Lương chỉ đủ nuôi thân…
Lê Thị Mỹ Hiền (20 tuổi, quê huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) làm công nhân tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), 2h30 ngày 17/1, sau giờ tan ca thân hình lấm lem tất tả đi đến khu chợ tạm bên đường để mua bó rau tươi rồi nhanh chân đi vào một con hẻm cách Cụm công nghiệp gần 2km để về nhà trọ cho kịp nấu cơm tối.
Hiền chưa học hết THPT nhưng vì gia đình khó khăn lại đông anh em nên Hiền phải nghỉ học sớm lên Đắk Lắk xin làm công nhân kiếm tiền nuôi các em ăn học.
Hiền làm công nhân cho một công ty ở Cụm công nghiệp Tân An với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng; nhận lương xong, Hiền mang tiền về trả các khoản tiền trọ, tiền điện, tiền nước… Xong xuôi đâu vào đó, số tiền còn lại trong túi Hiền hơn 1 triệu đồng.
Hiền tâm sự, trong điều kiện “bão giá” hiện nay, giá cả đang “leo thang” từng giờ, “cái gì ngoài chợ cũng đắt” thì với số tiền lương ít ỏi còn lại mỗi tháng, Hiền phải cố gắng chắt chiu lắm mới đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.
Trò chuyện cùng chúng tôi, vẻ mặt Hiền khá ủ rũ vì đã hơn 3 tháng xa quê làm công nhân nhưng chưa một lần gửi tiền về quê phụ giúp bố mẹ.
“Thân mình làm công nhân thì phải chấp nhận, lương lá chừng ấy chỉ đủ nuôi thân! Tháng nào em cũng cố gắng cắt giảm chi tiêu nhưng có tháng đủ tháng không”, Hiền nặng lòng kể.
Anh Trương Minh Hùng (SN 1972, huyện Krông Pắc, Đắc Lắc) làm công nhân tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột): “Làm công nhân nghe nói tết đến là sợ lắm!” |
Tương tự, Bình (25 tuổi, quê ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cũng làm công nhân ở Cụm công nghiệp Tân An, ở trọ tại khối 8A, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) cũng có cuộc sống “thiếu trước, trừ sau”.
Tuy nhiên, vì có thâm niên làm công nhân 5 năm nên mức lương hàng tháng của Bình cao hơn Hiền đôi chút. Mỗi tháng Bình lĩnh 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nữ công nhân thành phố biển Nha Trang - cho biết - với mức lương này cũng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống cho bản thân.
“Trừ tiền phòng trọ, tiền nước, mỗi tháng em còn dư hơn 2 triệu đồng. Tháng nào tăng ca 5 - 10 ngày thì có dư ra chút ít, còn không thì lương mỗi tháng chỉ vừa đủ trang trải cho mình em thôi. Anh tính đi, ngoài tiền sinh hoạt, ăn uống cơm nước hàng ngày, còn phải sinh nhật, đi đám cưới bạn bè, rồi các khoản phát sinh khác nữa… thì từng ấy tiền lo cho mình còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền mà gửi về gia đình”, Bình không giấu giếm kể.
Khi công nhân “sợ” tết!
Những ngày này, đa phần những công nhân làm việc tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột khi chúng tôi tiếp xúc đều không giấu giếm sự âu lo khi Tết nguyên đán đã gần kề, thậm chí nhiều người còn nói toạc ra là cực kỳ “sợ tết”, muốn “chạy tết”!.
Như trường hợp anh Trương Minh Hùng (SN 1972, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) làm công nhân tại Cụm công nghiệp Tân An là một điển hình. Buổi sáng ngủ dậy, trong căn phòng tối om như mực, ẩm thấp bốc lên nồng nặc, anh Hùng cầm bật lửa châm điếu thuốc rồi ngồi trầm ngâm một góc trong căn phòng, khuôn mặt hốc hác nhìn xa xăm qua ánh nắng của khe cửa hắt vào.
Lương công nhân của anh Hùng mỗi tháng là 2.180.000 đồng, nhưng anh cho biết đây đã là mức lương đã cao hơn hẳn so với nhiều người vì anh có thâm niên 3 năm làm công nhân. Nhận lương, trừ bảo hiểm, lương anh Hùng còn lại xấp xỉ hơn 2 triệu đồng.
Đem số tiền này về trả tiền phòng, tiền điện nước, rồi tiền vay mượn “tùm lum” các tháng trước “cối” lại, mỗi tháng trong túi anh Hùng ngót nghét còn hơn 1 triệu đồng mà phải trang trải cả tháng. Ấy vậy, anh Hùng đâu phải lo cho mỗi bản thân, ở quê, anh còn có vợ cùng 2 con nhỏ đang tuổi ăn học.
“Lương này không đủ sống! Cuộc sống anh em công nhân ở đây chật vật lắm! Nếu tháng nào hàng đi nhiều, tăng ca liên tục trong tháng, lương sẽ được hơn 1 triệu nữa, nhưng có tháng tăng ca, tháng không.
May mà tôi ở cùng thằng em, nó làm kỹ thuật lâu năm nên lương cao hơn, cho nên nhiều chi phí sinh hoạt nhỏ nhặt nó chịu cho. Tết này tôi cũng biết phải tính sao, làm công nhân nghe nói tết đến là sợ lắm! Lương lá như vậy chỉ mua được mấy bộ áo quần, một ít quà về quê ăn tết thôi…”, anh Hùng tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (24 tuổi, huyện Ea Kar, Đắc Lắc) mông lung khi tết sắp đến. |
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết (24 tuổi, huyện Ea Kar, Đắc Lắc) đang bế đứa con 2 năm tuổi mà vẫn không có lấy một hộp sữa cho cháu, khuôn mặt thằng bé khá xanh xao so với tuổi.
Chị Tuyết buồn bã kể: “Khoảng 3 hoặc 4 tháng thì em gửi tiền về quê một lần, một lần gửi như vậy khoảng 600-700 nghìn đồng. Lâu lâu mới gửi lần, chứ tháng nào cũng gửi thì lấy tiền đâu mà ăn”. Khi chúng tôi đề cập đến tết, chị Tuyết như muốn lảng đi, một lúc sau chị mông lung nói: “Như công nhân tụi em Tết đến cũng chẳng biết tính như răng, cũng chưa biết răng nữa. Đến ngày đó rồi tính, mấy ngày Tết rồi cũng qua à…”.
Theo Dantri