"Đưa thầy lên mạng xã hội là vi phạm đạo đức và pháp luật"

Thứ bảy, 12/01/2013, 16:34
PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Hồng Thanh, Phó tổng thư ký TW Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Giáo dục và Đào tạo.

Báo động sự lệch lạc nhân cách một bộ phận học sinh

Nhiều người cho rằng, việc cho học sinh thôi học, giao cho gia đình quản lý là một sự thất bại của ngành giáo dục. Bản thân các thầy cô cũng phải nhìn nhận trách nhiệm của mình. Quan điểm của ông thế nào?

Quan hệ giữa nhà giáo và người học,  ở đâu cũng vậy và bao giờ cũng vậy, là quan hệ giữa dạy và học, giữa thầy và trò. Đó là một dạng quan hệ đặc biệt trong quan hệ xã hội, quan hệ giữa người và người, nếu quan hệ này bị phá vỡ thì đó là nguy cơ không nhỏ không những làm tha hóa các giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc và của nhân loại mà còn là nguy cơ cho sự tồn vong và phát triển tương lai.

Chính vì vậy hiện tượng trên không thể không gây ra sự lo lắng nhất định, báo động về nhân cách của một bộ phận học sinh.

Giáo dục phổ thông nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thì vai trò và vị thế của nhà giáo cần được xem trọng. Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.

Chính vì vậy nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ năng lực giảng dạy và phương pháp sư phạm, nêu gương tốt cho người học, đồng thời Nhà nước phải có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học.

Bản thân mỗi con người sinh ra và lớn lên trở thành công dân tốt là sản phẩm của xã hội, đất nước và thời đại để họ kế tiếp nhau nắm giữ tương lai.

thoa ma

PGS. TS Chu Hồng Thanh.

Hiện nay đã hình thành trào lưu chửi giáo viên trên mạng, nhiều học trò còn lập cả hội trên Facebook để kể tội thầy cô. Điều này cho thấy phương pháp giáo dục cũng như mối quan hệ thầy trò chưa thật sự hiệu quả. Ông có ý kiến gì trước hiện tượng đáng buồn này?

Nhà giáo có nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường.

Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;  không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Đồng thời nhà giáo có  quyền được giảng dạy, được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và  được bảo vệ nhân phẩm, danh dự theo quy định tại Điều 73 của luật Giáo dục, và có các quyền con người, quyền công dân như mọi thành viên trong xã hội.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đòi hỏi cao đối với nhà giáo phải giữ vững phẩm chất của người thầy thì việc bảo vệ danh dự của nhà giáo cần được Nhà nước và xã hội quan tâm nhiều, hiện nay  việc này gần như đang bị xem nhẹ.

Bản thân hoạt động giáo dục là tổ hợp các hoạt động xã hội đặc thù mang tính tổ chức rất cao và rất phức tạp, phải có hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ để điều chỉnh lĩnh vực này, thực hiện sống, lao động và học tập theo Hiến pháp và pháp luật.

Chúng ta đã có luật Giáo dục điều chỉnh các quan hệ dạy và học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã có hệ thống nghị định, thông tư, các điều lệ, quy chế phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa thầy và trò, quan hệ giữa dạy và học, trong đó đã có những quy định khá cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của người học.

Vấn đề đáng quan tâm là thực hiện các quy định ấy như thế nào, không để những quy định ấy chỉ nằm trên giấy hoặc cất giữ trong ổ cứng, ổ mềm vi tính.

Hành động của trò vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật

Hiện nay, mạng xã hội khá phát triển, học sinh có thể thoải mái bày tỏ quan điểm của mình về thầy cô, nhà trường mà không hề nghĩ ngợi. Từng nhiều năm công tác trong ngành pháp chế, theo ông, ngành giáo dục có nên ban hành những văn bản quy định cụ thể về việc xử lý những trường hợp này không?

Điều 88 luật Giáo dục quy định các hành vi người học không được làm bao gồm: 1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học khác; 2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

3. Hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học; gây rối an ninh, trật tự trong cơ sở giáo dục và nơi công cộng... Việc phát tán thông tin tập hợp bạn bè để xúc phạm người thầy đã vi phạm nghiêm trọng luật Giáo dục và kỷ luật học đường, cần phải  được ngăn chặn kịp thời.

Một số khác bày tỏ quan điểm, học sinh cũng có quyền nhận xét thầy cô. Nhưng cơ chế trong nhà trường lại không có "kênh" phản hồi nào giúp học sinh phản ánh, đánh giá. Theo ông, điều này có thể gây những hậu quả gì?

Đúng là học sinh cũng có quyền nhận xét thầy cô, nhưng chưa có quy định về quyền này nên dĩ nhiên các em sẽ phải tìm đến sử dụng "kênh" không chính thức khác đó là mạng xã hội vì ở đó có nhiều "không gian mở" để thể hiện cảm xúc. Điều 86 luật Giáo dục quy định về các quyền của người học, trong đó khoản 6 Điều 46 quy định rõ.

Người học "Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường, cơ sở giáo dục khác các giải pháp góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học; Đồng thời người học và gia đình người học có quyền và có thể thực hiện việc khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Như vậy việc đưa người thầy lên mạng để đả kích tự do như các hành vi trên là vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật.

Xin cảm ơn ông!    

Theo Nguoiduatin      

Các tin cũ hơn