Phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoàn – Vụ phó Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư liên tịch về việc đặt tiền hoặc tài sản đảm bảo để thay thế tạm giam sắp được ban hành.
Quy định này có ý nghĩa thế nào đối với quá trình tố tụng, thưa ông?
- Ngay từ khi đặt ra Điều 93 BLTTHS, Nhà nước đã hướng tới lợi ích xã hội trong quá trình tố tụng. Trước đó đã có biện pháp bảo lãnh là bằng uy tín do tổ chức hoặc từ 2 người trở lên đứng ra thực hiện.
Với biện pháp đặt tiền hoặc tài sản quy định trong BLTTHS, sẽ có thêm biện pháp để áp dụng ngăn chặn với bị can, bị cáo trong quá trình họ bị điều tra, truy tố.
Về bản chất, 2 biện pháp này giống nhau: Đặt tiền hoặc tài sản bảo đảm để người phạm tội được tại ngoại, khi các cơ quan tố tụng triệu tập, họ phải có mặt không được trốn tránh. Ý nghĩa lớn nhất của biện pháp này là giảm tải cho các nhà tạm giam hiện nay.
Việc đặt tiền hoặc tài sản để được tại ngoại không áp dụng đối với tội phạm tham nhũng. Ảnh minh họa.
|
Những nhóm tội phạm nào sẽ được xem xét áp dụng việc đặt tiền hoặc tài sản để thay thế tạm giam, thưa ông?
- Thứ nhất, xét theo nhóm tội, với nhóm tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, chống loài người, tội phá hoại hoà bình, tội phạm chiến tranh không thuộc phạm vi áp dụng.
Với nhóm tội phạm về ma túy; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; xâm phạm quyền sở hữu như tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; xâm phạm quản lý kinh tế; tội phạm chức vụ, nếu người phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất 15 năm tù) hoặc đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt từ 15 năm tù đến chung thân hoặc tử hình) thì không được xem xét.
Đối với tội về chức vụ thì nhóm tội phạm tham nhũng cũng không được xem xét.
Thứ hai, các cơ quan tiến hành tố tụng xét theo tính chất phạm tội, nếu thuộc dạng chuyên nghiệp hoặc đối tượng trốn truy nã mà bắt được thì không được áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Hoàn – Vụ phó Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp
|
Theo đánh giá của ông, khó khăn lớn nhất cho cơ quan chức năng khi áp dụng biện pháp này là gì?
“Tiền và tài sản đem đặt phải được chứng minh là hợp pháp. Khi bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của mình thì số tiền, tài sản đặt đảm bảo sẽ được trả lại”. Ông Nguyễn Văn Hoàn |
- Có lẽ khó khăn lớn nhất đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là định giá tài sản.
Theo thông tư hướng dẫn, những loại được đặt tiền, tài sản để đảm bảo gồm 3 loại: Một là tiền Việt Nam, hai là kim loại quý, thứ ba là đá quý. Sở dĩ quy định như vậy là để thuận lợi cho việc thực thi.
Với đá quý và kim loại quý, trước khi gửi vào thì phải tổ chức định giá. Việc định giá để xem tài sản đó có tương ứng với số tiền để được áp dụng biện pháp này hay không.
Tiền và tài sản đem đặt phải được chứng minh là hợp pháp. Khi bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của mình thì số tiền, tài sản đặt đảm bảo sẽ được trả lại.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet