Sốc vì phá sản
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết cách đây chưa lâu, bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhân khá đặc biệt.
Bệnh nhân này còn khá trẻ (35 tuổi), trước khi vào viện thì anh là một người thành đạt với vị trí giám đốc một doanh nghiệp, công việc làm ăn suôn sẻ.
Kể từ khi kinh tế khó khăn, những vướng mắc kéo dài trong công việc khiến anh bị stress nặng.
Đại gia bất động sản đang chồng chất khó khăn vì tài sản bị đắp chiếu cả năm trời |
Có thời điểm vì con nợ đòi quá ráo riết, anh đã bỏ trốn sang Lào. Song ở nhà, cả gia đình bị uy hiếp, anh đành quay về đối mặt với thực tế. Không chịu được áp lực, anh bị stress nặng.
Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, khiến anh bị rối loạn hành vi. Sau một thời gian điều trị khá dài, bác sỹ Dũng cho biết tình trạng bệnh nhân ổn định và đã xuất viện vào ngày 7.1 vừa qua.
Có lẽ chưa có lúc nào mà chuyện phá sản, nợ nần lại xuất hiện nhiều như ở thời điểm này.
Từ những ông chủ lớn đến ông chủ nhỏ đều đang loay hoay thoát khỏi vòng xoáy bế tắc. Và không phải ai cũng tìm được lối thoát.
Bác sỹ Dũng cho biết, có những bệnh nhân làm kinh doanh, khó khăn cả năm nay nhưng vẫn cố gắng bám trụ.
Tuy nhiên, chuyện phá sản đã đến như một việc không thể tránh khỏi. Trong chốc lát, số tài sản “bốc hơi”, toàn bộ cơ nghiệp gây dựng bao năm sụp đổ.
“Cú sốc này quá lớn, quá sức chịu đựng, khiến họ bị tâm thần”, bác sỹ Dũng nói.
Phần nhiều bệnh nhân là doanh nhân vào viện tâm thần điều trị ở thời điểm này đều chung nhau ở điểm: Đang nợ nần chồng chất, trả lãi ngày cũng lên đến tiền tỷ.
Trong số đó, có không ít người từng giàu có nhờ bất động sản thì nay cũng bị tâm thần vì bất động sản. Đó là những người ôm nợ hàng chục tỷ mà không bán được nhà, được đất, bị ngân hàng siết nợ.
Theo bác sỹ Dũng, việc các “đại gia” nhập viện tâm thần đã xuất hiện khá nhiều từ khoảng giữa năm nay. Nhưng đến thời điểm cuối năm, số lượng này có xu hướng tăng nhẹ. Nguyên nhân có thể do càng về cuối năm, áp lực trả nợ, trả lãi càng lớn.
Điều đáng chú ý là số đến khám được dự đoán chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Bởi nhiều người gặp stress nặng nhưng sợ đi khám ở bệnh viện tâm thần về sẽ mặc cảm, tự ti, sợ bị dị nghị, vì thế, họ từ chối đến viện.
Mượn rượu giải sầu
Trong thời điểm khó khăn này, có những bệnh nhân đến khi vào viện mà con nợ vẫn còn vào theo để đòi nợ
Bệnh nhân này đã huy động vốn của rất nhiều người, gồm người thân trong gia đình, bạn bè và cả nhờ những người này vay mượn tiền của những người khác để lấy tiền làm ăn, đổ vào bất động sản và góp vốn với những người bạn khác để mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, phục vụ luôn cho lĩnh vực mà anh đang đầu tư.
Số tiền vay mượn của từng người rất khác nhau, ít là 50 triệu, nhiều lên tới vài trăm triệu. Đến lúc làm ăn thua lỗ, nhà đất đắp chiếu, cửa hàng vật liệu xây dựng ế ẩm cũng là lúc mà những người cho vay dồn dập đòi tiền.
Căng thẳng, stress kéo dài suốt mấy tháng trời, bệnh nhân này không chịu được nên bị trầm cảm, mất ngủ triền miên. Ngoài ra, do buồn chán, bệnh nhân còn mượn rượu giải sầu nên luôn trong tình trạng say xỉn.
Vào bệnh viện điều trị song ngày nào bệnh nhân này cũng có người “đến thăm”.
“Họ sợ anh ta bỏ trốn, chạy nợ nên lúc nào cũng có người canh ở cửa”, bác sỹ Dũng cho biết.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay (và còn được dự báo sẽ kéo dài trong thời gian tới), bác sỹ Dũng đưa ra khuyến cáo (ở góc độ y tế): Để dự phòng trầm cảm, stress, cần có chế độ nghỉ ngơi và sắp xếp công việc, chi tiêu hợp lý, tránh tình trạng để lo lắng ập đến đột ngột, không đủ sức chống lại sẽ gây ra bệnh tật.
Ngoài ra, cần ăn uống phù hợp, tránh lạm dụng rượu, bia, café, thuốc là và các chất kích thích khác (do tâm lý chán nản).
Đặc biệt, cần duy trì giấc ngủ tốt. Khi có sang chấn tâm lý cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Trên thực tế, có người vì phá sản, trong lúc hoảng loạn đã tìm đến cái chết.
Theo Vietnamnet