Chính phủ giải trình về quy định “xe chính chủ”

Thứ tư, 26/12/2012, 08:59
Nghị định “xe chính chủ”, thông tư “ghi tên cha mẹ”, quyết định “độc quyền vàng miếng” là 3 văn bản pháp luật gây băn khoăn dư luận đã được đặt ra trong phiên Chính phủ giải trình trước Uỷ ban Pháp luật ngày 24/12/2012 về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Xe chính chủ

Việc xử phạt "xe chính chủ" gây băn khoăn trong dư luận. Ảnh: X.H

Nên lấy ý kiến ngay từ đầu

ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh là người đầu tiên chất vấn về Quyết định 1623 của Thống đốc NHNN.

Theo bà, QĐ 1623 “quy định cụ thể và tạo cơ hội tăng thu nhập riêng cho SJC”, trong khi “để người dân và doanh nghiệp khác bị thiệt hại”.

Vì sao lãnh đạo ngân hàng không lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trước khi ra Quyết định 1623? QĐ này không được ban hành theo đúng hình thức trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm  pháp luật, đây là sự sơ suất hay là kiểu lách luật?

Đối với những thiệt hại của người dân và DN do Quyết định 1623 gây ra thì trách  nhiệm của lãnh đạo NHNN nói chung và thống đốc nói riêng như thế nào?

Trong phần giải trình, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình viện dẫn quy định “không bắt buộc người dân chuyển sang SJC”. Đối với những người muốn chuyển sang SJC thì NHNN có hướng dẫn chuyển đổi sang với mức phí 50.000đ/ lượng vàng. Dẫu vậy, Phó Thống đốc nói “không gây thiệt hại gì”.

Về việc ban hành QĐ 1623, ông Bình cho rằng QĐ này “điều chỉnh riêng hoạt động quản lý của NHNN chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật”, “đảm bảo hợp pháp, hợp hiến” và đã “xin ý kiến các đơn vị có liên quan TP.HCM - chủ sở hữu của SJC - cơ quan uỷ quyền của NHNN về sản xuất vàng miếng”.

Liên quan đến nghị định “xe chính chủ”, thông tư “ghi tên cha mẹ”, và một số quy định về thu thuế sử dụng đường bộ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết: Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về các sự việc trên, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng dừng triển khai hoặc thực hiện thí điểm để lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân, các chuyên gia.

“Nếu quy định được nhân dân ủng hộ hoặc thực hiện thí điểm thấy đúng thì làm tiếp, nếu sai thì dừng lại và xem xét chỉnh sửa pháp luật… Chính phủ luôn mong muốn nhân dân theo sát việc ban hành văn bản, nên lấy ý kiến ngay từ đầu” - Bộ trưởng Đam nói.

Công khai minh bạch trước dân để nhân dân đánh giá

Tuy nhiên, những văn bản quy phạm gây phản ứng dư luận chỉ là một trong vô số những tồn tại trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ nhiệm UBPL Trần Đình Long nêu vấn đề: (so với) Số văn bản QPPL 5 năm trước đã giám sát, thì đến nay số văn bản nợ vẫn còn tương đương 50% số văn bản đã được giám sát như vậy.

Một trong những điển hình của sự chậm trễ cũng thuộc về ngành ngân hàng. Chẳng hạn, Luật các Tổ chức tín dụng có đến 19 nội dung chưa ban hành, Luật An toàn thực phẩm còn 33 nội dung chưa ban hành...

ĐBQH Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng: Nhiều năm qua vẫn có tình trạng chờ hướng dẫn…; trong khi xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải điều hành bằng luật.

“Trong thời gian trễ  thì CP điều hành bằng cách nào, như thế nào, bằng phương pháp nào và đánh giá tác động một số vấn đề ra sao trong thời gian trễ này?Thông tư liên tịch hiện nay hoàn toàn giao cho các bộ, ngành mà không có thẩm tra, đôn đốc thì đây thuộc trách nhiệm của ai?”- ông Vinh nêu hàng loạt câu hỏi bày tỏ sự băn khoăn.

Ví dụ được nêu ra là Luật Công chức “có hiệu lực lâu rồi. Hiện có 15 vấn đề cần quy định, trong đó có 3 vấn đề lớn chưa hướng dẫn được”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam lý giải sự chậm trễ do hai nguyên nhân: Tình hình ngoài xã hội thay đổi biến chuyển nhanh nên trong quá trình đợi luật ra đời thì xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh. Thứ hai là mặc dù có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, nhưng đó đây vẫn còn có tình trạng cơ quan chủ trì xây dựng đứng trên góc độ thuận lợi cho mình, nên khi đưa ra QH thì phải thay đổi nhiều.

“Ban hành chậm, chưa sát, trái, càng xuống dưới thì càng dễ gây bức xúc. Nhiều thông tư còn cài vào biện pháp thi hành, thậm chí cài cả bộ máy vào thông tư…” - Bộ trưởng Đam nói.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam:

Thiếu nhưng không phải là thiếu để không làm được

Tại phiên giải trình, ĐBQH Trần Thị Dung đặt vấn đề: Bộ Y tế giải thích việc chậm ban hành hướng dẫn vì thiếu tiền. Chẳng hạn, với mỗi thông tư tối đa chỉ có 40 triệu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai giải thích: Kinh phí được cấp theo thông tư 192.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận: Chế độ tài chính còn nhiều bất cập, thậm chí cả công tác phí, hội thảo, hội nghị, in ấn tài liệu…

Bộ Tài chính lo tài chính chung cả nước nên tinh thần là tiết kiệm, nhưng phải tháo gỡ được các vấn đề. Thiếu là thiếu, nhưng không phải là thiếu để không làm được.

Nên áp dụng án lệ

Nhằm hạn chế tình trạng luật, pháp lệnh nào ra đời cũng phải có quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường gợi ý cần hướng tới việc thông qua xét xử giám đốc thẩm của Toà án Nhân dân Tối cao để ban hành án lệ, có giá trị bắt buộc đối với các toà án các cấp khác, trừ khi cơ quan thẩm quyền có quy định khác với án lệ.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn