Ông lão đạp xích lô dáng người khắc khổ, nay sống lay lắt trong căn nhà chưa đầy 10m2 ven sông Hà Nội này từng là một công tử khét tiếng giàu sang đất Hà Thành…
“Ông hoàng” thời xa xưa
Chúng tôi gặp vị “đại công tử” ngày nào trong căn nhà rộng chừng 10m2 nằm ở con hẻm sâu hút trên phố Bạch Đằng (Hà Nội). Thấy có người lạ, ông lão vội vàng ăn nốt suất cơm hộp rồi lập cập mời khách vào nhà chơi.
Tuổi già cơ cực của ông lão đạp xích lô. Ảnh minh họa |
Năm nay ở cái tuổi gần 80, đôi mắt đã mờ đục, đôi chân đã chậm chạp nhưng ông Khánh nói đầu óc mình vẫn còn tinh nhanh và minh mẫn lắm. Ban đầu ông có chút nghi ngại với chúng tôi vì tưởng là… công an. Phải đến khi nói có người quen giới thiệu, ông lão mới cởi mở, trút hết bầu tâm sự của mình.
Ông là con trai của cụ Phạm Thế Kính, một nhà kinh doanh có tiếng chuyên buôn bán vàng bạc trên phố Hàng Bạc những năm trước cách mạng tháng Tám 1945. Cha của ông có tất thảy ba bà vợ với gần chục người con nhưng chỉ có hai cậu con trai nối dõi tông đường.
Ông Khánh là con trai của bà hai và đến năm 24 tuổi, cậu em trai út mới ra đời. Vậy là suốt 24 năm chiếm giữ ngôi vị “độc tôn”, ông Khánh bảo mình được cả đại gia đình chiều chuộng chẳng khác gì một… ông hoàng .
Ngày ấy, cậu công tử Phạm Gia Khánh sớm được gửi vào trường Tây học, thông thạo tiếng Anh và nói tiếng Pháp như gió. Trong khi bạn bè còn chật vật với từng bữa ăn, không có dép đi học thì Khánh luôn đỏm dáng comple hạng sang ra đường, sở hữu gần chục loại xe đạp của Pháp như Saint e’treme, Peugeot , Sterling… và thậm chí là Mobylette, một loại xe máy thuộc loại hàng hiếm ở Hà Nội lúc bấy giờ mà “thời ấy phải ngang với xe hơi tiền tỉ bây giờ”.
Khánh đi đâu cũng có người theo hầu hạ, dắt xe ra, cất xe vào. Là con trai độc tôn nên Khánh thường ăn một mình một mâm trên gác, còn bố mẹ ăn cơm dưới tầng một. Riêng bà ba và những người con gái thì phải ăn cơm dưới bếp.
Bữa cơm nào của Khánh cũng đầy ắp gà tần, chim quay, cá rán… Chỉ cần vị đại công tử không thích ăn món nào, đầu bếp sẽ phải nhanh chóng tìm món ăn ngon để thay thế cho… vừa miệng.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Khánh còn vương chút hoài niệm: “Hồi đó nhà tôi có tới 13 cái nhà ở khắp các phố của Hà Nội, trong đó rộng nhất là căn nhà ở 98 Hàng Bạc”.
Khỏi phải nói, với cuộc sống “vương giả” và mã ngoài bảnh bao của mình, “đại công tử” này đã làm xiêu lòng biết bao cô gái đẹp ở Hà Nội.
Thế nhưng, không hiểu sao, ông lại “chết mê chết mệt” thôn nữ Lê Thị Huệ sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông nghèo nhất huyện Gia Lâm lúc bấy giờ. Huệ có vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” với vóc người cao ráo, nước da trắng ngần và “đôi mắt biết nói”.
Ngay ở cái nhìn ban đầu, cậu công tử Gia Khánh đã quyết tâm theo đuổi và lấy Huệ làm vợ. Năm 1949, hôn lễ của vị đại công tử nhà họ Phạm khiến cả Hà thành xôn xao bởi sự xuất hiện của 12 chiếc xe hơi đón dâu từ Gia Lâm về Hàng Bạc và tổ chức ăn uống linh đình suốt 4 ngày.
Công tử hết thời
Sau khi lấy vợ, “cậu ấm” Khánh tiếp tục theo học trường Lycée Albert Sarraut. Đầu năm 1954, thực dân Pháp tổ chức “động viên” toàn bộ học sinh trung học ở các trường tham gia quân đội. Hay tin con trai phải ra chiến trường, nhà họ Phạm chạy vạy đủ đường để cứu vãn tình hình.
Ông Khánh bảo, khi ấy nhà ông giàu đến nỗi để có thể rút khỏi trường học, mẹ ông chỉ nói một câu ngắn gọn: “Số tiền để cứu con ra khỏi trường tương đương số lượng vàng dát mỏng đắp kín người”. Không chỉ vậy, bà còn bỏ tiền thuê riêng một chuyến máy bay riêng đưa con trai chạy trốn từ Hà Nội thẳng vào Đà Lạt.
Gần một năm sau, ông Khánh trở về Hà Nội và kinh tế gia đình bắt đầu sa sút. Từ một cậu công tử chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp, ông Khánh bước vào con đường lao động lam lũ. Ông rong ruổi đi bán báo dạo khắp các vỉa hè Hà Nội. Có những ngày đôi chân phồng rát, cổ họng khàn đặc mà cũng không đủ tiền ăn cho cả gia đình.
Tuy nhiên, điều khiến ông đau lòng nhất chính là tình cảm vợ chồng cứ dần rạn nứt theo cái nghèo, cái đói. Không còn một Phạm Gia Khánh bảnh bao trong những bộ vest lịch thiệp, có người hầu, kẻ hạ… lại thêm lời chêm chọc của người đời, vợ ông quyết định ly dị để đi theo người đàn ông khác.
Một mình nuôi tất thảy bốn người con, ông Khánh phải làm đủ nghề để có thể lo được bữa cơm cho gia đình. Khi thì ông chạy xích lô, khi lại làm phu khuân vác gỗ… Trước đây, những ngày còn sung túc, tuần nào ông Khánh cũng mời bạn bè về nhà liên hoan. Ấy vậy mà: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Thời điểm ông Khánh khó khăn nhất cũng là lúc bạn bè đều xa lánh và tìm đủ cách để tránh mặt.
Năm 1961, ông Khánh vào làm công nhân Nhà máy xay Hà Nội. Cũng trong chính khoảng thời gian này, ông gặp bà Nguyễn Thị Kim Liên, người phụ nữ nhân hậu đã cùng ông chia sẻ những tháng năm cơ cực nửa sau cuộc đời.
Nhớ về người vợ quá cố, ông Khánh rưng rưng nước mắt: “Nhà tôi tuy không đẹp người nhưng tốt nết. Thấy tôi vất vả cảnh gà trống nuôi con, bà ấy tự nguyện về làm vợ, chăm sóc cả gia đình. Từ ngày lấy tôi, có lẽ bà ấy chưa từng một lần được ăn sung, mặc sướng nhưng không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Cho tới giờ, bà ấy đã mất 10 năm rồi nhưng đêm nào tôi cũng mơ bà ấy về. Có lúc bà ấy vui vẻ nói chuyện, có lúc chỉ nhìn chăm chăm như đang thương hại…”.
Tuổi già cơ cực
Năm nay đã ở cái tuổi cận bát tuần, tuy có tất thảy 4 người con nhưng ông Khánh vẫn phải sống trong cô quạnh. Ông Khánh kể lại, khi xưa gia đình khó khăn nên các con ông hầu như không được học cao. Đứa khá nhất cũng mới học hết lớp 6, chẳng có nghề nghiệp gì trong tay. Hoàn cảnh của các con ông giờ cũng chẳng khá giả, người làm bảo vệ, người chạy xe ôm, người đi chợ buôn bán.
Cuộc sống của ông Khánh hiện chỉ dựa vào nguồn trợ cấp lương hưu ít ỏi với vẻn vẹn 500 ngàn đồng. Các con ông cũng chẳng giàu có gì, thi thoảng mới đưa thêm được chút đồng lẻ. Hàng ngày, nhìn cái cảnh ông lão lủi thủi đi mua cơm hộp, ngồi ăn trước cửa nhà để… ngắm người đi lại mà bà con hàng xóm không ai khỏi mủi lòng.
Ông Khánh thèm được… nói chuyện. Có lẽ, sống một mình cô độc nên khi có người trút bầu tâm sự, ánh mắt ông sáng và vui vẻ hẳn lên. Ông khoe mình vẫn còn thông thạo tiếng Pháp và vốn tiếng Anh đủ dùng để giao tiếp.
Để chứng minh cho tôi thấy, ông liền hỏi tôi bằng cả chục câu tiếng Anh với phát âm tương đối chuẩn và nhanh. Khi tôi đáp lại, vẻ hồ hởi hiện rõ hẳn trên khuôn mặt già nua của ông lão. Ông bảo, đã lâu lắm rồi không có ai ngồi nói chuyện với ông lâu như thế, lại là nói chuyện bằng “tiếng Tây” nên cảm giác rất… “sảng khoái”.
Trước khi chia tay vị công tử nổi tiếng một thời, lời tâm sự của ông còn khiến tôi mãi ám ảnh: “Tôi định bán căn nhà này lấy chút tiền để gửi đứa cháu nội chăm sóc những ngày tháng cuối đời. “Sinh có hạn, tử bất kỷ”, chẳng biết khi nào sẽ đi gặp bà nó. Chỉ có điều, không biết chúng nó sẽ đối xử với mình sao".
Theo Pháp luật & Thời đại