Lạ lùng hai làng: Chơi công, không chơi tư

Thứ bảy, 12/01/2013, 15:55
Cách nhau chỉ một con sông, nhưng đã hàng thế kỷ nay, trai gái của hai ngôi làng thuần nông là Kim Thượng (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Châu Lỗ (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) không bao giờ nghĩ đến chuyện kết duyên. Và cũng lạ lùng hơn, khi cả hai làng đều nhất nhất theo câu cửa miệng: Chơi công, không chơi tư.

Con trâu trắng làm nên lời nguyền...

Thật hiếm có nơi nào lại chứa đựng nhiều yếu tố vừa mâu thuẫn, vừa hòa hợp như tại Kim Thượng và Châu Lỗ. Làng này nhận làng kia là anh em, giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn và không bao giờ tính toán thiệt hơn. Tuy nhiên, người hai làng lại không bao giờ qua lại với nhau, và hiếm xảy ra chuyện nam nữ hai làng kết duyên cùng nhau. Chuyện tưởng như nghịch lý đã đeo bám trong đầu chúng tôi cuối cùng cũng được làm sáng tỏ, khi chúng tôi được gặp cụ Nguyễn Văn Bách - một cao niên thôn Kim Thượng - kể cho nghe chuyện xưa.

Theo cụ Bách, tương truyền thời xa xưa, làng Kim Thượng mổ trâu mừng hội dâng lên thành hoàng làng để cầu mong được mưa thuận gió hòa đến với dân làng. Bất ngơ, con trâu đã thoát dây và chạy mất. Người dân bủa đi tìm kiếm khắp làng, nhưng vẫn vô vọng. Lại nói về con trâu mộng trắng, sau khi thoát khỏi dây, cứ nhằm hướng mặt trời mọc mà lao tới.

Vượt qua sông, qua ruộng, qua làng và chạy đến trước cửa ngôi đền làng Châu Lỗ - nơi thờ hai tướng Trương Hống, Trương Hát rồi nằm đó. Thấy trâu trắng lạ nằm trước đền, mà dắt thế nào cũng không đi, người làng Châu Lỗ cho là điềm thiêng. Biết chuyện, các cụ tiên chỉ làng Kim Thượng bèn sắm lễ mang sang làng Châu Lỗ xin chuộc trâu về. Song, người làng Châu Lỗ không những không nhận lễ vật mà còn tận tình giúp làng bên đưa trâu về an toàn.

Cảm kích trước hành động của dân Châu Lỗ, làng Kim Thượng xin được kết chạ và nhận nhau làm anh em, thề đời đời sát cánh cùng nhau. Và trong số những lệ đó, có cả những cấm kỵ khắt khe mà sau này trở thành lời nguyền ám ảnh bao thế hệ trẻ: Trai gái hai làng không được lấy nhau.

Cũng theo cụ Ngô Văn Xuyên - người già nhất làng - kể lại, hương ước ghi rõ: “Dân hai làng gặp nhau không được bàn việc riêng, dân nhập cư phải sau 3 đời mới được tham gia vào việc kết nghĩa, nếu vi phạm những điều này sẽ bị trục xuất khỏi làng”. Vừa nói, ông vừa chỉ cho chúng tôi tủ tài liệu lịch sử kết nghĩa hai bên được lưu giữ cẩn thận.

Lệ làng khó trái

Theo giải thích của người dân, “chơi tư” chỉ các mối quan hệ cá nhân riêng lẻ, còn “chơi công” là mối quan hệ chung, chỉ được diễn ra tại đình làng, chứ không được tại nhà riêng. “Đây là 1 trong 5 quy định của hai làng. Dù có bất kỳ công việc gì dù nhỏ hay to cũng đều phải ra làng bàn bạc cấm chỉ tuyệt đối tới nhà nhau. Ai vi phạm sẽ bị làng phạt” - cụ Xuyên cho hay.

hai lang khong lay nhau
Bản hương ước của hai làng được lưu giữ tại đình.


Qua hàng trăm năm, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng quy định này vẫn tồn tại. Bên cạnh những mối quan hệ tốt được duy trì, một số cam kết ghi trong hương ước cũng gây không ít phiền hà cho người dân, nhất là đến chuyện tình cảm của nam nữ hai làng. Anh Nguyễn Hùng - một thanh niên làng Châu Lỗ - chia sẻ: “Hồi nhỏ, mình vẫn bị bố mẹ nhắc nhở phải yêu quý mọi người làng bên, nhưng tuyệt đối không được chơi và càng không được kết giao với con gái bên đó”.

Cũng từ lệ xưa, nhiều thế hệ thanh niên hai làng đã không ít phen dở khóc, dở cười khi biết rằng đối tượng của mình lại nằm trong “vùng cấm”. Từng là “nạn nhân” của lệ xưa, anh Nguyễn Công Hùng - chủ quán ăn tại làng Kim Thượng - kể: “Hồi còn thanh niên, chúng tôi cũng từng xảy ra xô xát với người làng khác, nhưng khi biết người làng Châu Lỗ, cả đám lại xin lỗi nhau rồi mấy đứa về làng trình và ra đình chịu phạt”.

Theo ông Dương Đức Trung - Chủ tịch UBND xã Kim Lũ - về sự việc này xã cũng có nghe đến, nhưng không tìm hiểu nhiều và chưa bao giờ phải can thiệp. “Do tục của làng không ảnh hưởng đến quy định chung của địa phương nên xã cũng không ngăn cản. Trái lại, chúng tôi còn tạo điều kiện khuyến khích người dân hai làng tham gia hội họp cùng nhau để giúp nhau trong cuộc sống, sản xuất” - ông Trung cho hay.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích