Cảm động về lớp học của thầy giáo khiếm thị

Chủ nhật, 09/09/2012, 09:25
Mỗi học sinh là một mảnh đời bất hạnh. Họ đến với nhau, cùng sẻ chia, cùng học tập vươn lên trong cuộc sống để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Người chèo lái con tàu đặc biệt chở những mảnh đời bé bỏng nhưng đầy bất hạnh vì bị khuyết tật đó đến bến bờ hạnh phúc của tương lai cũng là một người... đặc biệt. Người đó là thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy (SN 1979, ngụ đường Tiểu La, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
 
Ước mơ cao đẹp
 
Trong tiết trời oi bức giữa trưa nắng của bầu trời miền Trung, chúng tôi tìm đến lớp học tình thương đặc biệt tại số nhà 67 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ. Căn nhà cấp bốn nhỏ đã cũ, nhiều chỗ tường bị nứt vì thời gian, bên trong được kê hàng bàn ghế học sinh hết sức gọn gàng, ngăn nắp. 
 
Tại đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì lớp học, tuy nhỏ nhưng lại rất đông các em bé đều tật nguyền, chúng đang ngồi ngay ngắn say sưa đánh vần dưới sự hướng dẫn ân cần của một người thầy không còn nhìn thấy ánh sáng.

Đó là thầy giáo Đặng Ngọc Duy, một người đã tâm huyết dựng lên lớp học tình thương đầy ý nghĩa này. Bao nhiêu năm qua, những thân phận bất hạnh ấy như những mảnh vỡ đã gắn lại với nhau, cùng dìu nhau sống giữa hạnh phúc đầy tình thương giữa cuộc đời.
 


Thầy giáo Đặng Ngọc Duy và học trò
 
Khi hỏi về cuộc đời, thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy nở nụ cười thân thiện tâm sự. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Ngọc Duy cũng khỏe mạnh bụ bẫm bình thường như biết bao đứa trẻ khác. Khi đi học, năm nào Duy cũng đạt học sinh giỏi, xuất sắc.

Nhưng cuộc đời may rủi bất thường, và cái ngày định mệnh làm thay đổi cuộc đời Duy xảy ra vào mùa hè năm cậu học lớp 7. Mùa hè năm đó, Duy và đám bạn chăn trâu cắt cỏ cùng nhau nô đùa trên những cánh đồng lúa mớí gặt. 
 
Trong một lần chơi trốn tìm, Duy vô tình nhặt được một đầu đạn chưa nổ. Nghĩ rằng mình có được “chiến lợi phẩm” có một không hai, cậu bé liền giấu chúng bạn để chơi một mình.

Tò mò với đồ chơi của mình, Duy cầm ném mạnh xuống nền đá, không may viên đạn phát nổ đã cướp đi đôi mắt và một nửa bàn tay trái. Từ đó, tuổi thơ của cậu bé Duy phải đối mặt với biết bao khó khán, thử thách, tưởng chừng như mọi cánh cửa tương lai đều đóng lại trước mắt...
 
Thế nhưng khi làm bạn với bóng tối, Duy mới hiểu mình khát khao được đi học, được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên gia đình cậu bé không đồng ý vì thấy con bệnh như vậy khó lòng mà học chữ được. Nhưng khi thấy Duy đã nhiều lần khóc xin mẹ cho đi tới trường học, vì thương con, mẹ Duy cũng ngậm ngùi chiều lòng. 

Tại Quảng Nam khi đó không có lớp học dành cho người khiếm thị. Nhưng vì thương con, ba mẹ Duy đã không quản ngại đường sá xa xôi, đưa con đi nhập học tai trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khuyết tật được thành lập tại Đà Nẵng, để Duy được tiếp tục theo đuổi con chữ.
 
Tại đây, câu bé mù được mở mang kiến thức, giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng ngôn ngữ dành riêng cho người khiếm thị. Cũng tại ngôi trường này, Duy được học kiến thức qua những dòng chữ nổi Braille. Dường như với Duy, mọi thứ lúc này đều xa lạ. Nhưng không đầu hàng trước số phận, Duy chăm chỉ học mọi lúc, mọi nơi một cách say sưa vì hơn ai hết, Duy vẫn luôn khát khao được học, được hoà nhập cộng đồng. 

Tuy nhiên khi lên Trung học cơ sở, Duy đã đủ lớn để nhận biết được những khiếm khuyết, thiệt thòi của cơ thể mình nên tò ra tự ti, mặc cảm, dẫn đến việc học hành sa sút. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Duy quyết tâm đi học nghe để có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp cha mẹ.
 
Năm 1995, Duy lặng lẽ đón xe vào TP HCM mong tìm kiếm một nghề. 2 năm ở đây, Duy đã nếm trải tất cả những nghề dành cho người khiếm thị. Cũng chính quãng thời gian này Duy khát khao trở thành thầy giáo đem con chữ đến với những người cùng cảnh ngộ như mình. Vì vậy, trong những lúc rảnh rỗi, Duy đến các trung tâm dành cho người khiếm thị để học hỏi kinh nghiệm ấp ủ thực hiện ước mơ. 

Sau 2 năm bươn chải nơi đất khách quê người, Duy trở về quê xin học lại rồi hoàn thành bậc trung học phổ thông. Để thực hiện hoài bão, Duy thi đậu vào ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Quảng Nam vớí số điểm khá cao. Nước mắt vui mừng tràn ra từ khóe mắt cậu học trò khiếm thị, chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ, người cha một đời tần tảo vì con.
 
 
Đến năm 2008, sau 4 năm miệt mài đèn sách, sinh viên khiếm thị Đặng Ngọc Duy đã tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Tuy nhiên, cử nhân Ngữ văn này cầm tấm bằng đi xin việc mà chẳng có nơi nào nhận vì bị tật nguyền.

Nhưng ước mơ được làm người “thầy” vẫn cháy bỏng trong chàng thanh niên khiếm thị không đầu hàng với số phận. Chính vì vậy mà Duy ngày đêm cặm cụi xin chính quyền địa phương cho xây dựng lớp học mái ấm dành cho người khiếm thị đầu tiên ở TP Tam Kỳ.
 
Lóp học đặc biệt
 
Kể về những ngày đầu khi mới thành lập lớp học đặc biệt này. Người thầy Đặng Ngọc Duy chia sẻ, thời gian đầu, anh phải trải qua biết bao khó khăn thử thách. Để thành lập một lớp học tình thương với những người bình thường đã khó thì với anh, khó khăn càng nhân lên gấp bội.

Ngày qua ngày, người thầy khiếm thị này phải lăn lội không quản nắng mưa sớm khuya đi đến những cơ sở từ thiện, đến từng hộ dân có em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện đến trường tới lớp học tình thương do anh trực tiếp giảng dạy. 
 
Thời gian đầu, mọi người luôn hoài nghi về trình độ dạy học của thầy giáo. Có người không hiểu thì xì xầm to nhỏ: “Ốc chưa mang nổi mình ốc mà còn mang cọc cho rêu”, hay “thầy cô lành lặn sáng mắt thế kia còn chẳng dạy được huống chi thầy giáo mù"... Nhưng với ý chí, lòng nhiệt tình sẵn có, anh lại tiếp tục tìm đến những em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh với hy vọng mang lại kiến thức cho các em để làm hành trang bước vào đời.
 
Khó khăn không dừng lại ở đó, bao nhiêu tiền chắt chiu dành dụm tuy đã dồn hết cho mái ấm tình thương nhưng người thầy này vẫn không có được cơ sở làm nơi dạy học cho các em nhỏ.

Để thực hiện được ước mơ cao đẹp của mình, thấy giáo Duy đã chạy khắp nơi vay mướn bạn bè, người thân lấy tiền thuê nhà làm lớp học. Tất cả mọi thứ ở đây đều do bàn tay của thầy giáo Duy sắp xếp. Những chiếc bàn, chiếc ghế trong lớp học đều tự tay thầy Duy đóng lấy từ những tấm gỗ thô kệch xù xì. 
 
Biết nhà của các học trò mình đều nghèo, thầy giáo khiếm thị còn tìm đến những nhà hảo tâm xin quần áo sách vở cho lũ học trò nhỏ. Những đứa trẻ không may mắn ở khắp nơi được thầy giáo Duy tìm về nuôi nấng, dạy dỗ.

Mỗi em có môi hoàn cảnh, mỗi khiếm khuyết khác nhau của cơ thể và tất cả đều chung nỗi đau tật nguyền. Nhưng các em cũng có được một người thầy lúc nào cũng tận tâm, thương yêu hết mực. Rồi ông trời không phụ lòng người, sau gần một năm chuẩn bị, mái ấm tình thương ra đời trong niềm vui vỡ òa của cả thầy và trò.
 
Thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy hồ hởi nhớ lại những ngày đầu tiên khi lớp học bắt đầu hoạt động, trong lớp chỉ có một vài em, thế rồi tiếng lành đồn xa, lớp học của anh ngày càng đông học sinh theo học. Tính đến nay, lớp học của anh có 16 học sinh tham gia với nhiều độ tuổi và nhiều số phận bất hạnh khác nhau. 

Các cháu ở đây đều tật nguyền với nhiều dị tật như khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, con nhà nghèo không có điều kiện tới trường... Một người bình thường trông nom những đứa trẻ ấy cũng vô cùng vất vả, nói chỉ đến một người cũng khuyết tật như anh. Nhưng bằng tình thương, bằng trách nhiệm, bằng sự thông cảm với nỗi đau, những thiệt thòi mà lũ trẻ phải chịu đã khiến một chàng trai khiếm thị như anh vượt lên tất cả.
 
Bằng giọng đầy thương cảm, Duy kể về những “mảnh vỡ” buồn của cuộc đời trong lớp học của mình giọng buồn: “Các cháu không giống bao em bé bình thường khác mà là những số phận đáng buồn. Cô bé Ung Nha Hòa, người dân tộc Chăm, mặc dù đã 23 tuổi nhưng thiểu năng trí tuệ vì bị ảnh hưởng chất độc da cam nên vẫn như đứa trẻ mới lên 10.

Thi thoảng Hòa lại cười ngây ngô với mấy đứa lại trêu chọc và đùa nghịch như trò trẻ con rất vô tư. Là chị cả lớp vì lớn nhất nhưng Hòa không biết gì. Nhiều đêm ngủ, Hòa vẫn còn tiểu dầm và lúc thì cười lúc thì khóc bất chợt...”.
 
Tại lớp học đặc biệt này, các em không chỉ được học viết, được vui chơi mà còn được thầy giáo lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ. Bao nhiêu năm qua, 17 con người đang từng ngày dựa vào nhau, dìu dắt nhau cùng vượt qua những ngày khó khăn, thầy giáo mù luôn thường trực một lo, những đau đớn về thể xác của mình ngày trái gió trở trời, hay khi những đứa học trò nhỏ đổ bệnh luôn dằn vặt người thầy. 

Rồi mùa lũ lại về, lớp học với bức tường thấm nước ướt nhèm, chảy cả xuống nền nhà khiến thầy giáo mù thấy lòng mình quặn thắt. Thầy thương cảm cho chính mình, thương cho lũ trẻ tật nguyền đang cố gắng chống chọi từng ngày để vượt lên số phận bất hạnh.
 
Bằng nghị lực và tấm lòng cao đẹp mình, bao nhiêu năm qua thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy đã che chở, bao bọc biết bao những em thơ có cùng hoàn cảnh. Chắc chắn rằng anh - người thầy khiếm thị ấy đã có rất nhiều ảnh hưởng đến các em nhỏ với nghị lực sống, tình thương, niềm tin yêu vào cuộc sống tương lai. 
 
Theo PL&CS

 

Các tin cũ hơn