TS Mỹ học: Chọn Quốc phục mới có diện mạo dân tộc

Thứ tư, 16/01/2013, 07:05
"Nếu chọn, tôi sẽ chọn chiếc áo dài Việt Nam làm Quốc phục. Với áo dài, bản sắc của Việt Nam không thể trộn lẫn. Đẹp nhất, gợi cảm nhất" - Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng.

 quoc phuc

 TS Nguyễn Thế Hùng

Vừa qua Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức hội thảo Quốc phục VN. Đây là lần thứ 3 trong nhiều năm trở lại đây việc tìm Quốc phục được bàn thảo, tốn không ít giấy mực của báo chí cũng như công sức của các nhà nghiên cứu. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, quan điểm của ông về điều này như thế nào? Theo ông, việc lựa chọn Quốc phục có là điều cần thiết?

- Rất cần thiết. Phải khẳng định là như vậy. Một nước phải có Quốc ca, Quốc kỳ và bây giờ là Quốc phục. Bởi Quốc phục là mang bản sắc dân tộc để tạo ra sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Và đó là sự sống còn giữa văn hóa và truyền thống.

Một nước mà không có nét riêng trong văn hóa, không có bản sắc văn hóa sẽ nhạt nhòa, chúng ta không còn diện mạo, không còn chân dung một dân tộc Việt Nam trong con mắt của nhân loại. Chúng ta tôn vinh và khôi phục Quốc phục chính là thực hiện đúng đường lối của Đảng là bảo vệ và duy trì bản sắc văn hóa và dân tộc.

Bản sắc văn hóa dân tộc là một bát hương trên bàn thờ, là nơi thiêng liêng nhất, là tinh túy của cha ông nếu mất đi thì không có gì để bàn.

Vì thế tôi ủng hộ việc chọn Quốc phục để khẳng định một nét văn hóa đặc trưng Việt Nam với cộng đồng thế giới, khẳng định tiếng nói của dân tộc ta.

Trên thế giới, các nước có bao giờ lựa chọn Quốc phục như vậy không, thưa TS?

- Trên thế giới đã có rất nhiều dân tộc làm trước ta. Ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản họ đều có Quốc phục cả và đó là niềm tự hào của họ thì tại sao Việt Nam lại không có Quốc phục?

Vậy TS đề xuất như thế nào về bộ quốc phục của Việt Nam hiện nay?

- Nếu chọn, tôi sẽ chọn chiếc áo dài Việt Nam làm Quốc phục. Với áo dài, bản sắc của Việt Nam không thể trộn lẫn. Đẹp nhất, gợi cảm nhất.

Áo dài Việt Nam thường được may bằng vải lụa, mỏng ôm lấy dáng của người phụ nữ. Như vậy, bộ áo dài Việt Nam khoe được cái đẹp, cái dịu dàng, thùy mị của người con gái Việt Nam. Nên tôi chọn áo dài Việt Nam làm Quốc phục, nhưng phải là áo dài truyền thống ngày xưa chứ không phải áo dài bây giờ.

Dựa vào quy chuẩn nào TS lại chọn áo dài làm Quốc phục?

- Tôi dựa vào tính phổ quát của nó rất cao. Hầu như các cô gái Việt Nam đều chọn và rất thích mặc áo dài.

Thứ nữa, tà áo dài đó mang truyền thống từ xưa đến nay, bao nhiêu đời, bao nhiêu thế kỷ rồi. Nó ăn vào máu thịt của người dân Việt Nam rồi. Bây giờ có cải tiến thì người ta vẫn giữ cái gốc, cái bản sắc, hồn cốt của nó. Nó đẹp và cả dân tộc đều ưa chuộng thì không có lý gì lại không chọn áo dài.

Áo dài xuất hiện từ giữa thế kỷ 20, và như ông thấy nó ngày càng hở lộ và ngày càng mất đi vẻ trong sáng. Liệu áo dài còn xứng đáng được lựa chọn làm quốc phục Việt Nam?

- Dù nó được cách tân bởi các nhà thiết kế hiện đại thì áo dài Việt Nam vẫn giữ được nét đẹp chung nhất, đẹp nhất mà không một loại quần áo nào vượt qua nó. Họ vẫn phải bám vào những nét cơ bản như xưa của tà áo dài truyền thống để mà cách điệu nó. Nhưng nếu tách nó ra, cách điệu quá thì không còn là áo dài. Cho nên, dù cách điệu như thế nào vẫn giữ được hồn cốt của nó, dáng của nó.

Cho nên, còn người Việt Nam thì còn áo dài.

TS nghĩ sao khi nhiều người cho rằng nên chọn yếm làm Quốc phục?

- Rõ ràng yếm là bộ áo lót gợi cảm nhất, trữ tình nhất, lãng mạn nhất và siêu gợi cảm. Nhưng yếm đó không thể mặc trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp. Và không ai đi ra nước ngoài mặc yếm cả. Không thể mặc trong lễ hội, trong hội nghị, trong khoa học, trong đối tiếp, ngoại giao được. Dù yếm rất đẹp và có từ xa xưa nhưng không thể dùng nó một cách đại trà được, nó không có tính phổ quát.

Áo dài có thể đi bất cứ nơi đâu, càng đi ra quốc tế càng phải mang áo dài Việt Nam ra để cho họ biết áo dài Việt Nam đẹp như thế nào.

Đối với nữ thì đã có trang phục như vậy, còn với nam giới thì chúng ta phải lựa chọn như thế nào cho xứng là Quốc phục? Theo như Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm đưa ra, để tìm mẫu Quốc phục cho nam giới, vẫn cứ dựa vào trang phục truyền thống, đề cao mô típ "áo the khăn xếp", "áo dài khăn đóng" ông nghĩ sao?

- Áo the khăn xếp là hợp lý vì nó mang tính trang trọng trong lễ hội và đậm đà tính dân gian. Tuy nhiên trang phục này không mang tính phổ quát nên chỉ mặc trong ngày đình đám, lễ hội, không thể mặc thường ngày. Nó có thể so sánh với comple của phương Tây.

- Xin cảm ơn TS!

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Quốc phục là sự lựa chọn tự nhiên của dân tộc

Mỗi dân tộc trong quá trình phát triển đều có những tiến trình phục trang nhất định, là hình ảnh văn minh và phân biệt tính độc lập của dân tộc đó.

Đương nhiên khi chung sống ảnh hưởng về phục trang giữa các dân tộc không nhỏ, nên không phải dân tộc nào cũng có một bộ phục trang hoàn chỉnh, đôi khi chỉ là một dấu ấn trên khăn, hay quần áo.

Việc chọn Quốc phục là cần thiết, nhưng không cần thiết rầm rộ, tốn kém, thi cử. Ai cũng biết rõ chiếc áo dài tân thời của phục nữ, bộ áo the khăn xếp của đàn ông có vẻ mang tính truyền thống nhất, còn nếu không ăn mặc trang trọng vẫn là bộ comple ảnh hưởng từ phương Tây, dù không phải là phục trang truyền thống Việt Nam.

Chiếc áo dài được các họa sỹ Cát Tường và Lê Phổ cải tiến từ chiếc áo tứ thân và hai thân truyền thống những năm 1930, ban đầu cũng khác nhiều áo dài bây giờ (tay bồng), nhưng dần dà được nhiều thợ may cải biến thêm mà thành như ngày nay.

Ý tưởng của nó là truyền thống trong tân thời, tức là đưa yếu tố hiện đại vào đó, tôn vinh vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ, thay vì chỉ có che đậy như áo cổ. Ý tưởng đó đã thành công nên chỉ trong thời gian ngắn, chiếc áo dài tân thời đã thay thế hoàn toàn chiếc áo tứ thân xưa, cho đến tận ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Tôi nghĩ phục trang truyền thống vốn được lựa chọn tự nhiên bởi chính dân tộc đó, không có gì mà phải lựa chọn lại. Sự lựa chọn lại thực ra là biểu hiện của thiếu tin tưởng cái đó có đúng là dân tộc hay không.

Cái đã là biểu tượng hay tiêu biểu, truyền thống vốn là đương nhiên, cho đến khi xuất hiện một kiểu mẫu thuyết phục khác, ví dụ như chiếc áo dài phụ nữ năm 1930, ngày nay trở thành truyền thống. Người Thụy Điển nói: truyền thống là thay đổi.

Lúc nào cũng có những việc chưa cần thiết được nống lên rầm rộ. Thực tế cần làm trước, nhất là ở quy mô quốc gia.

Quốc phục là sự lựa chọn tự nhiên của dân tộc, tôi không dám có ý kiến.

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn