Dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh, thành phố Đà Nẵng dần chuyển mình hòa cùng sự phát triển của đất nước nhưng vẫn tạo ra những nét riêng biệt mà chỉ thành phố này mới có. Người đóng góp một phần không nhỏ cho sự đổi thay của Đà Nẵng không ai khác đó chính là Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh.
"Người hùng" Nguyễn Bá Thanh
Thành phố "5 không, 3 có"
Nhắc đến Đà Nẵng là người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt những năm qua. 5 không - đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Sau 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được thật là mỹ mãn.
Từ cuối năm 2000, Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu không có hộ đói; cuối năm 2004, cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, trong 2 năm 2001 và 2002 hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ đến người cuối cùng trong độ tuổi 6-35, tập trung 1.537 lượt người lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, giải quyết cho 14.570 lượt đối tượng xã hội được hưởng chế độ trợ cấp cứu trợ thường xuyên, giải quyết cứu trợ đột xuất cho 101.964 lượt người gặp khó khăn, hoạn nạn.
Về tội phạm ma túy, từ năm 2001 đến 2005, Công an thành phố đã bắt và xử lý 245 vụ, gồm 705 đối tượng, kiềm chế được sự gia tăng tội phạm về ma túy.
Sau "5 không", Đà Nẵng “dấn” thêm bước nữa đó là triển khai chương trình "3 có" - Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 - 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở. Trong khi đó, "Thành phố môi trường", một đề án mới đang được triển khai cũng có thể coi là hướng phát triển của việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Một góc thành phố Đà Nẵng
Giải phóng mặt bằng... tránh được nhà siêu mỏng
Một việc khá nổi tiếng, đã đem lại bộ mặt khang trang và hiện đại cho Đà Nẵng mà ai cũng biết, nhưng lại chưa địa phương nào làm được đó là vấn đề giải phóng mặt bằng để làm đường.
Không như các thành phố khác, khi giải phóng mặt bằng để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào 2 bên đường mới một khoảng không từ 30 đến 50 mét và sau đó quy hoạch bán đấu giá.
Việc này theo ông Thanh không chỉ tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp do việc xây dựng đồng bộ, tránh được nhà siêu mỏng, siêu méo, mà nó còn tạo ra nguồn vốn lớn từ chính quỹ đất này do đường sá khang trang, rộng rãi nên giá đất tại những khu vực này cũng đã tăng lên rất nhanh.
Không chỉ dừng lại tại đó mà việc đấu giá những lô đất hai bên đường mới cũng sẽ tránh được việc lợi dụng biết trước quy hoạch để mua đất bên trong chờ ra mặt đường.
Đà Nẵng lộng lẫy và quyến rũ về đêm
Xây dựng bệnh viện từ tiền của nhà hảo tâm
Đối với bệnh viện ung thư thì ở Hà Nội hay TP.HCM đã có nhưng đó là tiền do ngân sách nhà nước xây dựng, còn ở Đà Nẵng là do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp.
“Tôi chính là trưởng ban vận động quyên góp xây dựng nên bệnh viện này. Do thấy chúng tôi làm việc này là vì cái tâm nên đã có không ít cá nhân trong và ngoài nước hết lòng ủng hộ.
Chúng tôi cũng đã quyên góp được hàng trăm tỷ đồng xây dựng nên một bệnh viện cho những người ung thư với hơn 500 giường bệnh và sắp tới sẽ đưa vào khánh thành. Đối với bệnh viện phụ nữ thì đây có lẽ là nơi khám chữa bệnh đầu tiên trên cả nước duy nhất chỉ dành cho phụ nữ. Tất cả chị em bị ung thư sẽ được chữa trị miễn phí”, ông Thanh cho biết.
Cao tay trong khâu tránh chảy máu chất xám
Đối với vấn đề thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám, Đà Nẵng cũng có những “chiêu” tỏ ra rất cao tay đó là thành lập ra một trường trung học chuyên Lê Quý Đôn.
Tất cả những em theo học ở đây đếu phải trải qua cuộc thi tuyển đầu vào gắt gao, không có chuyện nhờ vả, chạy vạy hay xin xỏ. Khi ra trường em nào xuất sắc sẽ được cho đi học tiếp ở nước ngoài, em nào giỏi học đại học trong nước và tất cả đều được thành phố tài trợ kinh phí ăn học sau đó quay về được bố trí công việc phù hợp và đặc biệt phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm.
Theo ông Thanh giải thích là trong thời gian làm việc tại Đà Nẵng thì họ đã gắn bó với Đà Nẵng, gắn bó với công việc và đặc biệt là họ sẽ xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái. Đó chính là nguyên nhân giữ người tài ở lại với Đà Nẵng và tại sao Đà Nẵng không bị chảy máu chất xám trong thời gian qua.
