cá nhân tôi tin rằng sẽ không mất quá nhiều thời gian để Bình Nhưỡng trở thành bậc thầy trong những công nghệ này, một khi họ vượt qua một số vấn đề về kỹ thuật và có thêm từ hai tới ba cuộc thử nghiệm nữa”, Ham nói.
“Đó là một tình thế đáng lo ngại. Tôi nghĩ rằng nước Mỹ không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc thừa nhận rằng Tiều Tiên thực sự là một mối đe dọa hữu hình”, ông nói thêm.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ sớm phóng thử tên lửa nhằm kỷ niệm một năm ngày mất của cố chủ tịch Kim Jong-il, 17/12.
Trước sự chỉ trích của nhiều nước, Triều Tiên đã có những bước đánh lạc hướng, nói rằng sẽ kéo dài khoảng thời gian dự kiến thêm 10 ngày. Tình báo Hàn Quốc ngày 11/12 còn cho biết rằng Triều Tiên đã tháo dỡ cả ba tầng của tên lửa để sửa chữa, và toàn thế giới đọc được điều đó khi các hãng thông tấn dẫn lại.
Thế nhưng ngay sáng hôm sau Triều Tiên đã phóng tên lửa và vệ tinh thành công, khiến giới tình báo Hàn, Nhật và Mỹ ngỡ ngàng.
“Kim Jong-un đã thu được nhiều điều để khẳng định vị thế và uy tín của ông ấy”, Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói.
Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên thử nghiệm tên lửa trong năm nay. Hồi tháng 4, Bình Nhưỡng từng khiến cả thế giới bất ngờ khi lần đầu tiên cho phép các nhà báo nước ngoài tới lấy tin tức về vụ phóng vệ tinh lên không gian.Tuy nhiên, sự kiện này sau đó lại trở thành một thất bại của chính quyền Kim Jong-un khi tên lửa bị phát nổ chỉ vài phút sau khi cất cánh.
Ngay khi nhận được các tin tức về vụ phóng tên lửa, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã mở một phiên họp khẩn, trong đó Mỹ và các đồng minh của nước này yêu cầu áp đặt những biện pháp trừng phạt nặng hơn so vỡi những gì từng được sử dụng với Bình Nhưỡng sau các vụ thử nghiệm hạt nhân hồi năm 2006 và 2009.
Tuy nhiên, phần lớn các quyết định của Hội đồng Bảo an đều phụ thuộc vào lập trường của Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời là nhà tài trợ chính cho nước này. Trước đó, Bắc Kinh từng nhiều lần phản đối những đề nghị trừng phạt Triều Tiên của Mỹ và phương Tây.
Trung Quốc bày tỏ mối quan tâm tới vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan tránh “đổ thêm dầu vào lửa”.
Cossa cho rằng những động thái của Bình Nhưỡng sẽ trở thành các thách thức lớn cho Tập Cận Bình, người sẽ sớm nhậm chức chủ tịch Trung Quốc trong vài tháng tới.
“Phần lớn người Trung Quốc đều cho rằng ông Tập đã sẵn sàng với vị trí người đứng đầu đất nước. Do đó, sự kiện lần này sẽ là phép thử đầu tiên cho thấy cách ông ấy xử lý một cuộc khủng hoảng quốc tế”, Cossa nói.
Theo Vnexpress