Tại sao nông dân mơ con làm ông to, bà lớn?

Thứ bảy, 08/09/2012, 23:23
VietNamNet giới thiệu nội dung buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề: Từ gạo đến robot, Việt Nam đã chuẩn bị gì cho nguồn nhân lực tương lai? Mời các độc giả tiếp tục thảo luận với các câu hỏi của chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra TẠI ĐÂY và gửi ý kiến theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Ảnh Văn Chung

"100% các anh chị không dám"

Nhà báo Hoàng Hường: Phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam theo hướng đại chúng hay là tinh hoa trong khi lực lượng lao động chủ yếu vẫn còn ở nông thôn.

Vậy giải pháp phát triển nguồn nhân lực đồng đều có cần đặt ra không, tập trung nguồn nhân lực vào kỹ năng, sự giải quyết vấn đề trong tương lai, bài toán của ngành giáo dục toàn xã hội là gì.

Tôi cũng muốn nhắc lại câu hỏi lúc đầu mà chúng ta đặt ra là bằng cấp thì quan trọng hơn hay kỹ năng quan trọng hơn. Bạn này cũng nói là, lực lượng chủ yếu ở nông thôn trong khi chúng ta ngồi đây bàn cãi là học trường nào, học cái gì và chúng ta tranh luận trong trường học thì học cái gì và dạy cái gì.

Trong khi đó, lực lượng lớn nhất đang ở ngoài kia và không tiếp cận với những cái mà chúng ta đang nói. Vậy thì chúng ta có cần đưa vấn đề này ra để thảo luận tiếp hay không?

Độc giả Trần Đạt (sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội): Đến lúc chị Hường chia sẻ quan điểm của một anh nói về việc phần lớn nguồn lao động của Việt Nam đang ở ngoài kia, ngoài những cánh đồng, ngoài những công trường thì chúng ta ngồi đây nói về các trường ĐH liệu nó có phù hợp với thực tế không.

Chúng ta đang đặt ra một câu hỏi là muốn thay đổi điều gì. Em xin hỏi tất cả các anh chị ở đây, từ chị Thanh, chị Hường cho đến anh Tuyên, tất cả mọi người, dù là người tri thức cao.

Anh chị có dám dũng cảm để con cái của mình làm theo đam mê của nó hay không. Có dám hay không khi mà nếu các anh chị dám thì mới dám nói những người nông dân, họ khổ và họ thiển cận hơn anh chị rất nhiều. Nếu anh chị dám thì mới hy vọng họ dám.

Nhưng em có thể tự tin khẳng định rằng, 100% các anh chị ở đây sẽ không dám.

Em cũng chưa chắc là sẽ tự tin cho con mình theo đuổi đam mê bởi vì sao? Văn hóa của chúng ta là như vậy. Vậy thì tại sao chúng ta lại ngồi đây để nói khi mà 90 hoặc 80 phần trăm dân số Việt Nam, bố mẹ em cũng là nông dân, làm sao họ quá khổ, họ quá thiển cận, họ chân lấm tay bùn từ khi sinh ra.

Họ muốn con họ là bác sĩ, là giáo viên là ông to bà lớn. Đấy là một mong muốn mà nó quá khát khao mà không thể cái gì cưỡng lại được.

Vậy thì khi mà chúng ta là những con người được học hành, có học thức cao được ra nước ngoài, được học hỏi rất nhiều. Và chúng ta không tự tin để làm như vậy. Vậy thì làm sao chúng ta có thể thay đổi được. Đúng không ạ?

Theo em nghĩ để thay đổi được đến như anh Christan có nói là chúng ta làm thế nào để thay đổi đại học, THPT, THCS, rồi thị trường lao động. Quá muộn rồi ạ. Bởi vì em rất đồng cảm với bạn Minh, cái đam mê mới là cái quan trọng còn cái kỹ năng thực sự là mì ăn liền.

Khi mà mình đam mê một cái gì đó thì bất chấp tất cả mình sẽ đạt được những kỹ năng làm được cái sự đam mê đó trở thành hiện thực. Khi mà mình thực sự có đam mê và mình có một cơ sở để theo đuổi đam mê thì những kỹ năng không còn quan trọng nữa rồi ạ.

Ví dụ như em trai của em, nó cực kỳ thích đá bóng, bất chấp tất cả, bố mẹ ngăn cấm, thầy cô ngăn cấm, điểm kém không sao hết, vẫn bỏ học, vẫn đá bóng và bây giờ đã trở thành cầu thủ. Điều đó là điều, khi mà nó đam mê và nó được theo đuổi đam mê thì kỹ năng không còn là vấn đề quan trọng.

Vậy thì anh chị hãy cho em biết làm thế nào để chúng ta có thể tác động được. Có hai cái em muốn tác động, thứ nhất nói rộng ra là nền văn hóa, nói hẹp lại là cái tư duy con người, cái này là cái mà chúng ta không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Tại sao ở Mỹ, 'mày" có thể đánh bóng rổ rất giỏi và vào được trường đại học này, đại học kia. Nhưng Việt Nam phải có hai mấy điểm thi đại học thì mới được. Không bao giờ có chuyện em hát hay, em đàn giỏi, em đánh cầu lông giỏi, em đánh bóng bàn giỏi mà em được tuyển vào đại học?

Và gần đây có một trường hợp đạp xe đạp từ trong Nghệ An ra 300 cây số và được tuyển vào đại học, em rất khuyến khích trường hợp này.

Người Việt Nam của chúng ta, khi mà chúng ta muốn thay đổi thì phải thay đổi cái tư duy đã.

Anh chị làm thế nào để những chuyên gia, anh chị làm thế nào để thay đổi được cái tư duy và cái tư duy ở đây là chúng ta không thể là những người học đại học chúng ta không thể hiểu gì về cái tư duy của người nông dân, làm sao chúng ta thay đổi được họ và hãy đi sâu vào và hãy hiểu người nông dân họ muốn gì và họ muốn con cái họ như thế nào thì mới thay đổi được.

Chuyên gia Kinh tế Jan Rutkowski: Như là một số anh chị cũng quan tâm ở đây thì chúng tôi chỉ tập trung nói đến GD ĐH.

Nhưng khi chúng tôi muốn nói đến kỹ năng rồi năng lực của nguồn nhân lực thì nó không phải chỉ là những kỹ năng mà người lao động thu nhận được ở trường đại học mà nó được bắt đầu từ rất sớm

Từ khi mà trẻ đi học ở mẫu giáo rồi đi học tiểu học rồi những trải nghiệm trong học tập của các em ở trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông…

Tất cả những cái đấy đã cấu thành nên kỹ năng hay là những phẩm chất năng lực mà các em cần có để tham gia vào thị trường lao động.

Ví dụ như là không phải đến khi học đại học thì chúng ta mới bắt đầu phát triển kỹ năng tư duy phản biện hay là làm việc theo nhóm hay là sáng tạo hay là cái gì đó mà nó là kết quả của toàn bộ quá trình học tập giáo dục từ nhỏ của chúng ta.

Và cái ý đấy nó cũng lại liên quan đến một câu hỏi là liệu chúng ta nên phát triển giáo dục theo đại trà hay là theo tinh hoa.

Tôi nghĩ rằng trong một nền giáo dục chúng ta không chỉ nào tập trung vào những cái tinh hoa. Bởi vì nếu chỉ tập trung vào những cái tinh hoa thì sẽ không đưa một đất nước đến đâu cả. Và chúng ta phải làm sao để tạo cơ hội cho đại chúng, cho tất cả mọi người để họ có thể nắm bắt được những cơ hội đặt ra trong nền kinh tế hiện đại.

Cần tầm nhìn dài hạn
 

Ảnh Văn Chung

Trần Tố Loan: Tôi là người thực tiễn. Tôi không đứng về phía nào cả. Nhưng tôi không lạc quan về GD ĐH ở Việt Nam. Tại vì nguyên lý của giáo dục Việt Nam là hình kim tự tháp ngược. Người ta quá quan trọng bậc đại học, bậc cao học và kể cả tiến sĩ. Chúng ta có rất nhiều tiến sĩ, nhiều giáo sư nhưng rất ít phát minh rất ít sáng chế, đấy là một nghịch lý.

Nhà báo Hoàng Hường: Hình như chúng ta đang đi vào những cái vấn đề, những triết lý sống và tư duy. Mà những cái này thì chúng ta cần những không gian rộng để chúng ta đưa ra những ý kiến.

Và để thay đổi một cái tư duy của một con người thôi đã rất khó, thì tư duy của một đất nước thì có lẽ là chúng ta cần một thời gian dài.

Khi mà chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, tôi muốn chúng ta tập trung vào những vấn đề cụ thể hơn, cũng như là vào chủ đề mà hôm nay chúng ta đặt ra ở đây. Tôi muốn đọc một ý kiến của một độc giả và có thể là chúng ta sẽ cùng thảo luận về chủ đề ấy chăng?

Bạn Võ Hoàng Lâm (An Giang): Chính phủ Việt Nam có nên đầu tư cho hiệp hội các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ngành nghề để họ có thể đào tạo những lao động chuyên ngành, chuyên sâu trong lĩnh vực ngành nghề đó.

Sau đó, thì họ sẽ sử dụng nguồn nhân lực đó theo hướng chuyên nghiệp hóa lĩnh vực đào tạo theo hướng khép kín.

Đào tạo và sử dụng nguồn lao động hạn chế tình trạng đào tạo xong nhưng chẳng có doanh nghiệp nào dám nhận hơn là phải đầu tư một cách dàn trải trong các cơ sở đào tạo, vừa tốn kém về tài chính, vừa yếu kém về kinh nghiệm, các kỹ năng thực hành, tránh trường hợp các doanh nghiệp phải đào tạo lại những lực lượng lao động đã được các cơ sở này đào tạo

Hoàng Đức Minh (SV năm 4 ĐH Thủy lợi): Trong biến đổi khí hậu bọn em có một nhóm giải pháp gọi là các nhóm giải pháp không hối hận. Khi mà đầu tư vào các giải pháp ấy thì cho dù tương lai diễn ra như thế nào thì những giải pháp ấy vẫn có ích.

Ví dụ như chúng ta trồng rừng chẳng hạn, như là có biến đổi khí hậu diễn ra hay không thì nó vẫn sẽ luôn luôn có ích. Thế thì trong giáo dục, em cho rằng cần phải có một cái tầm nhìn dài hạn hơn cho các giải pháp.

Điều phối viên Christan: Những ý kiến của các bạn giúp cho chúng tôi rất nhiều các khía cạnh để suy nghĩ. Thực ra, tôi cũng không kỳ vọng rằng ngân hàng thế giới hay các nhóm chuyên gia có thể đưa ra tất cả các câu trả lời cho các vấn đề này của Việt Nam.

Tuy nhiên tôi cũng rất muốn có một vài chia sẻ khi mà câu hỏi của bạn là nhóm chuyên gia gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận này thì một trong các khó khăn là đặt câu hỏi là các khán giả hay đối tượng của nghiên cứu này là ai, cảm nhận của chúng tôi là nó rất rộng.

Nó là cha mẹ, là cá nhân, là nhà trường, là nhà tuyển dụng lao động, là các cơ quan liên quan và cuối cùng là chính phủ vì vậy đó là một thách thức rất lớn đối với nhóm chuyên gia.

Và cũng rất mong muốn về phía các độc giả có những lời khuyên với các chuyên gia của WB là nên chú trọng vào đối tượng nào trong quá trình nghiên cứu.

Các bạn nói rất nhiều về làm thế nào để có động lực, làm thế nào để có mong muốn xuất phát từ bên trong, cái này tôi cũng rất chia sẻ vấn đề đấy.

Nhưng mà nếu như có thể được thì trong những lần tham gia trực tuyến sau thì chúng ta có những câu hỏi là chúng ta cần những năng lực gì và ai cần tham gia vào quá trình phát triển nguồn nhân lực.

Cái câu hỏi tiếp theo mà chúng tôi đặt ra là có những động cơ gì hay có những cơ chế gì để khuyến khích các bên hợp tác với nhau.

Nếu như có được câu trả lời cho những cái đó thì hy vọng là sẽ có được những cái khuyến nghị mà nó rất hữu ích cho tất cả các bên mà tham gia vào quá trình phát triển nguồn nhân lực.

Độc giả Vũ Oanh: Qua lắng nghe trao đổi của các bạn, tôi có ý đề nghị là nên đổi lại câu: “Nhân lực Việt sẵn sàng cho tương lai” bằng câu “Tương lai nào cho nhân lực Việt” bởi tôi thấy các bạn rất năng động, vậy thì tương lai nào cho các bạn đây và đó cũng là cái hy vọng nào cho các bạn và hy vọng nào cho đất nước này.

Nhà báo Hoàng Hường: Ý kiến của WB và câu hỏi mở của độc giả là ý kiến rất hay. Tôi tin tất cả những khách mời của chúng tôi ở đây cũng còn rất nhiều điều muốn chia sẻ và độc giả, khán giả online cũng còn rất nhiều câu hỏi, chia sẻ.

Vậy thì các bạn còn những câu hỏi nào, còn những thắc mắc nào cũng có thể gửi email hoặc để lại câu hỏi cho chúng tôi và chúng tôi sẽ chuyển lại cho các chuyên gia. Một lần nữa cám ơn tất cả các khách mời đã tham gia với chúng tôi.
 

 
Theo Ban Giáo dục

Các tin cũ hơn