Năm 2012 toàn ngành Thanh tra đã xử phạt hành chính và kiến nghị xử lý hàng chục nghìn tỷ đồng; kiến nghị kỷ luật 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển CQĐT xử lý 59 vụ việc, 104 người
Phát hiện vi phạm tích cực hơn, kiến nghị xử lý nghiêm, kịp thời
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy, năm 2012, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính và 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 527.544 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 13.085 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 31.130 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển CQĐT xử lý 59 vụ việc, 104 người.
Riêng, TTCP tiến hành 46 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước.
Đến nay đã kết thúc 37 cuộc; ban hành 24 kết luận thanh tra; kiến nghị thu hồi 17.750 tỷ đồng (đã thu 2.509 tỷ đồng); kiến nghị xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác 29.562 tỷ đồng (đã xử lý được 21.549 tỷ đồng, đạt 72,9%), kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất 48ha và kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định 5.862ha; chuyển CQĐT xử lý 8 vụ.
Đáng chú ý, sau thanh tra, TTCP đã quan tâm, chú trọng thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. Kết quả đã đôn đốc thu hồi được số tiền 2.337 tỷ đồng/4.874 tỷ đồng (chiếm 47,9%); xử lý xong 21.549 tỷ đồng/28.901 tỷ đồng (chiếm 74,56%) đối với các kiến nghị, xử lý khác qua thanh tra tại các Tập đoàn kinh tế, TCty Nhà nước.
Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 2.497 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra (tăng 77,1%), thu hồi 245.288 triệu đồng, đạt 44,6%, (tăng 203%) và 229,8ha đất.
Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công, nhờ đó trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế.
TTCP thường xuyên chỉ đạo tăng cường thanh tra, phát hiện các hành vi tham nhũng. Trong năm 2012, ngành Thanh tra phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104.592 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 104.592 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển CQĐT hình sự 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu. Một số Bộ, ngành, địa phương tích cực phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng như: Hậu Giang, Long An, Nghệ An, Sơn La, Thái Bình…
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo cả nước năm 2012 so với năm 2011 giảm đáng kể về số lượng đơn thư và số vụ việc khiếu nại, tố cáo. TTCP và các Bộ, ngành Trung ương đã tích cực phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Tính đến ngày 25-1-2012, đã rà soát 528/528 vụ việc, trong đó xem xét đủ điều kiện chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt xem xét, thụ lý ngay 415/528 vụ việc (chiếm 78,60%); xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ 41/528 vụ việc (chiếm 7,76%). Hiện TTCP và các Bộ, ngành hữu quan đang thống nhất phương án giải quyết 29/528 vụ việc và giao các địa phương tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền 42/528 vụ việc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Năm 2013, ngành Thanh tra cần tập trung thanh tra các lĩnh vực quan trọng như tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường vàng”.Ảnh M.Quang |
“Tập trung thanh tra các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm”
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được kể trên, TTCP cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả thanh tra chưa cao, xử lý sau thanh tra tỷ lệ còn thấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, kết quả chưa cao; phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế.
Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Năm qua, các mặt công tác của ngành Thanh tra đều có sự chuyển biến tích cực. Chủ động, sâu sát hơn trong việc xây dựng kế hoạch cũng như tiến hành thanh tra. Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Kết luận thanh tra phát hiện được nhiều vi phạm trên các lĩnh vực được Chính phủ và dư luận đồng tình, phát huy được tác dụng, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực, được Chính phủ, dư luận xã hội đồng tình, phát huy được tác dụng, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực. Công tác xử lý sau thanh tra, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết quả thanh tra được quan tâm thực hiện.
Đáng chú ý, ngành Thanh tra đã phát huy được vai trò cốt cán trong việc tham mưu, chủ trì công tác giải quyết công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, rà soát các vụ việc tồn đọng kéo dài; thực hiện tốt việc tham mưu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là dấu ấn quan trọng tác động hiệu quả vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung”.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chất lượng các cuộc thanh tra có nơi còn chưa tốt. Một số kết luận chưa đủ răn đe, chưa đủ kiên quyết. Việc phối hợp trong tiếp công dân có nơi làm chưa tốt, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, một số trường hợp giải quyết chưa đúng pháp luật. Số đoàn đông người tăng so với năm 2011. Kết quả phòng, chống tham nhũng còn khiêm tốn, kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn ít...
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2013, ngành Thanh tra phải chủ động, tích cực, nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó, chú trọng thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường vàng…; kết luận, kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời.
"Kiến nghị, kết luận thanh tra phải công khai minh bạch. Không có cán bộ nào, nhất là cấp trên được can thiệp vào kết luận thanh tra để gỡ tội cho cấp dưới" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo PL&XH