Ngày 15/1, UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho biết, năm 2012 MTTQ đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động như động viên nhân dân, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài được MTTQ thực hiện với những biện pháp chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
MTTQ cũng đã động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nổi bật là cuộc vận động vì người nghèo (quỹ vì người nghèo thu gần 1,5 tỷ đồng; chương trình an sinh xã hội thu trên 6 tỷ đồng; giúp xây dựng và sửa chữa gần 85.000 căn nhà dột nát cho hộ nghèo); phong trào đền ơn đáp nghĩa (riêng đợt cao điểm từ 19/5 đến 27/7/2012 đã tiếp nhận số tiền ủng hộ trên 6,3 tỷ đồng)…
Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết công tác năm 2012 của UB TƯ MTTQ Việt Nam. |
Hoạt động của MTTQ nổi lên điểm mới là giám sát và phản biện xã hội (trong đó có việc giám sát vụ việc tranh chấp đất đai của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, Hải Phòng) có tác động tích cực đến cơ quan Đảng, Nhà nước, nhân dân, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Vấn đề đặt ra cho công tác mặt trận năm 2013 của MTTQ là cần đi vào những nhiệm vụ chiến lược như giám sát và phản biện xã hội, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
“MTTQ phải tham gia tích cực vào cuộc chiến phòng chống tham nhũng, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, vì đó là điều mà nhân dân rất trông đợi”, GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, UB TƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Đạt cũng cho rằng, năm 2013 MTTQ phải tập trung phản biện, không chỉ các vấn đề pháp luật mà cả chủ trương, chính sách.
“Giám sát sẽ phát hiện rất nhiều vấn đề. Vụ bà Ba Sương vừa qua chúng ta làm, dư luận đánh giá rất cao. Vụ Tiên Lãng, Văn Giang cũng vậy. Đề nghị với các vụ việc MTTQ đã tham gia giám sát thì phải kiên trì, quyết tâm theo đuổi cho đến cùng, nếu không các vụ việc đó sẽ chỉ là “án bỏ túi”. Giám sát, phản biện phải là cuộc đấu tranh quyết liệt của MTTQ với các cán bộ thoái hóa biến chất, đó là điều mà nhân dân rất trông đợi” - GS Đạt nói.
Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng kể, người dân thực sự hoan nghênh, hưởng ứng khi MTTQ “xông vô” vụ việc ở Tiên Lãng, nhưng đề nghị Mặt trận không dừng ở đó mà tiếp tục theo dõi, giám sát những biến mới của vụ việc.
Bà Phương kiến nghị: “Mặt trận không chỉ cần tiếp tục lên tiếng về tương lai của ông Vươn và gia đình mà còn cần lên tiếng cả về sai phạm của những cán bộ tổ chức cưỡng chế sai quy định dẫn đến sự việc đó”.
Nữ đại biểu cho rằng, thời gian tới, Mặt trận cũng cần vào cuộc giám sát tình hình ở thủy điện Sông Tranh 2. “Cứ động đất liên tục, người dân đang lo lắng. Nếu sống ở đó, chắc chắn chúng ta cũng “đau tim”. Mặt trận cần nắm bắt đời sống và tâm tư nguyện vọng của họ để phản ánh kịp thời” – bà Phượng phân tích.
Nói về địa bàn của mình, Phó Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo trình bày, người dân TP.HCM đang rất lo sợ hoang mang về nạn cướp giật, hành hung, giết người phát sinh, tăng mạnh trong năm nay.
Bà Phượng phán đoán nguyên nhân do tệ nạn ma túy đã quá phức tạp. Chỉ ra điểm mấu chốt là quy định không được tập trung các đối tượng nghiện quá 3 năm thực hiện mới đây, bà Phượng kiến nghị MTTQ có ý kiến lên diễn đàn Quốc hội để tiếp tục có chương trình đưa những người nghiện ra đảo sinh sống, giúp cách ly, đoạn tuyệt hoàn toàn với “cái chết trắng”, cũng giúp xã hội bình yên hơn.
GS.Lưu Văn Đạt: "Giám sát, phản biện, Mặt trận phải làm ra tấm ra món, làm cho ra kết quả" (ảnh: HL). |
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ nhận định trong báo cáo của UB TƯ MTTQ nhận định hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được triển khai nhưng hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế, chưa có cơ chế cụ thể bảo đảm thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Việc tham gia của mặt trận trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Các tổ chức thành viên bày tỏ mong muốn Mặt trận phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội.
GS. Đỗ Quang Hưng phân tích, phần nhận định về tâm tư của người dân, nêu 9 nhóm người trong xã hội nhưng “điểm chưa trúng”. Dẫn chứng từ chính “nhóm trí thức” của mình, ông Hưng cho rằng, mong muốn của đội ngũ trí thức không chỉ là nâng cao tinh thần dân chủ để đóng góp cho đất nước mà đó là mấu chốt để người làm khoa học có thể nghiên cứu, phản biện xã hội một cách thẳng thắn, đúng tinh thần khoa học.
“Ngành khoa học xã hội của chúng tôi thực tế hiện giờ là lạc hậu lắm rồi, cần can thiệp ngay” – ông Hưng trình bày.
Theo GS Hưng, năm 2013 có 3 việc lớn đối với MTTQ là nhiệm vụ phản biện giám sát, xây dựng Luật Mặt trận và tham gia góp ý sửa Hiến pháp – “đều là những câu chuyện lớn mà chưa biết phút 89 sẽ giải quyết thế nào”. Ông Hưng đề nghị, chọn việc giám sát để làm cho “đến nơi đến chốn” đã là thành công.
Theo GS Lưu Văn Đạt, trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của mình, Mặt trận “không cần làm nhiều, nhưng phải làm ra tấm ra món, ra kết quả và kết quả phải có ý nghĩa quyết định”.
Theo Dantri