Nghị định 94 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.
Như vậy, tất cả các loại rượu “quê” được nấu thủ công và đang bán công khai, phổ biến ở mọi vùng miền trên cả nước sẽ bị xử lý, nếu không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất,gắn nhãn mạc…
Ghi nhận buổi đầu tiên NĐ 94 có hiệu lực, rượu “quê” vẫn được nấu như những ngày bình thường khác và người tiêu dùng vẫn mua … bình thường.
Anh Duy Hưng, có cơ sở nấu rượu ở một làng sát Thổ Tang, vùng buôn bán sầm uất của tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, hàng ngày gia đình anh vẫn nấu khoảng vài chục lít, phục vụ chủ yếu nhu cầu của người dân trong làng. Rượu của gia đình anh nấu khá ngon nên rất đông khách, nấu đến đâu bán hết đến đó. Giá cũng chỉ khoảng 12.000 -13.000 đồng/lít.
Ảnh minh hoạ |
“Nghị định 94 gì đó tôi cũng không để ý đâu. Rượu nhà tôi đảm bảo chất lượng. Chủ yếu phục vụ những người quen trong làng…Giờ cấm thì chết!...”, anh Hưng hồn nhiên cho biết.
Dịp cận Tết, gia đình anh vẫn tăng cường nấu thêm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cao điểm này.Anh Hưng cho biết thêm, không chỉ có nhà anh, trong làng này cũng có rất nhiều nhà nấu rượu.
Tại một đám cưới cùng làng của anh Hưng, diễn ra đúng sáng 1/1/2013, rượu “quê” không nhãn mác vẫn được mua về phục vụ khách dự cưới.
Hầu hết những người tại đám cưới đều cho rằng rượu không đảm bảo chất lượng cũng rất nguy hiểm, nên kiểm tra chất lượng rượu là rất đúng đắn, nhưng nếu cấm rượu không nhãn mác lưu hành sẽ khó cho những người dân buôn bán nhỏ lẻ.
“ Quy định nấu rượu phải có giấy phép, nhãn mác… tôi chưa biết. Quanh năm tôi có ra khỏi làng đâu mà biết đăng ký với giấy phép. Hiện nhà tôi vẫn nấu và bán bình thường…”, bác Hà, người làng Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chia sẻ.
Bác Đường, nhà ở Sóc Sơn (Hà Nội), khách mời của đám cưới cho biết, nhà bác vẫn mua loại rượu trắng, do dân trong vùng nấu và đều không có nhãn mác. Đợt Tết Âm lịch sắp tới, bác Đường vẫn dự định sẽ đặt mua khoảng vài lít rượu để dùng trong dịp Tết.
Trở lại con đường đôi vào khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm,Hà Nội, dọc một bên phố là hàng loạt quán đặc sản vịt Vân Đình. Tại đây, nhiều chủ quán cho biết, họ vẫn mua rượu "quê" không nhãn mác để phục vụ khách hàng. Giá những loại rượu này rẻ, nhưng rất ngon.
Khi được hỏi về chất lượng an toàn thực phẩm, họ đều khẳng định, rượu tuy không nhãn mác nhưng là mối quen vẫn nấu và đưa tận nơi, nên họ đảm bảo được chất lượng.
Một con số thống kê tính tới giữa tháng 12/2012, cho thấy ngộ độc vì rượu ở nước ta chiếm khoảng 3,5%; số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26% trên tổng số người tử vong vì ngộ độc thực phẩm nói chung.
Nếu nhìn từ hàng loạt các vụ ngộ độc vì rượu trong thời gian qua, có thể thấy, Nghị định 94 ra đời là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ. Không chỉ giúp thị trường rượu lành mạnh hơn, mà còn ngăn ngừa những hiểm họa khó lường từ rượu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏa của nhân dân.
Tuy nhiên, đối với những hộ nấu rượu có quy mô nhỏ, hoặc những hộ thuộc vùng miền có truyền thống nấu rượu, cần sớm có hướng dẫn cụ thể. Tạo điều kiện để những hộ dân có thể đăng ký sản xuất hợp quy chuẩn hơn. Đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, văn hóa dùng rượu "quê" của nhiều người dân hiện nay cũng cần được tính đến.
Theo nguyện vọng của nhiều hộ nấu rượu, có thể thay vì cấm, buộc phải đăng ký nhãn mác… nên chăng các cơ quan chức năng chỉ cần tăng cường kiểm tra quy trình an toàn thực phẩm.
Theo Danviet