Chết thì đền ít?!
Thời gian qua có quá nhiều thông tin về việc tài xế gây ra tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân trong vũng máu, bản thân ông suy nghĩ gì khi đọc được những thông tin như thế?
Ls Nguyễn Văn Quang: - Tôi rất sợ. Một số vụ án chúng tôi tham gia người ta nói rằng chính chủ doanh nghiệp sử dụng các xe đó họ bảo rằng nếu nó bị thương thì cho nó chết đi, doanh nghiệp còn đền ít.
Bởi vì các chủ doanh nghiệp mới là chủ nguồn nguy hiểm cao độ chứ không phải lái xe. Lái xe chỉ là gây ra tai nạn nhưng liên đới đến chủ nguồn nguy hiểm cao độ là chủ hãng xe.
Quá nhiều vụ tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy để mặc nạn nhân đang cần sự cấp cứu |
Trong Bộ Luật Hình sự quy định tội không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm, hành vi những người bỏ mặc nạn nhân tai nạn trong tình trạng nguy hiểm là vi phạm Luật Hình sự.
Thứ hai, nó cũng liên quan đến đạo đức của người tham gia giao thông do không được giáo dục (về đạo đức, nghề nghiệp) đến nơi đến chốn từ học đường đến ngoài xã hội cho nên mới dẫn đến nhiều tình trạng như vậy. Thậm chí, người ta còn không giúp mà còn đến hôi của.
Theo như tôi được biết, học viên tham gia các khoá đào tạo lái xe, các trường thường dạy rằng trong quá trình gây ra tai nạn thì cần phải cứu giúp người bị nạn, nhưng hầu như lái xe làm ngược lại. Vì sao thế thưa ông?
Những nơi đào tạo người ta đưa những điều này vào trong trường học chỉ mang tính hình thức chứ không quán triệt giống như là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của một con người.
Theo tôi nếu quán triệt được cái đó cao thì ý thức sẽ khác, còn đây chỉ hình thức qua môn thôi.
Họ truyền tai nhau "Chết thì theo luật bồi thường 30 triệu thôi"
Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, trong trường hợp gây tai nạn dẫn đến chết người, luật cho phép trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi gây tai nạn lái xe được phép bỏ trốn để giữ tính mạng trong trường hợp người nhà hay thân nhân của người bị tai nạn có phản ứng quá kích. Nhưng trên thực tế, tài xế vẫn bỏ đi khi không có một phản ứng bức xúc nào từ người nhà nạn nhân, thậm chí không có một ai ở đó. Phải chăng quy định kia chỉ là cái cớ mà tài xế vin vào đó để “nhẹ” tội mình?
Luật đã dự kiến như trong trường hợp gây ra tai nạn mà người đi cùng hoặc gia đình nạn nhân người ta bức xúc. Khi đó người ta đe dọa trực tiếp tính mạng những người gây ra tai nạn được quyền bỏ trốn để bảo toàn tính mạng.
Nhưng nếu như không có những hành vi bức xúc của những người gia đình nạn nhân thì anh phạm tội kia.
Trong dư luận các lái xe thường truyền nhau câu chuyện rằng khi chẳng may họ cán phải một ai đó sẽ cán cho đến chết. Bởi nếu nạn nhân chết đi, tài xế chỉ phải chịu phạt một tội và đền bù một khoản tiền là xong. Nhưng nếu để nạn nhân sống, không những phải chịu tội mà họ còn phải có thể nuôi cả đời nạn nhân. Phải chăng chính vì lối suy nghĩ ấy nên đã có rất nhiều những vụ tai nạn tài xế cán qua cán lại nhiều lần khiến nạn nhân tử vong đã xảy ra?
Trong quá trình hành nghề luật sư của tôi, tôi gặp rất nhiều trường hợp gây ra tai nạn giao thông. Khi tiếp xúc với những đối tượng gây ra tai nạn giao thông, các tài xế container thì có hiện tượng như thế về mặt đạo đức.
Tức là người ta suy nghĩ rằng, chết, theo luật, chỉ bồi thường 30 triệu thôi, còn bị thương bồi thường hàng trăm triệu vẫn chưa xong. Cứ người nọ bảo người kia như vậy.
Còn đa số những lái xe khác, nhất là không phải dân lái xe tải chuyên nghiệp lúc đó 90% người ta cuống chứ người ta không muốn như thế.
Cảm xúc của ông khi nghe những tài xế vận tải chuyên nghiệp bộc bạch những lời như vậy?
Đau điếng. Bởi tôi thấy người mình đang bảo vệ là thân chủ của mình không đáng để bảo vệ nữa.
Và sau những lần như thế, không nói hết ra nhưng chúng tôi sẽ hướng những điều có lợi nhất cho nạn nhân chứ không làm lợi nhất cho thân chủ của mình. Tất nhiên chỉ về mặt tiền bạc thôi chứ luật sư chúng tôi không được làm điều trái đạo đức, làm cho tình trạng thân chủ xấu. Chúng tôi chỉ làm lợi cho nạn nhân về mặt tiền bạc.
Nên sửa luật
Với những tài xế cố tình có những hành động cán chết người bị nạn luật sẽ xử như thế nào?
Thực ra, những tài xế như thế cũng không có chế tài và không có luật. Người ta chỉ có mỗi một vi phạm điều 202 Bộ Luật Hình sự là vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, gây ra cái chết, gây ra hậu quả nghiêm trọng thôi chứ không có cái cố tình.
Bởi sau lúc đó người ta chỉ nói đấy là một tai nạn thôi chứ không ai người ta nói rằng tôi cố tình giết. Cố tình giết là phạm tội giết người chứ không phải vi phạm điều 202.
Theo ông, qua đây chúng ta có nên sửa luật hay không để đảm bảo tính công bằng cũng như răn đe, ngăn chặn lối suy nghĩ đó?
Tôi cũng cho rằng phải nên sửa luật. Bởi điều 93, tội giết người quy định đó phải là hành vi ý thức chủ quan anh muốn người ta chết là anh giết người.
Nhưng những hành vi của người tham gia giao thông cũng có ý thức chủ quan để giết người mà không có luật nên mình chỉ quy là vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ thôi. Theo tôi nên sửa luật.
Cụ thể, chúng ta phải sửa như thế nào?
Khi đã điều tra trên hiện trường và lấy lời khai của nhân chứng liên quan mà thấy hành vi của người vi phạm giao thông không phải là vô tình, không phải là tai nạn nữa, đấy cũng là hành vi.
Khi xảy ra tai nạn còn cố tình đâm người ta chết thì đó là hành vi giết người. Luật phải sửa đổi, bổ sung để xã hội công bằng hơn và đạo đức của người tham gia giao thông sẽ được nâng cao rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phunutoday