"Cơm bụi", rau sạch... sâu và nỗi ám ảnh bữa ăn

Thứ hai, 15/10/2012, 15:31
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề "nóng", tuy nhiên thói quen ăn uống tuỳ tiện, sự tư lợi đang là nỗi lo khiến ngộ độc thực phẩm tăng, dịch bệnh bùng phát.
Thời gian vừa qua dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi như dịch tả, cúm gia cầm... nguyên nhân của tình trạng này chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo.

Và đáng lo ngại hơn cả là việc Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo biến thể  của một loại vi rút có thể lây trực tiếp từ động vật sang người, nguy cơ gây ra đại dịch. Mặc dù lo sợ thì như vậy, nhưng nhìn cách ăn uống, giữ gìn vệ sinh, ý thức cộng đồng, thói quen ăn uống vỉa hè của nhiều người dân khiến các chuyên gia cũng phải lo ngại.

 
thuc pham.jpg - 77.39 KB
 
Ảnh chỉ có giá trị minh họa

Có lần dịch tả bùng phát trên một số thành phố lớn, ngành y tế vào cuộc kiểm tra thức ăn đường phố có tới trên 90% không đảm bảo an toàn, còn rau sạch lại tràn lan thuốc trừ sâu, hay nhiểm khuẩn tả. Vậy nhưng, sau đợt tuyên truyền sâu rộng, dịch bệnh lắng xuống thói quen cố hữu của người dân lại... ngàn năm vốn đã quen rồi.
 
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng phải kinh ngạc nói rằng: "Có hai vấn đề làm tôi băn khoăn nhiều trong thực phẩm là "cơm bụi" vỉa hè và các loại rau xanh chứa đầy hóa chất từ các loại thuốc trừ sâu. Không nước nào trên thế giới có danh từ "cơm bụi" như ở nước ta, nó phản ánh rất đúng việc ăn cơm ở ngoài đường với rất nhiều bụi.

Mà trong bụi thì có rất nhiều vi khuẩn, không thể đếm nổi. Cho nên, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điều trước tiên là phải loại hẳn các loại cơm bụi ở vỉa hè. Vỉa hè phải dành cho người đi đường chứ không phải để bán cơm bụi".

 
Một số người cho rằng các khu vực sản xuất rau sạch, rau an toàn đã tăng nhiều, với các vùng chuyên canh được quy hoạch. Tuy nhiên, lượng rau này không đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân. Đa phần người tiêu dùng vẫn có thói quen mua rau tại các chợ cóc.
 
Ông Nguyễn Lân Dũng nói thẳng: "Không thể để kéo dài tình trạng người có tiền thì vào siêu thị ăn rau sạch, người không có tiền thì ăn rau bẩn. Đã đến lúc phải quyết liệt trong làm rau sạch.

Hiện nay, chúng ta đã nhập về loại thuốc phun lần đầu là sâu đã ngừng ăn, chỉ hai ba ngày sau là chết. Nhưng người dân không thích dùng loại này mà lại chỉ thích loại thuốc phun một lần chết sâu luôn, nhưng loại thuốc sâu đó lại gây độc hại rất lớn cho người tiêu dùng".

 
Việc trồng rau sạch phải hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hoặc nếu sử dụng phải đúng quy trình nhưng thực tế, việc sử dụng thuốc trừ sâu của nông dân đa phần rất tùy tiện.

Một số nhà khoa học cảm thấy rất buồn là nhiều loại thuốc trừ sâu mà Trung Quốc cấm nhưng lại có mặt ở Việt Nam, trong đó có loại có thể gây ung thư. Đáng nói số lượng nhập về lại rất lớn.  Mới đây, một số lượng hoá chất nhập lậu được cơ quan chức năng thu giữ nhưng chưa biết xử lý thế nào vì khó giám định thành phần, còn tiêu huỷ thì lại eo hẹp về kinh phí.

 
Nhưng cứ để thuốc trừ sâu, các loại thuốc hoá học kích tích tăng trưởng tràn lan như trồng rau mầm, giá đỗ thì người tiêu dùng hết sức hoang mang.

Để ràng buộc trách nhiệm của người trồng rau với người tiêu dùng, các chuyên gia đề nghị những đơn vị làm rau rạch phải ghi rõ trên bao bì địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng và phải ghi "nếu còn dư lượng hóa học, chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật". "Ít nhất nếu có bao bì đó, những người dân như tôi chấp nhận bỏ gấp 3, gấp 4 số tiền mua rau thông thường để có rau sạch ăn", ông Dũng nói.

 
Thực tế, đưa vấn đề an toàn thực phẩm vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội cũng đã được thực hiện, trong phạm vi các uỷ ban.

"Tuy nhiên, vấn đề cũng khó cải thiện bởi vì nguyên chuyện quản lý vỉa hè cũng không quản lý được. Nếu bây giờ chúng ta thực sự kiên quyết không cho bán hàng ăn ở vỉa hè, hãy làm một chuyện nhỏ đấy thôi đã. Ăn uống ở hàng quán trong nhà thì họ sẽ có ý thức hơn, đỡ bụi bặm vi khuẩn hơn. Và tôi mong cái từ "cơm bụi" sẽ biến mất trong xã hội mình vì đó là cái từ rất xấu.

Cơm mà ăn với bụi còn ra gì nữa. Hãy bắt đầu bằng chuyện cấm các hàng ăn đang nhan nhản ở các vỉa hè. Tuyệt đối cũng không có hàng rong về ăn uống ở vỉa hè. Thứ hai là phải kiểm soát chặt việc nhập các loại thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác vào nước mình, vì điều này rất nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng con người"
, ông Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

 
Ông Dũng cũng cho rằng, trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh. Nếu như người ta không lợi dụng việc thu tiền của người bán cơm vỉa hè để… phạt cho tồn tại, người ta kiên quyết cấm thì chẳng có gì khó.
 

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn