Thực phẩm bẩn ùn ùn vào TPHCM

Thứ hai, 24/12/2012, 05:46
Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại nóng lên tại TPHCM khi các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các loại gia súc, gia cầm nhập lậu, kém chất lượng với số lượng lên đến hàng tấn từ các tỉnh đổ  về các chợ. Bên cạnh đó, các loại mứt, bánh kẹo, hạt dưa, lạp xưởng... không nhãn mác cũng ùn ùn tung ra thị trường.  

thực phẩm bẩn

Kiểm tra thực phẩm không nhãn mác được bày bán tại chợ sỉ Bình Tây. 

Thịt bẩn ùn ùn vào TP

Tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, riêng tháng 11 đã phát hiện và tịch thu gần 3 tấn thịt bẩn gồm heo, heo sữa, mỡ heo, da trâu, bò... Trong khi cả 9 tháng đầu năm 2012, số lượng thịt bẩn được phát hiện và tịch thu tại trạm này là 6 tấn.

Các đối tượng buôn lậu và vận chuyển thịt bẩn thường bỏ thịt vào thùng xốp dán kín và vận chuyển theo đường xe khách liên tỉnh. Chính vì thời gian vận chuyển dài nên khi phát hiện phần lớn các loại thịt lậu đều đã bốc mùi, chuyển màu.

Mới đây nhất, hai xe khách chạy đường dài Bắc - Nam cũng đã phát hiện chở 1,5 tất thịt bẩn gồm heo sữa, thịt gà, vịt vào TP.  Số hàng này nếu không được phát hiện kịp thời thì sẽ được phù phép bằng hoá chất khử mùi, tẩy trắng và tràn vào các quán ăn, nhà hàng, thậm chí làm nguyên liệu cho các loại thực phẩm tết như lạp xưởng, xúc xích, chà bông...

Thống kê của Chi cục Thú y TPHCM, mỗi ngày, số lượng gia súc, gia cầm được tiêu thụ tại TP lên hơn 400 tấn. Hiện 90% lượng thịt được kiểm soát nguồn gốc, còn lại 10% (40 tấn) đang lưu thông trên thị trường là thịt không rõ nguồn gốc. 

Mứt, hạt dưa, bánh kẹo… “ngậm” hoá chất

Tại các chợ Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5), Tân Bình, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)... lượng hàng hoá được bày bán hiếm khi có nhãn mác xuất xứ. Phần lớn hàng được bỏ trong bịch giấy lớn hoặc trong các keo, chậu nếu khách hàng cần thì sẽ đóng gói trong các bịch nilông từ nửa ký cho đến vài ký. Nếu hỏi về xuất xứ thì người bán chỉ trả lời hàng cơ sở mối quen đảm bảo chất lượng. 

Để tăng thêm màu sắc cho các loại sản phẩm, nhà sản xuất đã sử dụng các loại hoá chất độc hại như Rhodamine B tẩm vào hạt dưa, bột cà ri, ớt bột... để tăng màu sắc. Phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản tẩm vào mứt để tạo màu sặc sỡ dễ thu hút khách hàng. 

Theo Sở Y tế TP, đối với phụ gia thực phẩm, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành lấy 3.355 mẫu giám sát, tăng 19% so cùng kỳ. Trong đó, có 674 mẫu không đạt, chiếm tỉ lệ 20,1%.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã lấy các mẫu giám sát theo cảnh báo về các sản phẩm không an toàn gồm: Chất Beta-Agonist trong thịt và nội tạng heo, đường hóa học, phẩm màu, chì trong sản phẩm kẹo dạng thuốc lá; giám sát chỉ tiêu chất lượng, an toàn theo công bố của sản phẩm sữa bột; chì, phẩm màu, bào tử nấm men, mốc... trong xí muội, quả khô, mứt quả, thạch dừa. Kết quả phần lớn các mẫu không đạt.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế, việc quản lý hóa chất độc hại rất khó. Bởi chất phụ gia được kinh doanh chung với hóa chất công nghiệp. Cơ quan quản lý chưa dự đoán được nhà sản xuất đưa hóa chất phụ gia nào vào thực phẩm để có thể chỉ định kiểm nghiệm. Năm 2012, toàn TP có 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 582 người mắc. 

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hoà - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP TP - nếu  năm 2010 trung bình 56,46 người mắc/vụ thì tăng lên 94,44 người/vụ trong năm 2011 và năm 2012 là 116,4 người/vụ. Tỉ lệ ngộ độc do cơ sở cung cấp suất ăn sẵn gây ra ngày càng tăng.

Năm 2011, trong 8 vụ ngộ độc thực phẩm thì 7 vụ nấu từ ngoài đem vào; trong 5 vụ ngộ độc năm 2012 thì 2 vụ có nguyên nhân từ cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn