Đồng Nai: Ông khiếm thị chuyên… cứu người, vớt xác

Chủ nhật, 06/01/2013, 08:16
 Đôi mắt của ông gần như mù hoàn toàn nhưng khi có người gặp nạn trên sông, ông lại “xông pha” ứng cứu với hi vọng giành lại nạn nhân từ tay “hà bá”.

Người “anh hùng sông nước” ấy là ông Trần Văn Phước, 50 tuổi, ngụ KP 1, Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Những tưởng tìm được ông trong chốn ồn ào phố thị là điều khó khăn nhưng thực chất lại dễ dàng hơn bao giờ hết. “Chỉ cần chạy về phía cầu mới rồi hỏi là sẽ có người dẫn đường tới tận nơi. Nếu không hỏi thì chạy xuống mép sông rồi gọi to thì ngay lập tức ông sẽ xuất hiện” - Một người dân hướng dẫn.

Căn nhà của ông Phước nằm trong khu phố nhưng rất ít khi ông có mặt ở nhà. Hàng ngày, cứ 2 giờ sáng là ông lại lục đục đèn lưới ra sông, đến tối mịt mới lại về nhà. Thấy người lạ tới tìm mình, ông khua nước bơi chiếc phao lại gần hỏi: “Các anh tìm tôi mua cá hay có ai gặp nạn cần tôi lặn giúp?”. Chỉ nghe câu hỏi ấy, chúng tôi đã mừng thầm vì tìm được đúng người.
 
 cuu nguoi

Chiếc phao là công cụ giúp ông Phước mưu sinh trên sông nước

Ông Trần Văn Phước sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em. Năm Phước 7 tuổi, cơ thể đang khỏe mạnh thì bỗng dưng bị một cơn sốt “thập tử nhất sinh”. Khi cơn bệnh qua đi cũng là lúc hai mắt của Phước bị giảm thị lực.

“Đó cũng là lúc mắt trái bị mù vĩnh viễn, mắt phải chỉ nhìn thấy ánh sáng lù mù như bị đám mây che khuất. Bây giờ mọi sinh hoạt và làm việc đều phải dựa vào 30% thị lực của mắt phải” - ông tâm sự

Đôi mắt không còn tỏ tường nhưng ông lại có thể làm việc linh hoạt như một người bình thường. Để phù hợp với hoàn cảnh bản thân, ông chọn nghề chài lưới đánh bắt cá trên sông Đồng Nai. Đó cũng chính là lý do ông đến với hành trình cứu người vớt xác.

Chỉ tay về hoảng sông bát ngát trước mặt, ông cho biết, sông nước mênh mông là mối nguy hiểm đối với tính mạng con người. Sông Đồng Nai đoạn qua KP 1, phường Long Biên rất sâu và rộng. Nhiều người chủ quan đã bị nước cuốn.

Về những cuộc ngụp lặn cứu người ông chia sẻ: “Từ trước tới nay tôi đã đưa hơn chục nạn nhân lên bờ. Nam nữ, già trẻ đều có. Khoảng 3 tháng trước, khi tôi đang đánh cá thì bất chợt có tiếng người gọi cứu. Nhìn về phía chân cầu thì thấy mờ mờ ai đó quơ tay vùng vẫy. Lúc đó không có phao nhưng tôi vẫn bơi đến.

Khi tới nơi thì thấy hai học sinh đang chìm nên ngay lập tức tôi kéo đứa gần bờ lên trước. Khi quay ra để kéo đứa thứ 2 thì trên mặt sông chỉ thấy sóng nước nên tôi phải lặn xuống mò mẫm mãi mới tìm thấy. Cũng may, khi đó còn kịp nên sau khi hô hấp, cháu bé đã thở được”.

Ông cho biết thêm, khoảng tháng 5/2012 ông cũng cứu mạng sống cho một cháu bé hành nghề ăn xin và một phụ nữ ngoài 40 tuổi.

Không bất chấp hiểm nguy, mỗi khi có người lâm nạn là ông lại băng mình lao ra sông. Tuy đôi mắt không còn tỏ tường nhưng sông Đồng Nai nơi ông đánh cá, đoạn nào nông, đoạn nào sâu, đoạn nào nước xoáy thì ông lại biết rõ hơn bất cứ ai.

Tuy vậy, không phải lúc nào ông cũng giành lại được mạng sống cho người lâm nạn. Nhiều lần do ở quá xa với vị trí người gặp nạn hoặc quá muộn nên khi đến được tới nơi thì người đó đã bị chìm. Những lần như vậy, ông lại quyết ngụp lặn để cố gắng đưa thi thể người đuối nước lên bờ.
 
“Bây giờ, mỗi khi có người gặp nạn trên sông thì người ta lại gọi tôi tới để ứng cứu. Đối với những nạn nhân đã chìm hẳn hoặc mất tích thì tôi lại được phó thác trách nhiệm tìm kiếm. Năm ngoái, có một thanh niên bị nước cuốn, tôi phải lặn nguyên một ngày mới tìm thấy” - ông Phước tâm sự.
 
vot xac

Người đàn ông chỉ còn một con mắt với 30% thị lực vẫn tự mưu sinh trên sông và cứu gần chục mạng người 

Trong suốt thời gian qua, ông Phước đã cứu sống 8 người bị đuối nước và đưa lên bờ 5 thi thể nạn nhân xấu số. Cứu người là việc làm nghĩa hiệp nhưng không phải là không nguy hiểm. Ngoài biết bơi dài, lặn giỏi thì cần phải khôn khéo, nếu sơ suất là có thể bị nạn nhân kéo chìm theo. Ngoài cứu người trên sông nước, ông còn tình nguyện tắm gội, khâm liệm cho những người quá cố.

Ông Bùi Văn Muôn, trưởng KP 1, phường Bửu Long, TP Biên Hòa xác nhận: “Việc ông Phước cứu người, vớt xác là có thật. Đó là hành động đáng quý, đáng biểu dương. Đưa hơn chục người lâm nạn lên bờ nhưng ông chưa một lần đòi trả ơn. Trước việc làm nghĩa hiệp của ông, tháng 11/2012, ông được UBND phường Bửu Long khen thưởng và biểu dương”.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn