Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào dự thảo Hiến pháp 1992. |
Là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, đang định cư tại Hungary - bà Phan Bích Thiện mong muốn làm rõ hơn nữa vai trò của MTTQVN về vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Với tư cách là người Việt đang định cư ở nước ngoài, bà Thiện nhất trí với dự thảo Hiến pháp sửa đổi không phân biệt công dân Việt Nam ở trong hay ngoài nước. Nhưng, bà cũng băn khoăn, thực tế việc bầu cử, ứng cử lại không được như vậy với Việt kiều.
Về quyền phúc quyết của công dân, bà Thiện đề nghị, nên ghi thẳng vào Hiến pháp là trưng cầu dân ý về Hiến pháp chứ không nên ghi là QH sẽ quyết định có hay không trưng cầu dân ý.
Từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở Liên bang Nga, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DN Việt Nam ở nước ngoài, ông Bùi Đình Dĩnh đóng góp những nội dung rất thiết thực. Thí dụ, khoản 2, Điều 18 có ghi “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”.
Theo ông Dĩnh, ghi như thế chỉ đúng khi người đó chỉ có một quốc tịch. Còn nếu người nào có 2 quốc tịch thì sao? Nếu không giao nộp công dân VN cho nước đề nghị dẫn độ (mà người đó có quốc tịch của nước đề nghị dẫn độ) thì không đúng với thông lệ quốc tế. Do đó, ông Dĩnh đề nghị ban biên tập nên cấu trúc lại cho đỡ vướng mắc sau này.
Về một số chi tiết, ông Dĩnh đề nghị cần nghiên cứu sửa lại: Một số điều, lúc thì dùng từ “nơi ở”, nơi dùng chữ “chỗ ở”. Vậy liệu hai khái niệm đó có khác nhau, nếu không khác nhau sao lại không dùng thống nhất.
Tương tự, trong dự thảo có chỗ dùng “theo pháp luật”, lúc thì “theo quy định của pháp luật”, lúc thì lại “theo quy định của luật”...Ông Dĩnh cho rằng tất cả các từ này đều một nghĩa, và nên dùng thống nhất câu “theo quy định của pháp luật”.
Với ý kiến tâm huyết, ông Tài Phương- Việt kiều ở Mỹ cho rằng, hiện thế hệ một đã, đang đóng góp nhiều cho đất nước, nhưng Hiến pháp cần thể hiện sao cho để các thế hệ sau có thể đóng góp tốt nhất cho đất nước, đặc biệt về khoa học, kỹ thuật. Muốn vậy, Hiến pháp phải có phần bảo hộ quyền lợi chính đáng của bà con Việt kiều.
Bởi lẽ, ông Phương băn khoăn: Nếu người nước ngoài làm ăn tại Việt Nam có trục trặc gì đó thì họ được sứ quán của mình bảo vệ. Nhưng với Việt kiều làm ăn ở Việt Nam thì không biết kêu ai.
Cũng liên quan đến việc đầu tư về Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Bắc - định cư ở Canada và hiện đang làm ăn ở Việt Nam - cho biết, hiện có hơn 4.000 doanh nhân là kiều bào về đầu tư ở VN với tổng số tiền hàng tỉ đôla, nên rất cần sự đảm bảo của Nhà nước.
Do đó, ông Bắc đề nghị nên có câu “người VN định cư ở nước ngoài đầu tư về VN được hưởng quyền lợi như người VN ở trong nước” vào Hiến pháp để Việt kiều yên tâm hơn.
Ông Nguyễn Văn Thái (Chủ tịch Hội Kiều bào ở Ba Lan) là người phát biểu sau cùng, tỏ ra băn khoăn về tính khoa học của cách triển khai góp ý như hiện nay: Sáng mới nhận được dự thảo, chiều đọc để hiểu đã khó, góp ý kiến gì càng khó hơn, nên tôi không dám góp ý gì.
Theo Laodong