Đề xuất bỏ hàng chục dự án “treo”

Thứ tư, 19/12/2012, 11:54
Đây là đề xuất từ các quận huyện đối với UBND TP.HCM sau khi đã rà soát hàng chục dự án  “treo”.  
Đề xuất bỏ hàng chục dự án treo
Một góc dự án mở rộng công viên Lê Thị Riêng và đường Bắc Hải (Q.10)
“treo” nhiều năm qua - Ảnh: NGỌC HÀ

Ở những quận nội thành, dự án chậm triển khai chủ yếu là các khu dân cư xây dựng mới, khu dân cư chỉnh trang. Còn ở các quận vùng ven, dự án khó thực hiện thường rơi vào các khu chức năng cây xanh, công trình công cộng.

Mỗi dự án “treo” hàng trăm hộ dân

Theo UBND Q.10, quận này có nhiều dự án khu chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi của người dân. Q.10 đề xuất chỉ giữ lại quy hoạch cao tầng tại các chung cư cũ, đã hư hỏng nặng như chung cư Ngô Gia Tự, chung cư Ấn Quang...

Còn các khu dân cư cao tầng khoét lõm “chồng” lên khu dân cư hiện hữu ở các phường 1, 2, 15 và quy hoạch mở rộng trung tâm thương mại Sài Gòn, theo Q.10, là chưa khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 750 hộ dân.

Ngoài ra, quận còn có một số dự án khu chức năng được đánh giá chưa khả thi trong giai đoạn hiện tại như dự án mở rộng công viên, ba trường học... ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 500 hộ dân.

Q.Tân Bình có 21 dự án chung cư cao tầng, dân cư chỉnh trang nằm rải rác trong các khu dân cư hiện hữu được đánh giá không khả thi. Những khu dân cư cao tầng, chỉnh trang này được ghi nhận trong các đồ án điều chỉnh quy hoạch từ năm 2008 và ảnh hưởng đến hơn 3.000 hộ dân.

Trong đó, nhiều nhất là khu vực P.10 có năm khu dân cư nâng cấp chỉnh trang, P.4 có ba khu chung cư cao tầng... Tại Q.Tân Phú, một số khu dân cư hiện hữu lại được quy hoạch thành đất cây xanh, đất hỗn hợp hoặc công nghiệp. Để triển khai dự án này phải giải tỏa khá nhiều nhà dân, trong khi hiện nay quận còn nhiều quỹ đất là nhà xưởng cũ, chưa xây dựng.

Theo UBND Q.8, dự án “treo” trên địa bàn quận này nhiều nhất là dự án công viên cây xanh, hành lang an toàn chạy dài theo sông Ông Lớn, kênh Đôi, kênh Tẻ, rạch Ông Nhỏ, Hiệp Ân, rạch Du... M

ột trong những khu vực quy hoạch lâu, gây bức xúc nhất là khu đất nằm giữa kênh Đôi và đường Phạm Thế Hiển kéo dài từ P.1 đến P.7. Hàng ngàn hộ dân bị “kẹt” theo quy hoạch công viên cây xanh dọc kênh Đôi trên dưới 10 năm nay chưa biết khi nào được bồi thường để lo cuộc sống mới.

Kế đến là các hộ dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch hàng chục tuyến đường dự phóng nằm rải đều khắp các phường, công trình công cộng, trường học. Danh mục những dự án khu chức năng chưa thực hiện của Q.Bình Tân phần lớn là những công viên cây xanh nằm xen kẽ, rải rác trong các khu dân cư và công viên cây xanh tập trung.

Ưu tiên giải quyết quyền lợi cho dân

Với lợi thế còn nhiều khu đất trống từ nhà xưởng bỏ hoang, UBND Q.Tân Phú đề xuất “di chuyển” những quy hoạch xây dựng hỗn hợp, đất cây xanh và đất công nghiệp vào đất nhà xưởng.

Các khu vực dân cư trước đó bị quy hoạch thành công viên cây xanh, đất công nghiệp... được điều chỉnh thành khu dân cư hiện hữu. UBND Q.10 đã đề xuất điều chỉnh nhiều dự án khu dân cư mới, khu dân cư cao tầng thành khu dân cư hiện hữu để người dân tự chỉnh trang nhà ở.

Một số quy hoạch chưa cần thiết, Q.10 đề xuất chưa đưa vào quy hoạch chi tiết năm khu chức năng (được đánh giá chưa khả thi trong giai đoạn hiện tại).

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM về việc rà soát quy hoạch lộ giới và quy hoạch đường giao thông, không điều chỉnh lộ giới các tuyến đường cấp đô thị. Chỉ điều chỉnh các tuyến đường chính trong khu vực có lộ giới lớn hơn 35m, đường khu vực có lộ giới lớn hơn 25m.

Theo UBND Q.Tân Bình, 21 khu vực được quy hoạch là khu chỉnh trang và dân cư cao tầng mà quận đã rà soát đều thuộc diện không khả thi. Vì vậy theo quận, cần bỏ quy hoạch xây dựng mới, điều chỉnh thành khu dân cư hiện hữu.

Phần lớn trong số những khu chức năng chậm triển khai trên địa bàn Q.8 có “tuổi” quy hoạch trên dưới 10 năm, cá biệt có nơi đã “treo” gần 20 năm. Tuy nhiên, Q.8 đề xuất giữ nguyên quy hoạch để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu đất dành cho giao thông, cây xanh...

UBND Q.8 cho rằng tuy người dân được cấp giấy phép xây dựng tạm trong khu quy hoạch nhưng không thể cấp giấy phép tạm suốt đời.

Quận kiến nghị: nếu Nhà nước đã công bố quy hoạch quá năm năm mà chưa triển khai thực hiện quy hoạch thì những trường hợp đã được cấp giấy phép xây dựng tạm được chuyển thành xây dựng chính thức, xét cấp giấy chủ quyền nhà cho dân.

Đối với khu vực đã có quyết định thu hồi đất thì cho phép người dân được xây dựng mới theo quy mô giống như nhà cũ hoặc thêm gác thay vì chỉ cho sửa chữa theo hiện trạng như quy định hiện nay. TP cần ban hành quy định về thời hạn cụ thể để bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án, tránh trường hợp chủ đầu tư kéo dài việc bồi thường làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

UBND Q.2 cũng kiến nghị: cần xác định một số công trình và khu vực trọng điểm, ưu tiên đầu tư hạ tầng, kêu gọi đầu tư, tìm kiếm nguồn lực để phát triển. Ngoài ra cần lập kế hoạch để kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án đã được giao.

Chủ đầu tư nào không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án thì cơ quan chức năng thu hồi và điều chỉnh quy hoạch. Những khu dân cư đông đúc, khó có điều kiện xây dựng mới thì nên xóa quy hoạch chỉnh trang để người dân ổn định cuộc sống.

 

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn