Phan Cẩm Thượng: Chả nhẽ không ai thấy ngượng?

Thứ hai, 15/10/2012, 14:56
"Người ta không thấy những trách nhiệm của mình với xã hội, luôn oán trách xã hội, chấp nhận tình trạng cha chung không ai khóc, vốn có nguyên nhân từ thời bao cấp", nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng nhận xét khi nói về hình ảnh những người Nhật cặm cụi nhặt rác do chính người Hà Nội vứt ra bên Hồ Gươm.
PV: - Là nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình mỹ thuật, ông nghĩ gì khi nhìn hình ảnh những người Nhật cặm cụi nhặt rác do người Hà Nội vứt ra bên Hồ Gươm?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Nếu chỉ xem xét ở khía cạnh người Nhật nhặt rác còn người ta thì vứt ra không nói lên điều gì, mà cần nhìn thấy người Nhật trong mọi hành vi với cuộc sống, ví dụ như trong đợt tai nạn sóng thần mà họ vừa hứng chịu.

Đó là một dân tộc có ý thức công dân và xã hội rất cao, sống vì những nghĩa cả và có kỷ luật từ trong truyền thống. Họ đã tạo ra nước Nhật phương Đông hiện đại, ta chả có gì để so sánh.

Nếu bạn không tự ái thì hình ảnh trên cho thấy người ta thì đẹp, mình thì đáng xấu hổ.

 
thuong.jpg - 50.00 KB
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng tinh thần công dân, sự phát triển của đời sống dân chủ của ta còn hạn chế, nên ý thức cá nhân với xã hội nói chung còn rất kém


PV: - Một điểm lạ là chúng ta luôn tự hào về Hồ Gươm - báu vật của Thủ đô; các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền bảo vệ Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp, thậm chí ra quy định phạt tiền nếu người dân vứt rác sinh hoạt bừa bãi. Vậy nhưng quanh Hồ Gươm lúc nào cũng đầy rác. Theo ông, chúng phản ánh điều gì?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Sự vô ý thức của nhiều người Hà Nội cũng chỉ vài chục năm gần đây, xưa kia người Hà Nội không thế, mặc dù không hề có quy định xử phạt nào về môi trường.

Để phạt tiền một người vi phạm giao thông thì dễ, chứ phạt một người đổ rác rất khó, nhất là khi đó là các bà các cô.

Cái chính vẫn là tinh thần công dân, sự phát triển của đời sống dân chủ của ta còn hạn chế, nên ý thức cá nhân với xã hội nói chung còn rất kém. Người ta không thấy những trách nhiệm của mình với xã hội, luôn oán trách xã hội, chấp nhận tình trạng cha chung không ai khóc, vốn có nguyên nhân từ thời bao cấp.

 
Nếu nhìn rộng hơn, rác thải vật chất do sinh hoạt là một vấn đề, nhưng có biết bao người quản lý để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều người và nền kinh tế, đó phải chăng không phải là sự vứt rác tùy tiện.

PV: - Một doanh nhân người Nhật tham gia nhặt rác ở Hồ Gươm đã 1 năm nay chia sẻ rằng, trong một lần ông nhặt rác, một bà cụ 70 tuổi đã chạy lại nắm tay ông ấy cảm ơn, từ đó ông có thêm quyết tâm để làm công việc này.

Liệu có phải bà cụ kia cũng bất lực khi nhìn đồng bào của mình thản nhiên xả rác ra Hồ Gươm - báu vật mà họ vốn tự hào, để đến khi nhìn thấy người nước ngoài làm công việc kia thì bà lại hy vọng có thể giúp thay đổi phần nào ý thức của người Việt?


Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Không phải người ta vô cảm và không biết sạch là gì, nhưng một vài người giữ vệ sinh cũng không giải quyết được việc gì. Việc bà cụ cảm ơn ông lão người Nhật nhặt rác là vì bà biết việc đó đánh vào ý thức cộng đồng, cái đó tốt hơn nhiều việc đi nhặt rác, chả nhẽ không ai thấy ngượng vì hành động đó.

 
thuong1.jpg - 56.86 KB
Doanh nhân người Nhật cặm cụi nhặt rác Hồ Gươm

 PV: - Có ý kiến cho rằng hành động nhặt rác của người Nhật không phải chỉ để làm sạch Hồ Gươm, làm sạch Hà Nội mà họ mong muốn "dọn rác ý thức" của người Việt Nam? 

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Đôi khi cũng không nên quá suy luận, bản thân những người Nhật đó cũng chỉ đơn giản, thấy bẩn thì dọn, như họ vẫn sống thế ở quê hương, có điều là một ý thức tự nhiên do cả một đời sống ngăn nắp hình thành.

 
Tôi chắc là họ không có ý định làm công việc giáo huấn, nếu thế thì ta hiểu người Nhật quá đơn giản. Ở Nhật người ta có chương trình cho trẻ con đi chơi toàn quốc theo kiểu tự lo, người lớn các nơi chỉ từ xa trông chừng, có thể chỉ bảo, nếu chúng yêu cầu, mà không can thiệp hay làm hộ. Ý thức của con người cần được vun trồng ngay từ thơ ấu.

PV: - Vậy để thay đổi thói quen xấu này của người Việt, chúng ta nên bắt đầu từ đâu và như thế nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: - Như trên đã nói, không thể chỉ là giải quyết vấn đề nhặt rác, mà là xây dựng một xã hội dân chủ phát triển, ý thức công dân cao. Tất cả các thói xấu: bàng quan, vô trách nhiệm, vượt đèn đỏ, vứt rác, gọi điện thoại chùa… bản chất chỉ là một. Cái đó phải bắt đầu từ cả nhân dân lẫn cơ quan công quyền.

PV: - Singapore được coi là một trong những nước sạch nhất thế giới. Vì sao họ làm được như vậy, thưa ông? Còn Việt Nam thì sao?

Hiện ta đã là nước đất chật người đông, nhưng còn nhiều cơ hội để phát triển và thay đổi. Singapore là đất nước quá nhỏ bé, nếu họ không tổ chức tốt, không phát triển tinh thần công dân hiện đại, thì nhanh chóng trở thành một làng nghèo không ai biết đến, hoặc thành một bãi thải công nghiệp. Sạch sẽ không chỉ là vấn đề vệ sinh với họ, mà cũng liên quan đến sự sống còn của quốc gia.

 
Ở nước ta, vấn đề vệ sinh hiện tác động đến sức khỏe con người trước tiên. Người ta nên nghĩ đến những lần đi mua thuốc, đến bệnh viện, hàng ngày mất nhiều thời gian thể dục, dưỡng sinh, cũng là vì đã làm môi trường sống tồi đi. Xét cho cùng môi trường sinh thái tốt hay không là do môi trường văn hóa quyết định.
 

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn