Bao giờ mới được ăn rau an toàn?

Chủ nhật, 30/12/2012, 14:35
Trung bình mỗi năm có hơn 40.000 người dân ăn phải thức ăn nhiễm độc, hàng chục ca tử vong từ thực phẩm thiếu an toàn. Trong vô vàn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhiễm bẩn, rau xanh nằm trong  nhóm có nguy cơ nhiễm độc cao nhất.

Báo động đỏ về rau bẩn

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế thống kê, giai đoạn từ 2007-2011, trung bình mỗi năm có khoảng 40.000 ca bệnh ăn phải thức ăn nhiễm độc, khoảng 4.800 người phải nhập viện. Điều đáng lo ngại là các loại thực phẩm tươi sống, trong đó có rau, được xem là thực phẩm có nguy cơ cao về mất VSATTP, đặc biệt là các yếu tố sử dụng hóa chất và ô nhiễm vi sinh vật.

Một khảo sát mới nhất của Viện Chính sách chiến lược phát triển NTNN (IPSARD) cho thấy, trong 1.050 mẫu rau cải, rau muống và đậu đỗ được thu thập từ 8 tỉnh, có 538 mẫu rau (chiếm 51%) phát hiện dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng. Dư lượng vượt ngưỡng NO3 chiếm 47% trong số 630 mẫu rau thu được.

Trong khi đó, càng gần đến Tết, lượng thực phẩm, rau xanh đổ về các chợ, siêu thị ngày càng nhiều. Tại TPHCM, lượng hàng rau củ quả về các chợ đầu mối và bán lẻ đã tăng khoảng 15% so với tháng trước, trong đó hàng Trung Quốc khá nhiều.

Tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, lượng rau củ quả xuất xứ Trung Quốc chiếm hơn 10% tổng số hàng hóa nhập về chợ. Bình quân, mỗi chợ đầu mối nhập khoảng 200 tấn hàng Trung Quốc mỗi ngày.

rau sach
Các bà nội trợ tin tưởng rau ở siêu thị hơn bởi có nguồn gốc, xuất xứ - ảnh: D.HÀ

Tại các chợ lẻ, rau củ của Trung Quốc chiếm khoảng 40%, trái cây chiếm 30%. Số lượng rau củ quả Trung Quốc nhập về mỗi ngày lớn như vậy, nhưng khâu kiểm tra giám sát chất lượng mặt hàng này ở các chợ chủ yếu là kiểm tra về hóa đơn, chứng từ, chỉ thi thoảng kiểm tra lấy mẫu một vài loại rau quả.

Bên cạnh đó, hầu hết rau quả các loại tại các chợ bán lẻ ở Hà Nội cũng như TPHCM đều được nhập từ nhiều nguồn, không bao bì, xuất xứ nên cả người bán lẫn người mua đều không biết được nguồn gốc.

Ngoài nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, thì nguồn cung rau xanh trong nước ngành nông nghiệp cũng quản lý không xuể, bởi đó chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún. Từ năm 2000, Chính phủ đã có những chương trình thúc đẩy đầu tiên về phát triển sản xuất rau an toàn (RAT).

Tuy nhiên, Bộ NNPTNT thừa nhận, sau hơn 10 năm triển khai, đến cuối năm 2011, mới có chưa tới 8,5% diện tích đất trồng rau được công nhận là an toàn. Tại miền Bắc, vùng trồng RAT tập trung nhiều ở ngoại thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương… Cùng với đó là các chính sách ưu đãi cho nông hộ về rau sạch, bộ tiêu chuẩn RAT theo mô hình VietGAP cũng được áp dụng nhưng kết quả chỉ thể hiện ở các quy mô nhỏ.

Thực tế cho thấy mô hình RAT vẫn còn nhiều bất cập, chưa khả thi và phù hợp với điều kiện các nông hộ nhỏ, trong khi các nông hộ này lại chính là nguồn cung ứng đến 75% lượng rau hàng hóa trên thị trường.

Với nỗ lực cung ứng rau sạch nhiều nhất đến người tiêu dùng, từ năm 2008 đến nay, Bộ NNPTNT giao Cục BVTV lên kế hoạch riêng về chương trình giám sát việc trồng rau nhằm kiểm tra giám sát dư lượng thuốc BVTV trên rau tại một số địa phương trọng điểm về sản xuất và tiêu thụ rau tươi.

Kết quả khá giật mình là tỉ lệ mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng tập trung nhiều ở các loại rau ăn lá phổ biến với người tiêu dùng: Rau muống 11%, rau cải 19%, bắp cải 8,3%, đậu đỗ 10%...

Năm 2011, Cục BVTV lấy 1.050 mẫu rau cải, rau muống và đậu đỗ. Kết quả có 106 mẫu rau (10%) vượt mức dư lượng tối đa cho phép. Rau muống có số mẫu phát hiện mức dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng vượt mức lớn nhất với 70 mẫu. Đậu đỗ có 29 mẫu dư lượng vượt ngưỡng, chiếm 8,3%.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Tỉ lệ mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng giảm dần theo các năm, trong đó có rau cải, đậu đỗ. Riêng rau muống vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn tăng lên do trồng rau muống thường nhỏ lẻ, phân tán nên công tác kiểm soát vẫn còn rất khó khăn”.

rau sach

Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong trồng rau vẫn thách thức các nhà quản lý - ảnh: D.Hà


RAT: Mạnh ai nấy chạy

Hà Nội hiện có khoảng 125ha RAT sản xuất theo VietGAP, tập trung khoảng 12 HTX trồng rau khu vực ngoại thành. Không thể phủ nhận những cố gắng của Hà Nội trong việc cung ứng rau sạch cho người dân thủ đô trong vài năm trở lại đây. Đi chợ, siêu thị, các sản phẩm RAT từ Vân Nội, Văn Đức, thậm chí các loại rau sạch đặc sản từ Đà Lạt có mặt nhiều hơn trên kệ hàng.

Chị Hoa - người mua RAT tại siêu thị Minh Hoa - cho biết: “Những sản phẩm rau sạch ở đây khá phong phú, bao bì nhãn mác đầy đủ, nhìn bắt mắt, sạch sẽ, giá đắt hơn không đáng kể so với ở chợ nên tôi chuyển sang sử dụng rau ở đây cho yên tâm”. Đây cũng là tâm lý chung của hầu hết các bà nội trợ, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.

Ngoài những địa chỉ rau sạch quen thuộc Vân Nội, Vân Canh, Văn Đức…, hiện một số cửa hàng RAT, siêu thị Hà Nội cũng nhập nhiều sản phẩm rau của một số DN tư nhân cung ứng rau từ mô hình VietGAP, sản xuất rau hữu cơ, giá thể như Hương Cảnh, Organic Root, Mr. Sạch, Nông nghiệp đô thị…

Tuy nhiên, các DN này thừa nhận, việc tồn tại và cạnh tranh với các loại rau tràn lan ở chợ vẫn là bài toán khó bởi chi phí sản xuất RAT không hề thấp, trong khi đó giá bán rau phải cạnh tranh được với giá ở chợ (cùng lắm chỉ chênh từ 1.000 – 3.000đ/kg rau).

Tại TPHCM, rau theo tiêu chuẩn VietGap đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn chưa được tiêu thụ mạnh tại các chợ do giá cao. Hiện lượng RAT, rau theo tiêu chuẩn VietGap mới chiếm khoảng 10-15% nhu cầu tiêu thụ của người dân TP.

Chính quy mô trồng trọt manh mún, phân tán khiến người sản xuất phải gánh chi phí lớn cho một dây chuyền sản xuất rau sạch. Theo khảo sát của IPSARD, nhiều mô hình RAT sau khi có chứng nhận VietGAP, qua một năm thực hiện đã không còn thiết tha làm bởi chi phí quá cao: 25 triệu đồng để làm gia hạn chứng nhận cho 2ha và khi hết thời hạn thì giá làm lại chứng nhận là 45 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tạo - trưởng nhóm sản xuất rau VietGAP ở Hoài Đức (Hà Nội) - cho hay: “Chúng tôi đã mang rau VietGAP đến BigC nhưng được trả lời là họ không mua rau VietGAP. Các Cty đặt hàng rau mỗi ngày chỉ được 10kg, lại yêu cầu bao gói, sơ chế, nhãn mác…”.

Trường hợp điển hình trên đã cho thấy thực tế khá buồn của thị trường RAT trong nước, khi mà nông hộ nhỏ lẻ không đủ sức gánh chi phí, loay hoay tự tìm thị trường, và mạnh ai nấy chạy. Ngành nông nghiệp luôn tự hào về các quy chuẩn kỹ thuật của VN đang dần hài hòa với quốc tế, song ít khi nhìn lại rằng liệu các quy chuẩn này có phù hợp với điều kiện của VN hay chưa.

Giải pháp được xem là cứu đỡ cho RAT chính là Luật An toàn thực phẩm vừa được thông qua, theo đó quy định về điều kiện sản xuất, sơ chế, kinh doanh phân phối sản phẩm rau, quy trình chứng nhận…

Thế nhưng, các nhà quản lý lại quên rằng 85% tác nhân sản xuất nông nghiệp của VN là các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Quy mô sản xuất của họ được tính bằng sào và diện tích trung bình trồng rau ở Đồng bằng sông Hồng chỉ là 2 sào/hộ.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn