Lật mặt gã sư giả xin tiền ở Suối Tiên

Thứ sáu, 04/01/2013, 15:55
Sau gần 2 ngày ẩn tích, lúc 4h chiều 3/1, anh chàng sư giả bị phát hiện vào Tết dương lịch xuất hiện với nụ cười tươi, tay cầm cốc nhựa màu nâu lượn lờ gần cầu vượt Khu du lịch Suối Tiên để xin tiền.

Anh chàng tếu tếu và…  thích con trai

Sau gần một ngày “mục kích” bên cầu vượt dành cho người đi bộ tại Khu du lịch Suối Tiên (quậnThủ Đức, TP.HCM), chúng tôi thấy sư giả bước lên cầu với vẻ hoan hỷ.

“Sư” mặc quần áo màu trắng nhạt, trên tay cầm cốc nhựa, đeo khẩu trang. Hai người bán hàng trên cầu trêu "sư" rằng “anh vừa được lên báo đó” rồi cho xem ảnh và thông tin. Lúc này vẻ mặt của anh ta thay đổi hẳn.

sư giả
Gã sư giả “hành nghề” tại khu du lịch Suối Tiên hôm 1/1.

Nhưng ngay lập tức, “sư” tỏ ra như không có chuyện gì xảy ra rồi ghé mắt xem mấy nam thanh niên đứng trên cầu chụp ảnh dòng xe dưới đường. Sau đó “sư” nói chuyện với phụ nữ cũng giả bệnh đang ăn xin trên cầu, rồi xuống hàng bánh tráng trộn mua một bịch vào quán quen gần đó. Vừa ăn, anh chàng vừa nghe điện thoại, rồi ngó nghiêng trước sau, mắt đảo như… rang lạc.

Có thể biết chúng tôi đang theo dõi hành tung, nên “sư” ra khỏi quán, tới trước cổng khu du lịch bắt xe ôm chạy về hướng ngã tư Vũng Tàu, Đồng Nai.

Tìm hiểu thì được biết lộ trình của “nhà sư” này: từ thứ hai đến thứ sáu, khoảng 4 - 5h chiều là “sư” tới đây “hành nghề”; thứ bảy, chủ nhật, hay ngày lễ thì "trụ trì" cả ngày vì thời gian này có nhiều người tới đây vui chơi.

Nhiều người bán hàng ở khu vực này rất hồ hởi kể về anh chàng “sư” nhiều trò mà theo họ là quái đản. Cô Hòa (quê Hà Nam) thuê nhà bán hàng ở chân cầu vượt, kể: “Tôi thường chứng kiến anh ta giở nhiều trò “ma”, như chặn xe, lân la tiếp chuyện người vừa dừng xe máy, chủ yếu là xe tay ga, nhất là nam thanh niên trẻ, rồi xin tiền, xin số điện thoại.

Khá nhiều người cho 10.000 - 50.000 đồng. Khi tôi nói với họ đó là sư giả, nhưng không ai tin. Nhà tôi có chỗ cho đi vệ sinh với phí là 2.000 đồng/lần, nhưng “sư” xin đi chịu, bảo mai trả rồi quỵt luôn”.

Theo cô Hòa, buổi trưa “sư” hay vào quán sang để ăn, lúc nào cũng uống lon bò húc (Red Bull), vừa uống vừa ăn rất ngon lành. “Anh ta còn dò la giá đất đai ở khu vực này".

sư giả
Vừa bước lên cầu vượt bộ hành, "sư" lân la tới các nam thanh niên
để buôn chuyện và làm quen hôm 3/1.

Không chỉ cô Hòa, nhiều người kể chuyện vừa buồn cười vừa bức xúc về “nhà sư”. Cô bán hàng lưu niệm trước cổng khu du lịch cho hay anh ta tếu lắm, hay đi lung tung, làm nhốn nháo cả khu vực, trông như “pê đê”, mọi người ở đây thường gọi là “thầy pê đê”.

“Thầy” hay nói “thầy” trên núi vừa xuống, cho “thầy” mấy chục ngàn để mua gạo. Nhưng khi người ta cho rồi thì “thầy” xin thêm thêm mấy chục ngàn nữa. Khi thấy nhóm nam thanh niên nào đứng đấy là “thầy” lại bắt chuyện, rồi níu áo “cho anh xin số điện thoại”.

Anh chàng vẽ tranh cạnh chị bán hàng lưu niệm tiếp chuyện: “Anh ta thích con trai lắm, cứ thấy trai là áp sát vào, nhưng khi có công an tới là lẩn mất. Chúng tôi chụp ảnh dọa đăng lên mạng nhiều lần mà anh ta không sợ”.

Cũng theo anh thợ vẽ tranh, có khi “sư” bắt xe ôm đi chỗ khác hành nghề. Trong túi có nhiều quần áo đủ màu và thau bằng inox, nhựa. “Gần 2 ngày rồi anh ta mới lên đây. Mấy hôm Tết dương lịch, anh ta dùng chiêu “thành kính” nhận bố thí nên chắc trúng quả đậm. Chủ nhật vừa rồi anh ta còn bắt chuyện với 3 nữ sư mặc đồ trắng lần đầu tiên xuất hiện ở đây, khả năng cũng là sư giả”. Tuy nhiên, khi hỏi về lai lịch gã sư này thì không ai biết.

Thật giả lẫn lộn

Theo nhiều người buôn bán trước cổng khu du lịch Suối Tiên, cứ mỗi dịp cuối tuần hay lễ tết, đội quân sư giả, ăn xin kéo về đây rất đông.

sư giả
Người phụ nữ giả bị thương “đón khách” ở đầu cầu phía Q.9.

Cô Năm (ở Hố Nai, Đồng Nai), bán hàng gần đó, cho biết thời gian trước tại đây có mấy sư ông, sư bà lớn tuổi, họ chỉ nhận nếu ai bố thí thành tâm chứ không chạy lung tung như chàng sư giả. Có ông sư mang thẻ của một chùa kể rằng vì nhà chùa phải nuôi hơn 70 em nhỏ ăn học, các khoản chi tiêu lớn nên cho các sư đi nhận bố thí một năm nay, nếu có chuyện gì thì gọi điện về nhà chùa phản ánh.

“Ranh giới thật, giả được phân chia trên cầu vượt bộ hành, phía bên quận 9 là nơi sư giả với người giả bệnh “làm việc”, tập trung đông nhất là thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Còn bên cầu quận Thủ Đức là nơi “đóng quân” của nhiều đứa trẻ bị khờ khờ và ông lão bị cụt tay”, cô Năm cho biết.

Quan sát người phụ nữ ăn xin chừng 50 tuổi ở đầu cầu và qua trao đổi với người buôn bán xung quanh, chúng tôi được biết ngày nào bà ta cũng dán băng thương vào mũi, tay, chân, ăn mặc rách rưới, dơ bẩn để xin tiền.

Bà thường cầm mấy tờ vé số cũ, sổ dò vé số để qua mặt các cơ quan chức năng khi kiểm tra. Khi chúng tôi hỏi vé số đâu để mua vài tấm thì bà ta nói không có, chỉ ngồi đây chơi vậy thôi. Theo quan sát trong vòng 2 giờ, có khá nhiều người cho bà ta tiền.

Anh H., bán hàng gầ­­n khu vực này 5 năm, cho biết thời gian vừa rồi có người bồng con mới sinh vài tháng đứng giữa cầu cùng với cái rổ để xin tiền, trong khi trời nắng chang chang. Còn đứa con mới gần 3 tuổi, chân trần chạy giữa nắng, ai đi qua thì giật đồ ăn. Người dân gần đó thấy tội nên bảo người này nên để 2 đứa nhỏ ở nhà, nếu không thì sẽ báo công an, nhưng chị ta nói “con tôi kệ tôi”.

Nhiều người ở khu vực này cho hay, mấy ngày lễ vừa rồi, người ta cho nhiều lắm, đứa trẻ 3 tuổi kiếm được gần một triệu đồng/ngày, mà ai cho tờ 10.000 đồng trở lên mới lấy, còn ai “không thiện tâm” rút tờ 2.000 hay 5.000 thì không lấy.

Lời kể của người từng "hộ tống" kẻ giả bệnh đi ăn xin Cô Năm kể: “Thời gian trước đời sống còn khổ nên tôi có theo một bà ở Hố Nai giả bị ung thư vú để xin ăn. Công việc là hằng ngày dắt người này đi ăn xin, tiền xin được chia theo tỷ lệ đã thống nhất trước đó.

Mỗi ngày bà này kiếm hơn một triệu đồng. Nhiều khi đi qua đường bả cứ lao đi vun vút, người ta thấy thế chửi tôi sao không chăm lo cho người bệnh tận tình, họ có biết đâu bả chỉ giả bị bệnh thôi.

Nhiều lúc bị công an kiểm tra, nhưng bà ta chìa ra giấy khám ung thư là xong. Mỗi khi ra đường hành nghề, bà ta lấy băng quấn quanh ngực, lấy thuốc mỡ bôi lên, trông rất giống với người bị ung thư vú.

Cái giấy khám bệnh ung thư là giấy thật của một người bị bệnh đã chết, bà ta chỉ dán hình của mình vào thôi. Sau một thời gian giả danh ăn xin, nghĩ lại tôi thấy hổ thẹn nên giải nghệ.



Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích