Thầy giáo trẻ và “lớp học online” gây sốt trên Facebook

Thứ bảy, 19/01/2013, 00:31
Facebook của thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (sinh năm 1984, giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM) có sức hút kỳ lạ với học sinh, sinh viên.

Sức hút nhờ những điều bình dị

Một ngày cuối tháng 12/2012, Facebook của thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu xuất hiện hình ảnh chiếc xe “lốp không ra lốp, xăm chẳng ra xăm” của em Lê Đức Duẩn, thủ khoa ĐH Dược với lời tản mạn: “Học giỏi không phụ thuộc vào chiếc xe các em đi, cuốn tập các em viết, trường làng nơi các em học, số tiền ăn sáng nhiều ít mỗi ngày… Giỏi hay không là ở ý thức và ý chí!”.

facebook

Những hình ảnh, câu nói bình dị trên Facebook thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu làm học trò "sôi sục" vì cảm động.

Sau đó không lâu, triết lý sống “Gió bão cuộc đời có bắt ta cúi đầu xuống - Thì ta cứ việc ngẩng đầu lên! Cái cây ngọn cỏ còn biết hướng lên, chẳng lẽ mình thua nó???” của thầy cùng hình ảnh sưu tầm chụp cây ngoằn ngoèo cũng được thầy Hiếu đăng tải.

Những hình ảnh, trạng thái rất bình dị đó luôn nhận được hàng ngàn lượt like cùng nhiều chia sẻ đồng tình. Phản hồi lại, có người khóc, có bạn tự trách bản thân hoặc nhận ra mình quá may mắn và có cái nhìn tích cực hơn về bản thân, cuộc sống.

Mới nhất câu nói của thầy “Không ai yêu con bằng cha mẹ. Được lớn lên có cha có mẹ đã là hạnh phúc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ bơ vơ để thấy ta cần biết ơn cha mẹ biết dường nào…” với hình minh họa em bé da màu chảy nước mắt cũng làm thổn thức hàng ngàn trái tim bạn trẻ. Có hơn 7 ngàn người thích trạng thái này với gần 300 lời chia sẻ.

Đó chỉ là một trong rất nhiều trạng thái được thầy Khắc Hiếu chia sẻ trên Facebook gây sốt cho những người “ghé thăm”. Đó có thể là những câu được thầy Khắc Hiếu trích dẫn hay lượm lặt ở đâu đó - được đánh dấu ngoặc kép hoặc có chữ (st) - nhưng phần lớn do thầy viết ra theo suy nghĩ, cảm nhận của mình về một hình ảnh, câu chuyện, sự việc thầy bắt gặp trong cuộc sống.

Chưa kể các clip kỹ năng sống, tư vấn tình cảm… do chủ nhân thực hiện cũng được đăng tải. Người xem không chỉ cập nhật thêm kiến thức cho mình mà còn có thể đưa ra những đóng góp, bổ sung hay chia sẻ về những thắc mắc của mình.

Lớp học online

Nội dung phong phú, chuyển tải một cách dễ hiểu, có hơn 146 ngàn người yêu thích và không ngừng tăng từng giờ, Facebook của ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu không khác nào một “lớp học online” với tiêu chí có ích cho giới trẻ.

Trong đó, hai chủ đề được đề cập nhiều nhất là “Đương đầu với nghiệt ngã” và “Yêu sao cho đúng” mà chuyên gia tâm lý này đánh giá giới trẻ rất cần nhưng đang rất “hổng”.

“Với tiêu chí đó nên tôi luôn cố gắng thể hiện thông điệp bằng nhiều cách thức, sử dụng ngôn từ sao cho “cùng tần số” với tâm lý bạn trẻ. Đặc biệt tôi thường chọn những hình ảnh ẩn dụ chứa đựng thông điệp giúp bạn trẻ có những liên tưởng đến cuộc sống của mình”, thầy Hiếu bộc bạch.

Một lớp học nhộn nhịp như vậy khó tránh được những vấn đề phát sinh. Thầy Hiếu thường xuyên gặp các vấn đề như học trò phát ngôn thiếu chuẩn mực trên Facebook của mình, hoặc các em sử dụng nơi chia sẻ hút người xem này để đấu khẩu online, đăng hình “dìm hàng” nhau hoặc gắn thẻ (tag) trên Facebook…

thay giao

Ngoài việc giảng dạy ở lớp học, tham gia tư vấn, thầy Hiếu chú trọng đến "lớp học online" của mình.

Có lúc thầy giáo trẻ này cũng cảm thấy bị tổn thương nhưng thầy không nghiêm trọng vấn đề đó lên vì hiểu các bạn trẻ vẫn nghĩ đây là thế giới ảo nên ít chú ý đến tính nghiêm túc của lời nói. Hơn nữa, đó cũng là cái cớ để thầy gửi gắm những góp ý, phân tích một cách riêng tư đến các bạn về phép lịch sự cũng như cách xử lý các mâu thuẫn.

Thầy Hiếu cũng rất khó xử khi số lượng comment và tin nhắn gửi về rất nhiều. Mỗi bài đăng có khoảng 100-500 comment, trong hộp thư còn tồn khoảng 1.750 tin nhắn chưa trả lời, trong khi thời gian của thầy có hạn nên có học trò trách “Thầy ơi sao không thấy trả lời comment, thầy ơi sao chưa tư vấn cho em?”

Thầy Hiếu giải quyết bằng cách đăng những bài viết mang tính định hướng suy nghĩ, để giúp các em phần nào tháo gỡ những vấn đề của riêng mình. Hai là sẽ trả lời thông qua video clip, chương trình “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” của mình.

Chia sẻ về quy định “Những điều cấm kỵ khi lên Facebook” của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thầy Khắc Hiếu cho rằng đây là một hành động tích cực giúp học sinh ý thức hơn về những gì mình thể hiện trên mạng xã hội tưởng rằng “ảo” nhưng thực tế rất thực.

Tuy nhiên, theo thầy Hiếu nhà trường rất cần có những buổi sinh hoạt ngoại khóa để hướng dẫn học trò cách tận dụng những ưu thế của Facebook và cách kiểm soát thời gian sử dụng.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn