"Nhịn" nghỉ ngơi trong Tết Dương lịch
Với không ít phụ nữ đang mưu sinh ở Hà Nội, những ngày nghỉ Tết Dương lịch không để nghỉ ngơi, mà là cơ hội để kiếm sống. Bám trụ ở Thủ đô vào thời khắc hầu hết mọi người đều đi chơi, đi mua sắm, họ tận dụng những ngày nghỉ lễ để mong cầu buôn may bán đắt.
Cụ già bán bánh trên phố Tràng Tiền... |
Những người bán hàng rong đồ ăn vặt, bóng bay, đồ chơi, đồ trang trí… không bỏ lỡ dịp nghĩ Tết Dương lịch để kiếm sống. Họ đổ dồn về những khu vực trung tâm như phố cổ, bờ hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn, vườn hoa Con Cóc, công viên… là nơi tổ chức các sự kiện vui chơi giải trí, tập trung đông người dân mong kiếm thêm chút thu nhập.
... người phụ nữ trung niên ... |
... và cô gái trẻ bán bánh rán này bám trụ ở Hà Nội vào dịp nghỉ Tết với hy vọng bán được hàng |
Một số người bán hàng rong cho biết, năm nay dịp nghỉ Tết dương lịch rét hơn mọi năm, người dân đi chơi ít nên việc buôn bán có vẻ kém hơn, nhưng họ vẫn lạc quan vì “kiểu gì người ta cũng phải ra đường chơi Tết.”
|
Nhìn đám trẻ con chơi đùa, người phụ nữ này lại nhớ con mình ở quê, chắc đang ngóng mẹ về |
Chị bán hoa nhựa dạo quanh các trung tâm mong dễ bán hàng hơn |
Chị Bích (Thái Bình) bán bóng bay hy vọng: “Đầu năm ai cũng xông xênh, ít mặc cả nên bán cũng dễ hơn.” Cũng như nhiều người lao động nhập cư khác, chị “để dành” dịp về thăm gia đình đến Tết Nguyên Đán.
Chị Bích chia sẻ: dịp giao thừa và ngày đầu năm, mọi người thường xông xênh hơn |
Với người phụ nữ này, nghỉ Tết dương lịch là một điều xa xỉ |
Có gia đình, có nhà cửa tại Hà Nội, nhưng với các công nhân vệ sinh môi trường làm việc ca đêm, giao thừa là một thứ gì đó xa xỉ và dường như chỉ được “đón” trong tâm tưởng. Dù rất khao khát được đón giao thừa bên gia đình, họ đành bỏ lỡ khoảnh khắc ấy, vì công việc làm sạch phố phường vẫn còn dang dở.
Hối hả chuẩn bị cho giao thừa sạch sẽ |
Những công nhân này phải đón giao thừa ngoài đường phố |
“Nếu chỉ long nhong đi ngoài đường thì rét thật, nhưng chúng tôi làm một lúc đã thấy nóng ran người.” – chị Tuyết, một người trong nhóm chia sẻ. Vào nghề được 17 năm, chị Tuyết cho biết, Tết Dương lịch cũng như Âm lịch, chẳng năm nào chị được ở nhà đón giao thừa.
|
Và ngày năm mới của họ bắt đầu như thế này |
Chị cười buồn: “Năm nào tôi cũng đón giao thừa ngoài đường với đồng nghiệp, với công việc, hồi đầu cũng tủi thân, nhưng mãi rồi thành quen. Ngày thường, 2 – 3 giờ sáng tôi mới xong việc, còn ngày lễ, ngày Tết, rác nhiều hơn, có khi 4 giờ sáng mới về được đến nhà, tắm rửa xong là đi ngủ. Năm nay cũng thế thôi.”
Chị Tuyết chia sẻ, ngày Tết cũng như ngày thường, chị làm việc từ 8 giờ tối đến khuya |
Một chị khác trong nhóm nói xen vào:“Không có chúng tôi, đường xá ngập ngụa lên ngay, nhất là mấy ngày lễ tết này. Thế nên mệt thì mệt, vẫn phải hoàn thành công việc, chúng tôi mới ngon giấc được.”