Giải quyết tệ nạn, với Đà Nẵng là chuyện nhỏ
Trong khi Hà Nội, TP.HCM hay các đô thị lớn trên toàn quốc đang phải “vật vã” với tệ nạn đua xe trái phép và coi đó là vấn đề nan giải và chưa tìm ra cách giải quyết triệt để, thì đối với Đà Nẵng chuyện này lại trở thành chuyện nhỏ.
Ông Thanh tâm sự “Chúng tôi không phải thức khuya, thức đêm để ngăn chặn nạn đua xe. Với Đà Nẵng, nếu đua xe sẽ bị tịch thu phương tiện bán và xung công quỹ để ủng hộ người nghèo, không có chuyện phạt, gọi điện hay nhờ vả xin xỏ.
Đã nhiều lần Quốc hội chất vấn tôi và cho rằng Đà Nẵng làm sai luật, nhưng tôi đặt câu hỏi lại các đại biểu là đã có luật nào cho phép đua xe? Đua xe không chỉ gây nguy hiểm cho kẻ đua mà còn gây nguy hại cho những người xung quanh nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh tay và đến cùng. Và thế là Đà Nẵng đã từ lâu không bao giờ có tệ nạn đua xe”.
Với người nghiện ma túy, khi phát hiện Đà Nẵng kiên quyết đưa đi tập trung cai nghiện mà không để ngoài xã hội nên đã tránh được nhiều tệ nạn, móc túi, cướp giật và đặc biệt là cướp của giết người.
Không những thế, chính quyền Đà Nẵng còn treo thưởng cho những ai phát hiện ra người nghiện hút chích ngoài đường sẽ được thưởng tiền. Nhưng hình như kể từ khi đề ra quy định này vẫn chưa có ai được thưởng bởi dù người dân “lọ mọ” đến mấy thì cũng khó có ai phát hiện ra người nghiện ngoài đường.
Bí thư thành ủy giảng hòa chuyện bạo hành gia đình
Với vấn đề bạo hành trong gia đình, Đà Nẵng đã có sáng kiến có một không hai đó là đích thân Bí thư thành ủy ký giấy mời và đứng ra gặp hơn 130 ông chồng hay đánh vợ đến để khuyên nhủ.
Sau khi được đích thân Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh ân cần tâm sự và khuyên nhủ thì tất cả các ông chồng trên đều tự nguyện ký vào cam kết sẽ không đánh vợ nữa. Bên cạnh đó các bà vợ hay bị chồng ngược đãi cũng được các cấp hội phụ nữ thành phố tư vấn cách ứng xử làm thế nào để giữ được hạnh phúc gia đình.
Nhờ có những chính sách đặc biệt đó mà việc bạo hành trong gia đình tại Đà Nẵng đã giảm rõ rệt, dịp Tết vừa qua đã có gần 100 ông chồng được thành phố mời đến tặng bằng khen và thưởng tiền với mức 500 ngàn đồng/người.
Một việc làm khá khó và vô cùng tế nhị đó là giáo dục trẻ em chậm tiến thì cách làm của Đà Nẵng cũng khá độc đáo đó là đưa các em tới thăm trại giáo dưỡng, thăm nhà giam phạm nhân lớn tuổi và cuối cùng là cho các em đi du lịch cáp treo tại Bà Nà.
Theo ông Thanh giải thích đó là thành phố muốn các em chứng kiến cảnh phải tù túng vất vả trong tù khi phạm tội và cuộc sống tự do vui tươi ở ngoài, nhằm động viên các em hãy sống tốt để có thể hưởng thụ cuộc sống vui tươi ở ngoài đời. Việc giáo dục này đã phát huy rõ rệt và tỷ lệ trẻ em phạm tội ở Đà Nẵng hiện thấp nhất trong cả nước.
Còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay mà ông Thanh cho rằng đó chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ”.
Tuy nhiên, với những việc làm đặc biệt kể trên cùng với những chính sách “hổng giống ai” như: không tuyển công chức học tại chức, không thu tiền gửi xe trong các bệnh viện, không cho bán hàng bên bờ biển, vận động thành công Nhà nước và nhân dân cùng làm các công trình công cộng, đối thoại định kỳ với các tổ chức tôn giáo, đi tiên phong giải quyết nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp hay kiên quyết từ chối 2 dự án lớn về sản xuất thép và giấy để quyết tâm trờ thành thành phố xanh sạnh đẹp, vì môi trường... cùng biết bao việc làm có ý nghĩa khác không thể kể hết ra đây, thì “ba cái chuyện lẻ tẻ” đó xứng đáng được nhiều địa phương trong cả nước học tập.