Sau một quá trình soạn thảo lâu dài, VN lần đầu tiên có văn bản luật biển gồm 7 chương 55 điều quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển đảo thuộc quyền tài phán quốc gia theo đúng Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Luật Biển VN chính thức có hiệu lực từ hôm nay. Sự kiện này và việc VN cùng thế giới ngày 10/12/2012 kỷ niệm 30 năm ra đời UNCLOS 1982 đều có ý nghĩa quan trọng đối với biển đảo VN.
Nỗ lực lâu dài
Vào ngày 10/12/1982, VN cùng 118 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng ký vào văn bản UNCLOS tại Montego Bay, Jamaica. Đây là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài về ý thức của dân tộc VN đối với biển đảo.
Từ năm 1977, VN tham dự Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về luật Biển. VN nằm trong 130 quốc gia bỏ phiếu thông qua Công ước về luật Biển trong khi các nước Đông Âu và Liên Xô bỏ phiếu trắng.
Tại hội nghị này, nắm bắt xu thế tiến bộ chung, Chính phủ nước ta ngày 12/5/1977 đưa ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam. Đây là một trong số tuyên bố sớm nhất theo tinh thần Công ước ở khu vực Đông Nam Á.
Tiếp đó, ngày 12/11/1982, Chính phủ nước ta lại ra tuyên bố về đường cơ sở ven bờ lục địa VN phù hợp theo các quy định của Công ước.
Từ hai bản tuyên bố lịch sử trên, hệ thống luật pháp biển về quyền và lợi ích, các hoạt động của VN về mọi mặt liên quan đến biển đều lấy Công ước LHQ làm cơ sở.
Theo đúng tinh thần UNCLOS 1982, nước ta nhiều năm qua từng bước tăng cường cơ sở vật chất, lực lượng để bảo vệ, quản lý và khai thác có hiệu quả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn của mình. |
UNCLOS 1982 là bản “Hiến pháp đại dương” của nhân loại. Đây còn là văn bản tổng hợp toàn diện những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ trên biển quốc tế.
Tương tự Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982 là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử LHQ từ trước đến nay. VN trở thành nước thứ 64 phê chuẩn UNCLOS 1982.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội VN đưa ra nghị quyết phê chuẩn công ước và nộp lưu chiểu lên LHQ vào ngày 25/7/1994, trước khi UNCLOS chính thức có hiệu lực trên thế giới từ ngày 16/11/1994.
Chấp hành nghị quyết do Quốc hội phê chuẩn, VN luôn tuân thủ và tôn trọng UNCLOS trong mọi hoạt động liên quan đến biển của mình.
Đồng thời, nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về các lĩnh vực liên quan đến biển phù hợp với công ước này.
Bảo vệ chủ quyền
Sau khi ký UNCLOS 1982, VN đã vận dụng các điều khoản trong công ước để bảo vệ quyền lợi quốc gia trên biển. Điển hình như việc Tổ hợp các công ty cáp quang của Anh, Úc, Nhật, Singapore, Indonesia và Hồng Kông cùng Đài Loan vào năm 1985 muốn đặt 550 hải lý cáp quang Sin-Hon-Tai qua vùng biển nước ta.
Tuy nhiên, một số nước trong dự án trên định không thông báo cho VN. Đáp lại, chúng ta vận dụng quy định trong công ước rằng việc đặt cáp có liên quan đến khoan đào và nghiên cứu khoa học biển, khu vực cáp đi qua là những lĩnh vực mà quốc gia ven biển có đặc quyền và quyền tài phán.
Vì thế, tổ hợp trên đã vi phạm luật pháp quốc tế nên phải nhận sai, tiến hành xin lỗi đồng thời nộp 330.000 USD cho khoản lệ phí dịch vụ khoa học. Bên cạnh đó, VN cũng cử đại diện giám sát quá trình đặt cáp.
Theo đúng tinh thần UNCLOS 1982, nước ta nhiều năm qua từng bước tăng cường cơ sở vật chất, lực lượng để bảo vệ, quản lý và khai thác có hiệu quả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn của mình. Ví dụ như tăng cường hải quân, radar, máy bay tuần thám biển, thành lập lực lượng cảnh sát biển...
Đồng thời, VN cũng xây dựng chiến lược biển, đẩy mạnh khai thác các nguồn lợi biển, phân lô đấu thầu khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc quyền tài phán hợp pháp của mình theo UNCLOS 1982.
|
Đặc biệt, VN triển khai đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa dựa theo UNCLOS 1982. Ngày 4/11/2002, nước ta cùng các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông tại Phnom Penh, Campuchia.
Theo đó, “Các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.
Hiện nay, VN đang cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thảo luận để thông qua Bộ quy tắc về cách ứng xử (COC) trên biển Đông.
Những quy định nổi bật
Một trong những thành tựu có ý nghĩa to lớn trong việc VN thực thi UNCLOS là ban hành luật Biển nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta phục vụ cho việc sử dụng, quản lý bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Việc ban hành luật Biển VN là bước nội luật hóa thành công UNCLOS 1982 theo đúng trách nhiệm của một quốc gia là thành viên công ước này. Trong đó, một số điểm nổi bật của luật Biển VN có thể kể ra như:
1 - Tiếp tục khẳng định chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thông qua điều 1 chương I và điều 19 chương II. Lập trường này tiếp nối nhất quán quan điểm trong Nghị quyết Quốc hội phê chuẩn UNCLOS 1982 và luật Biên giới quốc gia VN 2003. Điều 19 và 20 thuộc chương II cũng quy định rõ về các đảo đá nhằm bảo vệ các vùng biển VN.
2 - Luật Biển VN nêu cụ thể hơn 5 vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.Theo đó, vùng nội thủy tính từ bờ biển đến đường cơ sở, vùng lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, tiếp đó vùng tiếp giáp lãnh hải cũng rộng 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Đồng thời, thềm lục địa ít nhất rộng 200 hải lý và tối đa là 350 hải lý tính từ đường cơ sở ven bờ lục địa VN hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không quá 100 hải lý.
Như vậy chủ quyền của VN được khẳng định từ đất liền ra đến vùng nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đến hết vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
3 - Luật Biển VN 2012 quy định chi tiết về các hoạt động trong vùng biển VN, quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua; luật cũng quy định về vấn đề tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giữ gìn bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; về hợp tác nghiên cứu khoa học biển...
4 - Đặc biệt, luật Biển VN 2012 dành hẳn chương IV để quy định về phát triển kinh tế biển. Trong đó có quy định việc quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế biển đảo; nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế biển đảo trên nguyên tắc gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn trên biển.
5 - Điều 4, chương I quy định rõ các nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển. Trong đó, VN luôn nhất quán “nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển đảo với các nước khác bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982, luật pháp và thực tiễn quốc tế”.
Theo Thanhnien