Theo nhiều nhà khoa học, cà gai leo còn có tên khoa học là Solanum Hainanenes Hance. Ở mỗi địa phương cà gai leo còn được gọi là cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, gai cườm, chẻ nam (Tày), brongoon (Bana). Tơ của cà gai leo có màu trắng, hai mặt đều có gai ở gân.
Thông tin từ cuốn từ điển 1000 cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1, NXB. Khoa học Kĩ thuật) cho biết: Rễ và lá của cà gai leo mọc ở Việt Nam có chứa Cholesterol, lanosterol, dihydrolanostero nên cà gai leo có vị hơi the, đắng, tính ấm, có độc với tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau cầm máu.
Với những đặc điểm nói trên, trong Đông y, cà gai leo được dùng để trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, dị ứng.
Cụ thể là bệnh viện Hưng Nguyên ở Nghệ An đã chữa khỏi hoàn toàn 14 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có một trường hợp bị nặng (trích theo thông tin từ từ điển 1000 cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1). Ngoài ra, cà gai leo còn được dùng để chữa bệnh tê thấp, ho, ho gà. Đặc biệt, người dân ở một số nơi dùng cà gai leo để chữa say rượu.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ủy viên ban chấp hành Hội dược liệu TP.HCM |
Trước những tin đồn của các thương lái cho rằng, cà gai leo có tác dụng chữa bệnh ung thư gan, lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ủy viên ban chấp hành Hội dược liệu TP.HCM khẳng định: "Trong tất cả các công dụng của cà gai leo thì không có công dụng nào cho thấy cà gai leo có thể chữa được bệnh ung thư gan.
Và cho đến nay chưa có một công trình khoa học nghiên cứu và khẳng định giá trị chữa bệnh ung thư gan của cà gai leo. Điều đó có nghĩa là những thông tin cà gai leo có khả năng chữa bệnh ung thư gan chỉ là nhưng tin đồn thiếu khoa học thực chứng".
Bên cạnh đó, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng, bất kì một loại cây thuốc nào để có tác dụng cũng cần phải có sự hướng dẫn, chỉ định sử dụng đúng liều lượng của những người có chuyên môn. Cà gai leo cũng như nhiều cây thuốc khác mặc dù có nhiều tác dụng chữa bệnh nhưng nếu uống quá liều lượng nó sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như ói, say, tím tái người.
Tuy nhiên, ở mỗi bệnh nhân những tác dụng phụ này lại có những biến chứng khác nhau. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, người dân đổ xô đi mua cây dược liệu về chữa bệnh đồng nghĩa với việc có nhiều người quan tâm đến công dụng chữa bệnh của cây thuốc. Tuy nhiên, việc khai thác bừa bãi, khai thác không có bảo tồn hàng loạt như trên sẽ khiến cho cây thuốc mai một thậm chí dẫn đến cạn kiệt.
Lương y Tăng Văn Quang, Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết: "Cà gai leo trong Đông y chỉ có tác dụng hạ men gan, hạ mỡ máu, nóng gan chứ không có tác dụng chữa được ung thư gan. Theo như tôi được biết, ung thư gan là căn bệnh mà hiện nay chưa có thuốc đặc trị.
Việc người dân xôn xao, đổ xô đi mua, bán cà gai leo nói riêng và cây dược liệu nói chung trong thời gian qua sẽ làm mất niềm tin của người dân vào Đông y. Điều đáng nói, việc tạo được niềm tin của nhân dân vào Đông y là cả một quá trình rất khó khăn".
Theo ông Nguyễn Văn Hai, giám đốc sở Y tế Quảng Nam, cây cà gai leo có tên trong danh mục cây thuốc dân gian, nó là vị thuốc có tác dụng giải độc gan.
Tuy nhiên về dược liệu thì không có công trình nghiên cứu nào khẳng định có thể chữa được ung thư gan nên chưa khẳng định được giá trị. Loại cây này không có tên trong danh mục quản lý của sở Y tế nên việc người dân cho rằng có thể chữa ung thư gan và mua bán thì sở Y tế không thể can thiệp được.
Theo Nguoiduatin