Mới đây, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức hội thảo để tìm ra trang phục phù hợp làm Quốc phục. Tuy nhiên, chín người mười ý, các cuộc hội thảo vẫn chưa đi đến thống nhất trang phục nào sẽ được lựa chọn.
Theo GS Trần Lâm Biền, muốn làm được Quốc phục phải chú ý đến tiêu chuẩn của nó. Tiêu chuẩn thứ nhất nhìn vào phải là Việt Nam. Thứ hai, nó phải đẹp.
Nếu chỉ dừng lại hình thức thì không cần!
GS Trần Lâm Biền |
Thưa GS, bộ Quốc phục ấy chúng ta mặc trong hoàn cảnh nào hay chúng ta chọn rồi để đấy và yên tâm là mình có Quốc phục?
- Quốc phục có thể mặc trong lễ hội, ngày lễ và chúng ta phải có những bộ quần áo chứ không phải một bộ cố định. Những bộ quần áo ấy trong ngoại giao lại khác, nhưng cũng là ngoại giao nhưng phải có tinh thần dân tộc thì cũng khác.
Tổng thống Mỹ đến Đông Nam Á, người ta đều được phát áo dân tộc thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng của nước họ và ai cũng mặc và lấy làm thích thú. Trong đó cả nguyên thủ của chúng ta đều mặc áo này.
Cho nên, Quốc phục không phải dừng lại một bộ nhất định mà nó phải có những người nghiên cứu đưa ra được những ý nghĩa của cách phục trang, đồng thời nói lên màu sắc đó là cái gì, ý nghĩa của màu sắc ấy. Cả yêu cầu tâm linh nữa.
Từ tâm linh rồi đến thực tại có một sự kết hợp với nhau như thế nào và rồi những người sáng tác trên nền tảng ấy phải biết phối hợp với nhau rất nhiều người thì mới ra được. Vì chúng ta không dừng lại cái Quốc phục đơn giản, nó phải có ý nghĩa. Nếu chỉ dừng lại hình thức thì không cần.
Việc chọn Quốc phục đã được đưa ra “cân đo, đong đếm” nhiều lần qua các cuộc thi thiết kế thời trang. Nhưng tại sao chuyện Quốc phục mình đã khởi xướng từ chục năm nay rồi mà cho đến giờ vẫn loay hoay mãi vẫn chưa có kết quả. Tất cả mới chỉ là bàn trên giấy và trong các tham luận?
- Loay hoay còn lâu bởi vì ai tổ chức? Tất cả mọi việc đúng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, ngay đến kinh tế phải lấy kinh tế tri thức.
Phi trí bất hưng, có tôn trọng trí và dùng cái trí đó để đặt vấn đề này ra hay chưa? Hay là mới chỉ dừng lại ở một số người nào đó mà những người đó lại bằng cảm xúc của mình chứ không phải là những người nghiên cứu lâu năm và đã từng đau đớn, đi sờ mó các pho tượng, cách phục trang của từng đời.
Những người nghiên cứu đó chỉ đưa ra những tư liệu và giải mã những tư liệu ấy, còn những người hiện nay có óc sáng tác, trên nền tảng phải nghe, phải hiểu đã rồi mới sáng tác được chứ không đơn giản chỉ đưa ra thời này có cái này, thời kia có cái kia mà sáng tác được đâu.
Phải chăng, chuyện Quốc phục chỉ là chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa”, mang nặng tính phô trương, hình thức cũng như chuyện hình thành đề án Quốc tửu của những người “no cơm ấm cật” như ý kiến GS đã nêu?
- Tôi không nghĩ đến chuyện phú quý sinh lễ nghĩa. Nếu được phú quý sinh lễ nghĩa đã là may mắn lắm nhưng không phải, chưa đến mức đó.
No cơm ấm cật thì tôi đã nói lâu rồi, chúng ta mới chỉ dừng lại cái đó thôi. Quốc phục ít nhiều gắn với hình ảnh của đất nước thì phải làm cho cẩn thận.
Người ít hiểu biết về truyền thống văn hóa sẽ chọn áo dài làm Quốc phục
Theo quan điểm của GS thì ông sẽ chọn trang phục nào làm Quốc phục?
- Tôi hiện nay không nghĩ đến vấn đề này và cũng không ai hỏi những anh em nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống của đất nước. Đó là những người hằng ngày sờ mó tới cái đó, nhưng thực sự không ai hỏi đến chúng tôi hết mà người ta chỉ hỏi đến những người mà hình như có chức vị mà thôi. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng nên như thế nào thì hỏi những người có trách nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng áo dài lâu nay đã là biểu tượng đại diện cho các giá trị Văn hóa Việt và nhìn từ mọi góc độ thì áo dài xứng đáng được tôn vinh làm Quốc phục. Tuy nhiên, theo như tôi hiểu, từ giữa thế kỷ 20 mới có áo dài. Liệu nó có xứng đáng là Quốc phục?
- Tôi thấy không phải. Chiếc áo đó là áo tân thời không phải của người Việt Nam, không phải xuất phát từ cuộc sống bình dân của con người Việt Nam.
Áo của người Việt Nam xưa có hai vạt buộc và để thõng xuống. Áo có nhiều nếp, nhiều màu, bay bay theo gió, hòa sắc vào nhau. Áo dài hiện nay đẹp hay xấu nhiều khi không phải là hòa sắc mà là cách chọn vải, công lao động thủ công tạo nên một vẻ đẹp của nó. Giá trị của áo dài không phải bắt nguồn từ tâm hồn dân tộc mà nó là sản phẩm của đô thị.
Và sản phẩm ấy cho đến bây giờ vẫn chỉ gắn với dân đô thị còn nó chưa gắn với toàn bộ dân tộc Việt Nam.
Khi mới ra đời áo dài cũng bị phản đối vì hở lộ và giờ thì áo dài được coi là chuẩn mực. Thưa GS, liệu có thể tin rằng cái phản ứng với chuyện áo dài cách điệu bây giờ đã qua đi vì như thế mới đúng là bản sắc dân tộc không? Và với xu hướng cách điệu áo dài hiện nay càng ngày càng hở càng lộ, nếu được chọn là Quốc phục thì phải điều chỉnh ra sao?
- Áo dài được xẻ thành 2 tà áo trước và sau, nếu như may liền vào thì cũng chẳng khác váy của người Thượng Hải. Cho nên nói rằng áo dài đại diện cho văn hóa dân tộc thì cái đó để cho người nào dễ tính, ít hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc thì họ thích thú.
Bởi nhiều khi cái áo ấy tạo nên cái gợi cảm về cơ thể bên trong nhưng cái áo của người Việt Nam với nhiều tà bay bay, cái tinh thần, ý thức kín đáo của người Việt được đề cao nhiều hơn. Cái này không phải là do tôi quyết định, tôi muốn được mà nhường quyền cho ông nào có trách nhiệm.
Dựa vào cảm tính sẽ không có Quốc phục tử tế
Nhiều người đề xuất chọn áo yếm vì trang phục này xuất hiện sớm hơn, ai cũng mặc được và nó thuần Việt. Quan điểm của GS ra sao?
- Yếm của người Việt xưa có tính chất che một phần chứ không phải áo ngực như của ta gần đây ngày càng trở nên thiếu vải, tạo nên nhục cảm nhiều hơn. Yếm của người Việt là một ô vuông, lượn cổ tròn có hai dây buộc sau lưng.
Dù không có giá trị nâng bộ ngực của người Việt nhưng ít nhiều nó đã có một cái gì đó sống hàng trăm năm với người Việt và có ý nghĩa thầm kín ở đấy. Cùng với bộ ngực của người phụ nữ, nó là vật hội tụ lại thành một cộng thể mang ý nghĩa tâm linh gắn với sự nuôi dưỡng. Nhất là yếm đào.
Còn việc chọn yếm làm Quốc phục tôi không có ý kiến.
Tương tự như yếm, khố cũng là trang phục lâu đời, xuất hiện trên mặt trống đồng. Vậy thay vì tư duy áo the khăn xếp, chọn khố làm quốc phục thì GS nghĩ sao?
- Khố không bao giờ làm Quốc phục bởi khố như của người Tây Nguyên cũng như váy người Việt đã bỏ từ cách đây gần 300 – 400 năm. Váy gắn với cư dân nông nghiệp suốt vùng Nam Á như Ấn Độ, Indonexia, Khơ Me, Thái Lan nam giới toàn mặc váy và hiện nay là trang phục thường xuyên của họ. Chúng ta cũng không nên quay trở lại cái đó.
Theo tôi không nên vội vã mà cần phải suy nghĩ và phải có các cuộc thi, trên nền tảng giới thiệu như triển lãm phục trang của tổ tiên ta qua các thời kỳ như thế nào, giới thiệu được cả ý nghĩa của nó rồi lúc đó những người sáng tạo có tri thức mới có thể đưa ra được những bộ quần áo có tính chất Quốc phục. Rồi lúc đó chúng ta chọn, bây giờ không ai có thể đưa ra là thế này hay thế kia được.
Không có một bệ đỡ về kiến thức, về truyền thống và về thực tại mà chúng ta chỉ ngồi nói bằng cảm tính thì điều đó không chấp nhận được, và không ai có thể đưa ra một mẫu hình chỉ dựa trên nền tảng cảm tính.
Vậy thì với nam giới chúng ta phải chọn trang phục như thế nào cho xứng làm Quốc phục?
- Bây giờ không thể chọn được, phải có cuộc thi, triển lãm như tôi đã nói để họ thấm vào trong tâm hồn cái tinh thần Việt Nam thì họ mới sản xuất ra được những bộ quần áo của Việt Nam. Từ đó mới có được Quốc phục tử tế. Còn bây giờ hỏi Quốc phục như thế nào người đứng đắn không ai có thể xác nhận được.
Quốc phục phải là công trình của cộng đồng, của tập thể chứ không phải của một cá nhân nào được.
- Xin cảm ơn GS!
Theo Baodatviet