Thức đêm đi bán mồ hôi
1 giờ sáng, chợ đầu mối Long Biên đã tấp nập người và xe tải chở hàng. Ngoài cánh lái xe, trong chợ chủ yếu là những người bốc vác, gánh hàng thuê cho các chủ xe. Đáng chú ý hơn, công việc cửu vạn nặng nhọc cần “sức dài vai rộng” ở chợ đầu mối Long Biên lại chủ yếu được chị em đảm trách.
Nhọc nhằn thân cửu vạn nữ... |
Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, có người ở nơi khá gần Hà Nội như: Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương…, có người ở tận vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Họ đều có cuộc sống vô cùng khó khăn, ai cũng cố gắng bám vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội này để mưu sinh.
Trắng đêm đi bán mồ hôi |
Họ làm mọi việc nặng nhọc như bốc hàng, kéo xe, gánh hàng thuê… miễn sao có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và lo được cho gia đình ở quê.
Công việc này vừa đòi hỏi sức khỏe, vừa cần khéo léo |
Chị Nụ, quê ở Hưng Yên cho biết: “Tôi làm thuê ở đây đã hơn chục năm rồi. Tết Dương lịch chẳng bao giờ tôi về nhà, phải lo kiếm tiền chứ. Tôi làm từ 9, 10 giờ đêm đến sáng sớm, ngày nào nhiều thì được 200.000 đồng, ngày ít cũng được 100.000 đồng, tội gì mà về nhà! Tết Âm lịch tôi mới về với gia đình, mà chắc cũng chỉ về dăm bảy hôm thôi.”
Chị Nụ đã có thâm niên 10 năm đi bán mồ hôi |
Một số đồng nghiệp của chị Nụ tiết lộ, sở dĩ cửu vạn ở chợ đầu mối hoa quả Long Biên toàn phụ nữ là bởi đặc thù hàng hóa. Vận chuyển hoa quả cần nhanh nhẹn, năng suất nhưng cũng cần nhẹ nhàng, khéo léo để hoa quả không hư, dập.
|
Những tấm lưng oằn nặng, đẫm mồ hôi trong sương đêm... |
“Với những loại quả mềm hoặc có giá trị cao như thanh long, dâu tây, nho… giá vận chuyển cao hơn nhưng các chủ hàng cũng “soi” rất kỹ, nếu sơ ý làm dập, nát nhiều, chẳng những không được tính công mà còn bị bắt đền nữa!” – một nữ cửu vạn cho biết.
Họ chỉ mong không đau ốm để không phải nghỉ buổi nào |
Để tiết kiệm tiền, những cửu vạn nữ thường thuê nhà trọ tập thể theo đêm với giá 10.000 - 15.000 đồng/người, chen chúc khoảng chục người trong nhà trọ 5, 6 m2 ở gần chợ. Có người ban ngày tranh thủ đi buôn đồng nát, tối thì ngủ tạm ở vỉa hè, gầm cầu gần chợ, đêm lại vào gánh hàng thuê.
Sớm đầu năm, người phụ nữ này vẫn chưa về nhà trọ. Chị tranh thủ nhặt đồng nát quanh hồ Thiền Quang. |
Cũng phải thức đêm đi bán mồ hôi là những người phụ nữ bán hoa tươi ở chợ hoa đêm Nhật Tân. 2, 3 giờ sáng, khi những người khác còn say ngủ hoặc tận hưởng những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, họ vẫn lặng lẽ với công việc của mình, góp phần làm rạng rỡ những ngôi nhà Hà Nội.
Chị Minh (Tây Tựu) tranh thủ chợp mắt khi chưa có khách |
Không có cảnh gánh gồng nặng nhọc, nhưng những phụ nữ bán hoa ở chợ Nhật Tân cũng phải thức dậy từ sớm. Ai cũng mong năm mới, công việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn.
Hoa cười, người âu lo: rét thế này, chẳng biết có bán được hoa? |
Những ngày cuối năm, họ không có được niềm vui trọn vẹn bên gia đình mà trải sức lao động trên những nẻo đường thủ đô. Mồ hôi họ rơi, hòa vào cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông, nhưng trong lòng họ vẫn không nguôi niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình.
Theo TTVN