Gieo tình làng, nghĩa xóm trong chung cư

Thứ tư, 26/12/2012, 11:09
“Ở chung cư, cháy nhà mới biết mặt hàng xóm” là cách nói cường điệu nhưng phần nào phản ánh lối sống khép kín, cô lập, tuỳ tiện của các hộ trong chung cư. Nhưng ngày càng có nhiều chung cư ý thức được giá trị cộng đồng nên đã chủ động xác lập những lối sống mới.
Gieo tình làng, nghĩa xóm trong chung cư
 
Cùng chăm sóc vườn rau ở chung cư Gia Phú. Ảnh: Hồng Thái

Tại TP.HCM, phần lớn các chung cư, cao ốc khi xây dựng đều chú trọng đến không gian cộng đồng như công viên, nhà tập thể dục, thể thao, rạp chiếu phim, quán càphê, thư viện… Nhiều chung cư còn ban hành quy chế nếp sống.

Một số chung cư bồi đắp thêm nhiều hoạt động thiết thực vừa giúp cải thiện đời sống cá nhân, vừa gắn kết sâu rộng hơn giữa các hộ dân.

Vườn rau tập thể, giúp nhau miếng ngon

Ai từng đến chung cư Gia Phú (quận Bình Tân) cũng ngạc nhiên khi thấy trước cổng chung cư có một vườn rau tươi xanh. Chị Lê Thị Ái Hương, một cư dân ở đây kể: “Hồi chung cư mới xây xong, đây là khoảng đất chất đống xà bần. Nhiều cụ già ở quê vào trông giữ cháu con thấy vậy đề xuất ban quản lý cho họ được dọn dẹp trồng rau xanh, vừa giữ vệ sinh môi trường, vừa có chút rau sạch cho bữa ăn. Lúc đầu chỉ có vài hộ, sau thấy cũng hay nên nhiều hộ khác xúm vô.

Ban quản lý bắt riêng cho một cái đồng hồ nước, ai trồng rau thì đến tháng chia nhau tiền nước. Nhờ có vườn rau mà mấy chục hộ ở đây gần gũi hơn. Sáng ra tưới rau nói ba điều bốn chuyện. Người này cho người kia cây giống hoặc lúc cần trái ớt, củ gừng, mớ rau sống thì hỏi xin nhau”.

Ở chung cư Khang Long (quận 12), cư dân thường xuyên được ăn hải sản tươi Kiên Giang với giá rẻ được chị Nguyễn Mai Loan giao tận nhà. Nhà chồng ở Kiên Giang hay gửi hải sản lên cho vợ chồng chị Loan bằng đường hàng không, thấy tươi ngon mà giá lại rẻ hơn ngoài chợ, chị Loan nảy ý tưởng “đi buôn tại gia”.

Cứ mỗi thứ bảy, chị điện thoại về quê nhờ em chồng chọn mua tôm, ghẹ, mực trứng, cá bớp, bống mú… gửi lên. Lúc đầu chị đi từng nhà chào hàng, sau quen rồi chị đặt hàng theo danh sách đăng ký. Hải sản gửi lên, vợ chồng chị nhắn hàng xóm ghé lấy.

Ai không tiện đường thì chồng chị xách qua giùm. Thấy cách làm này hay, một số hộ khác cũng đã mở “tiệm” bán đặc sản ở quê nhà gửi vào: mắm Châu Đốc, chả mực Hạ Long, tôm chua Huế, trà Thái Nguyên… Có người còn mở rộng địa bàn qua các cao ốc gần đó.

“Bán buôn kiểu này đâu lời bao nhiêu, chủ yếu giúp nhau ăn được miếng ngon. Quan trọng là cái tình, nhờ vậy mà gia đình tôi thân thiết hơn với hàng xóm”, chị Loan kể.

Văn minh chung sống từ không gian cộng đồng

Theo thạc sĩ Nguyễn Trọng Kiên, nghiên cứu sinh chuyên ngành quy hoạch và phát triển đô thị ở Hàn Quốc, sống chung cư là xu thế tất yếu trong đô thị hiện đại, nên việc tạo dựng nếp sống văn minh trong các chung cư là rất cần thiết.

“Nhà quy hoạch đô thị góp phần không nhỏ trong việc hình thành nếp sống đó. Thiếu vắng những không gian giao tiếp cộng đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống của cư dân ở chung cư”, ông Kiên nhận định.

Cụ thể, ông Kiên cho rằng nên nghiên cứu tạo thêm không gian cho người dân chung cư được thoả mãn cả đời sống tâm linh, tinh thần: trong căn hộ có nơi thờ cúng ông bà, chung cư có nơi tổ chức tiệc tùng, ma chay, cưới hỏi.

Từng cụm nhà chung cư có thể có những cổng riêng để tạo cảm giác về một không gian cộng đồng ước lệ; chợ cũng là một không gian văn hoá rất cần cho khu chung cư, mặc dù sự hình thành cần tuân theo nguyên tắc riêng…

“Không thể tổ chức không gian sống với mức độ văn hoá kém hơn mức cộng đồng chung cần có, mà quá cao thì cũng sẽ làm cho người ta chán nản không thể đạt tới. Do đó, cần tạo một mức văn hoá đủ tầm để người ta vươn tới được”, ông Kiên nói.

Thêm ta bớt tôi

Môi trường tốt hay xấu đều do bản thân mỗi cá nhân. Có ý thức xây dựng cộng đồng thì chung cư dù bình dân cũng có thể trở thành chốn trú ngụ lý tưởng.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Trang, giảng viên đại học Văn Hiến TP.HCM cho biết khi vợ chồng chị mới dọn về căn hộ ở chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), không ít lần chị muốn đổi nhà nơi khác vì không chịu đựng nổi hình ảnh quần áo phơi chằng chịt ngoài ban công, đồ đạc, rác đầy cầu thang, chó mèo bậy trước nhà… .

“Sau này nhờ có ban điều hành thường xuyên vận động, mọi người tuân thủ một số nguyên tắc chung. Tôi và vài hộ dân nữa tận dụng những lúc hàng xóm vui vẻ, nhỏ to nhắc nhở họ điều chỉnh một số hành vi chưa phù hợp với cộng đồng nên bây giờ mọi người khác xưa nhiều lắm. Hầu như mỗi người đều đã nhận thấy cần phải thay đổi để thích nghi với lối sống văn minh trong chung cư”, chị Trang chia sẻ.

Tương tự, lối sống của người dân tái định cư ở chung cư Hoàng Khải (Tân Phú), chung cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2)… cũng chuyển biến. Ông Lý Thanh Tuấn, bảo vệ chung cư Hoàng Khải cho biết từ khi có một chỗ ở mới khang trang, hầu hết người dân đã từ bỏ những thói quen tuỳ tiện để cùng tạo nên một môi trường sống tốt, sạch sẽ hơn.

Ông nói: “Sợi dây gắn kết các hộ sống có trách nhiệm chính là mấy đứa nhỏ. Bọn nhỏ luôn muốn chơi với nhau nên nếu cha mẹ chúng sống lạnh lùng thì sẽ thiệt thòi trước hết cho con họ”.

Ở chung cư 43 Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), cứ sáng tinh mơ nhiều người lại cùng nhau tập thể dục, chuyện trò ngay dưới khoảng sân chung. Trẻ nhỏ thì vui đùa các trò chơi dân gian: bắc kim thang, rồng rắn lên mây...

Đến chiều, người trông coi thư viện của chung cư sẽ mở cửa đón độc giả vào đọc sách, đánh cờ... Chung cư còn có hẳn một đội ca múa thiếu nhi. Bà Lương Cẩm Linh hào hứng kể: “Tôi ở đây gần mười năm mà chưa khi nào nghe các hộ cãi cọ ầm ĩ. Nhiều người dù đã chuyển đi nơi khác sống nhưng vẫn giữ mối giao hảo với láng giềng, lâu lâu lại về chơi”.

Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Trang, môi trường tốt hay xấu đều do bản thân mỗi cá nhân. Có ý thức xây dựng cộng đồng thì chung cư dù bình dân cũng có thể trở thành chốn trú ngụ lý tưởng.

Chị nhận định: “Không có chung cư nào hoàn hảo tuyệt đối. Vấn đề là mỗi người phải tìm cách dung hoà làm sao để những người không quen biết, không cùng quê hương xứ sở, nếp sống văn hoá cũng có thể sống hoà hợp và trật tự với nhau trong một không gian vừa phải. Muốn vậy, mọi người cần rộng lượng hơn, dẹp bớt cái tôi”.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích